Trị mất ngủ tiên phát, thuốc gì?

28-01-2019 17:58 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mất ngủ là một rối loạn phổ biến trong nhân dân. Người được coi là mất ngủ nếu ngủ ít hơn bình thường của chính họ trên 2 giờ mỗi ngày.

Mất ngủ là một rối loạn phổ biến trong nhân dân. Người được coi là mất ngủ nếu ngủ ít hơn bình thường của chính họ trên 2 giờ mỗi ngày. Mất ngủ tiên phát kéo dài ít nhất 3 tháng, không có liên quan gì đến các bệnh cơ thể hoặc bệnh tâm thần khác.

Biểu hiện của mất ngủ tiên phát

Mất ngủ tiên phát được đặc trưng bởi hai dấu hiệu: Khó vào giấc ngủ và hay thức giấc, thường gặp ở tuổi trung niên, nhưng cũng có thể gặp ở tuổi thanh niên hoặc tuổi già. Bệnh nhân có thể mất ngủ đầu giấc, đi nằm ngủ như bình thường, nhưng nằm mãi mà không ngủ được; Bệnh nhân cũng có thể mất ngủ giữa giấc, ngủ được đến 2-3 giờ sáng thì thức giấc. Sau đó, phải mất đến 1-2 giờ họ mới ngủ tiếp được; Mất ngủ cuối giấc biểu hiện bằng giấc ngủ kéo dài đến khoảng 1-2 giờ sáng thì họ thức giấc và không sao ngủ lại được.Mất ngủ gây ra nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe.

Mất ngủ gây ra nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe.

Mất ngủ hoàn toàn (bệnh nhân không hề ngủ được trong 24 giờ) hiếm gặp trong mất ngủ tiên phát. Chúng có thể là hậu quả của mất ngủ đầu giấc, giữa giấc hay cuối giấc.

Mất ngủ tiên phát có nguyên nhân thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh serotonin trong não. Tuy nhiên, sự thiếu hụt này không quá trầm trọng như trong bệnh trầm cảm, nên bệnh nhân chỉ có triệu chứng mất ngủ mà không có thêm bất kỳ triệu chứng nào khác.

Cũng như trầm cảm, mất ngủ tiên phát chịu sự ảnh hưởng rõ ràng của thời tiết. Bệnh nhân hay khởi phát bệnh vào mùa hè và bệnh thường nặng lên trong thời gian này. Người ta lý giải hiện tượng này bằng các yếu tố vật lý như nhiệt độ, độ ẩm không khí, tia tử ngoại của mặt trời cao hơn các thời điểm khác trong năm.

Mất ngủ tiên phát là bệnh mạn tính, nếu không được điều trị, bệnh có thể kéo dài suốt đời.

Thuốc điều trị

Các thuốc bình thần (benzodiazepine) và thuốc ngủ (barbituric) cho kết quả rất hạn chế do các thuốc này nhanh chóng bị “quen” thuốc và mất tác dụng sau một vài tuần điều trị.

Một số thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần mới hay được sử dụng và tỏ ra có hiệu quả tốt trong điều trị mất ngủ tiên phát. Các thuốc này có ưu điểm là không gây phụ thuộc, không độc với gan, thận, cơ quan tạo máu... nên có thể sử dụng được lâu dài.

Một số biện pháp dùng thuốc:

Cách 1: Sử dụng amitriptylin vào buổi tối. Tác dụng phụ của thuốc là gây khô miệng, táo bón, mệt mỏi trong 1-2 tuần đầu dùng thuốc. Không dùng thuốc này cho người có bệnh glôcôm góc đóng, u tiền liệt tuyến, tiền sử nhồi máu cơ tim.

Cách 2: Dùng clomipramin cũng vào buổi tối. Tác dụng phụ của thuốc ít hơn so với amitriptylin. Bệnh nhân có thể than phiền mệt mỏi, khô mồm trong 1-2 tuần đầu dùng thuốc.

Cách 3: Dùng olanzapin vào buổi tối. Thuốc ít tác dụng phụ, dung nạp tốt, hiệu quả điều trị chắc chắn. Tuy nhiên, thuốc gây tăng cảm giác ngon miệng nên bệnh nhân có thể ăn nhiều dẫn đến tăng cân.

Cách 4: Sử dụng mirtazapin vào buổi tối. Thuốc dung nạp tốt, hiệu quả đáng tin cậy, ít ảnh hưởng đến chức năng tình dục. Tuy nhiên, thuốc cũng gây tăng cảm giác ngon miệng nên bệnh nhân ăn nhiều và gây béo.

Thời gian điều trị tối thiểu là 18 tháng. Các thuốc tiêm cần được sử dụng dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh không được tự ý mua về dùng.

Các nguyên tắc vệ sinh giấc ngủ

Ngoài việc tuân thủ dùng thuốc, người bị mất ngủ tiên phát cần phối hợp các nguyên tắc vệ sinh giấc ngủ sau đây để việc điều trị đạt hiệu quả: thức giấc cùng một giờ hàng ngày; giới hạn thời gian nằm trên giường trước khi ngủ; không dùng các chất kích thích thần kinh trung ương (cà phê, thuốc lá, rượu); tránh ngủ chợp mắt ban ngày; có các bài tập thể dục sôi nổi vào buổi sáng sớm; tránh xa các sự kiện gây kích thích, thay thế chúng bằng nghe đài, xem tivi hoặc đọc sách; tắm nước nóng khoảng 20 phút trước khi đi ngủ; ăn vào một giờ nhất định trong ngày, không ăn nhiều trước khi đi ngủ; tập các bài tập thư giãn đầu óc và cơ vào các buổi tối hàng ngày; cố gắng có được các điều kiện ngủ thoải mái.


PGS. TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103)
Ý kiến của bạn