Chứng mất ngủ là một trong những căn bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe. Mất ngủ có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng khi triệu chứng tồn tại và kéo dài mà không xử trí, có thể làm nặng thêm các rối loạn nội khoa, thần kinh khác, gây rối loạn điều chỉnh cảm xúc, suy giảm chức năng sinh lý...
Điều trị chứng mất ngủ chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với điều trị nguyên nhân, nếu xác định được nguyên nhân gây mất ngủ. Vấn đề chẩn đoán xác định cũng như chỉ định điều trị cần theo ý kiến của thầy thuốc. Trước hết cần phải loại bỏ những nguyên nhân chủ quan gây mất ngủ, ví dụ: tránh uống cà phê vào buổi tối; tránh ăn no quá, tránh các chất cay nóng; tránh căng thẳng; nơi ngủ cần thoáng mát, sạch sẽ...
Mất ngủ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Khi đã loại bỏ được các nguyên nhân mà tình trạng mất ngủ vẫn lặp lại thì cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị. Điều trị bằng thuốc, giúp giảm triệu chứng mất ngủ nhanh chóng. Nhưng do thuốc điều trị mất ngủ có khá nhiều tác dụng phụ bất lợi, nên chỉ bác sĩ chuyên khoa mới xem xét các đặc tính thuốc khi dùng và ưu tiên dùng các thuốc tác dụng ngắn.
Biện pháp dùng thuốc được xem như là một điều trị bổ sung trong mất ngủ nguyên phát. Nguyên tắc điều trị là dùng liều tác dụng thấp nhất. Tùy từng tình trạng mất ngủ cũng như bệnh lý khác kèm theo, bác sĩ có thể kê toa một trong các thuốc:
Zopiclone được chỉ định điều trị ngắn hạn cho chứng mất ngủ, bao gồm khó ngủ, tỉnh giấc về đêm không ngủ lại được... Thuốc cũng được dùng trong điều trị mất ngủ thứ phát do rối loạn tâm thần, mất ngủ làm cho bệnh nhân suy nhược hoặc kiệt sức. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc là gây đắng miệng, khô miệng; có thể gặp rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, chóng mặt, ngủ gật. Mặc dù đây là thuốc hướng tâm thần, nhưng có thể có tác dụng phụ gây rối loạn tâm thần như dễ cáu kỉnh, lú lẫn, hay quên, chán nản... Hơn nữa, thuốc có thể gây nguy cơ lệ thuộc thuốc khi dùng kéo dài trên 4 tuần với liều cao. Việc ngừng thuốc đột ngột có thể dẫn đến những triệu chứng cai thuốc với các triệu chứng như: Mất ngủ trở lại, lo lắng, đau đầu, cáu kỉnh... Chính vì thế khi được bác sĩ chuyên khoa kê đơn điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ thời gian dùng thuốc cũng như liều lượng thuốc.
Amitriptyline được dùng để điều trị các vấn đề về tâm thần như bệnh trầm cảm. Thuốc có thể giúp cải thiện tâm trạng và cảm xúc trở nên vui vẻ hơn, giảm lo lắng và căng thẳng, giúp cho ngủ ngon giấc hơn. Tùy từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể kê liều lượng và cách uống thuốc phù hợp. Nên uống trước khi đi ngủ và vào cùng thời điểm mỗi ngày để hạn chế tình trạng buồn ngủ vào ban ngày.
Để giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ (mệt mỏi, khô miệng, choáng váng), bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân bắt đầu dùng thuốc với liều lượng thấp và tăng liều lượng dần tới khi đạt hiệu quả. Việc dùng thuốc trong thời gian bao lâu, khi nào cần ngừng thuốc, cần phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Khi mới dùng thuốc với liều thấp, có thể thuốc chưa có tác dụng ngay, bệnh nhân cũng không được tự ý tăng liều lượng hoặc dùng thuốc thường xuyên hơn hoặc lâu hơn chỉ định của bác sĩ. Bởi nếu dùng thuốc không đúng chỉ định, tình trạng bệnh sẽ không cải thiện nhanh hơn và nguy cơ mắc các tác dụng phụ sẽ tăng lên.
Trazodone được dùng để điều trị trầm cảm, giúp cải thiện tâm trạng, hạn chế lo âu và mất ngủ do trầm cảm. Cũng như hai thuốc nêu trên, liều lượng thuốc phụ thuộc vào tình trạng bệnh và đáp ứng của cơ thể. Khi ngủ được người bệnh nên tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định, bởi các chứng lo âu, buồn phiền và khó ngủ có thể xảy ra khi bệnh nhân ngừng dùng thuốc không đúng cách.