Sợ vào bệnh viện, suýt tử vong
Đó là tình trạng chung của nhiều bệnh nhân đang được điều trị tại BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM. Điển hình là bệnh nhân M. (62 tuổi) bị đau thắt ngực khi gắng sức. Gần đây các triệu chứng này xuất hiện ngày một nặng hơn, nhưng vì quá lo sợ dịch bệnh COVID-19, nên ông M. không đến bệnh viện để khám. Cách đây 2 tuần, cơn đau quá nặng, ông được người thân đưa đến bệnh viện để cấp cứu.
Tại BV, ông được các bác sĩ khám, chụp mạch vành, kết quả ông bị hẹp mạch vành nặng nề. TS.BS Lê Cao Phương Duy - Phó giám đốc BV Nguyễn Tri Phương cho biết: “May mắn là bệnh nhân vẫn còn kịp thời gian để được can thiệp. Nếu đến bệnh viện trễ hơn một chút, bệnh nhân đã có thể bị đột tử tại nhà hoặc trên đường đến bệnh viện. Với tình trạng nặng của bệnh nhân, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn hơn, bệnh nhân cần có nhiều thời gian để hồi phục và theo dõi lâu dài”.
Tương tự, bệnh nhân T. (59 tuổi) nhiều năm nay phải điều trị bệnh đái tháo đường. Từ thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thời gian đầu ông T. vẫn đến bệnh viện tái khám, tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Vào thời điểm đợt thứ 2 dịch bệnh bùng phát trở lại, vì lo sợ thái quá ông không vào bệnh viện tái khám, bỏ ngang điều trị, tự động ngưng thuốc. BS Lê Cao Phương Duy cho biết: “Bệnh nhân vào viện cấp cứu do tăng đường máu, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu. Đây là các biến chứng nặng của bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân được chuyển vào phòng bệnh nặng để tích cực điều trị đưa đường huyết về bình thường. Dự kiến quá trình điều trị của bệnh nhân phải kéo dài, gặp nhiều khó khăn hơn so với trước đây”.
Tình trạng các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính gặp phải những biến chứng nguy hiểm không còn hiếm gặp trong thời gian gần đây. Điển hình: Trường hợp bệnh nhân bị tăng huyết áp bỏ điều trị khi vào bệnh viện đã bị tai biến mạch máu não; bệnh nhân tiểu đường ngưng uống thuốc phải cấp cứu vì hôn mê, tăng đường huyết; bệnh nhân bị loét dạ dày bỏ thuốc phải cấp cứu với cơn xuất huyết tiêu hóa, sốc mất máu, thủng bao tử… Nguyên nhân do người bệnh có tâm lý chủ quan khi sức khỏe đã có những ổn định, hoặc quá lo ngại lây nhiễm dịch bệnh khi đến các cơ sở y tế. Không tái khám, bỏ ngang điều trị, không dùng thuốc hoặc tự ý mua thuốc ở bên ngoài, tự ý chuyển sang phương pháp điều trị khác (uống thuốc Bắc, thuốc Nam không rõ nguồn gốc)…
Cần tuân thủ phác đồ điều trị
Theo TS.BS Lê Cao Phương Duy, bệnh nhân bệnh mạn có thể mắc nhiều bệnh lý đi kèm. Điển hình như bệnh nhân đang bị bệnh huyết áp có thể mắc các bệnh khác: mạch máu não, mạch máu tim, mạch máu chi dưới, bệnh thận. Các bác sĩ không chỉ điều trị bệnh huyết áp cho bệnh nhân mà còn phải điều trị tất cả các bệnh do bệnh chính gây ra.
Bên cạnh đó, trong bệnh lý nội khoa có 2 biến chứng cần phải lưu ý: biến chứng sớm (biến chứng có thể xảy ra tức thì), biến chứng muộn (các biến chứng lâu dài về sau). Theo đó, khi bị bệnh tiểu đường nếu không được khám, điều trị đúng cách sẽ dẫn đến các biến chứng sớm như: hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng lực thẩm thấu… Các biến chứng muộn như biến chứng trên mạch máu não, biến chứng mạch máu tim, mạch máu thận.
Người bị bệnh tim, bệnh thận điều trị không đúng có thể có những biến chứng về chuyển hóa, tim mạch, nhịp tim, có thể gây tử vong cho người bệnh. Do đó, tiêu chí điều trị các bệnh mạn tính thành công là bác sĩ chẩn đoán bệnh đúng, chỉ định đúng phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Bệnh nhân cần uống thuốc đủ, đúng liều tượng, đúng thời gian, tái khám theo đúng hẹn để được đánh giá, hoặc thay đổi liều lượng thuốc trong trường hợp cần thiết, để kiểm soát 2 loại biến chứng nói trên.
Đối với người cao tuổi mắc bệnh mạn tính, trong quá trình dùng thuốc, bác sĩ phải cân nhắc các tác dụng phụ của thuốc
“Bệnh lý mạn tính cần phải được điều trị suốt đời, thuốc điều trị lâu dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ, dẫn đến các bệnh lý khác. Đối với người cao tuổi mắc bệnh mạn tính, khi các cơ quan đã có tình trạng lão suy, thì việc dùng thuốc sẽ gặp nhiều khó khăn.
Do đó, người bệnh cần tuân thủ tái khám theo đúng định kỳ để các bác sĩ thực hiện các xét nghiệm đánh giá, theo dõi các tác dụng phụ của thuốc, diễn biến của bệnh. Theo dõi các đáp ứng thuốc, mục tiêu điều trị có đáp ứng được không, để điều chỉnh liều thuốc kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra”, BS. Duy nhấn mạnh.
“Hiện nay các cơ sở y tế đang triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 rất tốt (bao gồm: đo thân nhiệt; rửa tay; khai báo y tế; phân luồng khám, điều trị; tăng cường xét nghiệm; trang bị phòng cách ly…). Do đó, người bệnh mạn tính không nên quá lo lắng, cần tuân thủ phác đồ điều trị, tái khám đúng định kỳ. Đối với những trường hợp bệnh nhân tuổi quá cao, người khuyết tật không đi lại được, bệnh nhân rất ổn định mà bác sĩ cho phép kéo dài thời gian khám bệnh, hoặc bệnh nhân có những bệnh nền phức tạp nhiều nguy cơ cần đăng ký khám tại nhà để được khám, theo dõi, chỉ định dùng thuốc phù hợp.
Đặc biệt lưu ý, người bệnh không nên bỏ ngang điều trị, bỏ thuốc, tự ý mua thêm bên ngoài hoặc chuyển qua điều trị bằng Đông y không rõ nguồn gốc... Sau một quá trình gián đoạn, bệnh nhân quay lại điều trị sẽ gặp phải nhiều bất lợi. Khi đó các bác sĩ buộc phải bắt đầu theo dõi lại từ đầu, gây tốn kém cho người bệnh, giảm hiệu quả điều trị”, BS. Duy khuyến cáo.
“Bệnh lý mạn tính cần phải được điều trị suốt đời, thuốc điều trị lâu dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ, dẫn đến các bệnh lý khác. Đối với người cao tuổi mắc bệnh mạn tính, khi các cơ quan đã có tình trạng lão suy, thì việc dùng thuốc sẽ gặp nhiều khó khăn.
Do đó, người bệnh cần tuân thủ tái khám theo đúng định kỳ để các bác sĩ thực hiện các xét nghiệm đánh giá, theo dõi các tác dụng phụ của thuốc, diễn biến của bệnh. Theo dõi các đáp ứng thuốc, mục tiêu điều trị có đáp ứng được không, để điều chỉnh liều thuốc kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra”.