1.Vì sao đau nhức xương khớp hay xảy ra khi trời lạnh?
Đau nhức xương khớp là dấu hiệu thường gặp ở người lớn tuổi. Cơn đau không đơn thuần chỉ là do thời tiết lạnh, do ngồi, làm việc sai tư thế... mà còn là dấu hiệu những căn bệnh về xương khớp nguy hiểm cần được phát hiện sớm để phòng tránh nguy cơ tàn phế.
Hầu hết các bệnh lý về khớp đều gây ra triệu chứng cứng khớp, đau khớp khi vận động quá mức hoặc thời tiết lạnh. Độ tuổi thường mắc phải nhất là độ tuổi trung niên. Tuy nhiên những năm gần đây, bệnh xương khớp có xu hướng trẻ hóa, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao như: Béo phì, làm việc văn phòng, bê vác nặng…
Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp:
Áp suất khí quyển
Ở người mắc bệnh xương khớp, hầu hết đều xảy ra tình trạng bào mòn ở lớp sụn bao phủ xương bên trong khớp, khiến dây thần kinh bị tác động cảm nhận được sự thay đổi của áp suất. Ngoài ra, áp suất khí quyển thay đổi khiến các cơ, gân, mô sẹo dễ co lại và giãn ra gây đau đớn.
Khi áp suất khí quyển hoặc nhiệt độ giảm, chất lượng dịch khớp cũng thay đổi. Phản ứng của các mô xung quanh khớp với nhiều quá trình lý hóa phức tạp, làm gia tăng tình trạng viêm, biểu hiện bởi hiện tượng sưng, đau tại khớp. Không những thế, tiết trời lạnh còn làm sức đề kháng của cơ thể giảm, khiến người bệnh càng đau nhức, khó chịu. Bệnh gây cản trở khả năng đi lại và làm xuất hiện những cơn đau đớn dai dẳng tại các khớp xương.
Nhiệt độ thấp làm khô cứng khớp
Nguyên nhân do nhiệt độ thấp khiến chất lỏng bên trong khớp trở nên đặc hơn, dẫn đến hiện tượng khô cứng khớp.
Có thể thấy, bệnh về khớp khiến những cơn đau nhức, khô cứng khớp nhạy cảm hơn với thời tiết, đặc biệt là thời tiết trở lạnh hay trước những ngày mưa. Cần hiểu rõ, thời tiết thay đổi chỉ là nguyên nhân tạm thời làm gia tăng cơn đau nhức khớp, không phải là nguyên nhân gây bệnh.
Theo thời gian, hầu hết người bệnh viêm khớp bị đau nhức nghiêm trọng hơn, khiến người bệnh gặp khó khăn trong các hoạt động thường ngày, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Nếu bị đau nhức xương khớp khi trời lạnh, nên đi khám và điều trị sớm, tránh những tổn thương khớp nghiêm trọng khiến bạn phải sống chung với căn bệnh này nhiều năm.
Theo Y học cổ truyền, các bệnh đau nhức xương khớp thuộc chứng tý. Tý là tắc không thông, kinh khí mạch lạc không thông, bị tắc gây ra những cơn đau nhức ở xương khớp.
Chứng tý trong xương khớp là giai đoạn biểu hiện phía ngoài cơ thể khi khí huyết trong kinh lạc bị tắc, hạn chế lưu thông đến phần cơ khớp vận động, gây đau đớn tại chỗ.
Lâm sàng Đông y chia các nhóm nguyên nhân gây bệnh gồm: Lục khí là nguyên nhân bên ngoài (yếu tố ngoại nhân), khi chuyển thành nguyên nhân gây bệnh gọi tà khí. Khi cơ thể đau yếu, vệ khí suy yếu thì tà khí phía ngoài mới thừa cơ xâm nhập cơ thể gây bệnh.
Tà khí gồm có 6 loại gọi là lục tà: Phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (độ ẩm), táo (độ khô), hỏa (nhiệt). Trong đó, phong, hàn, thấp, nhiệt là những yếu tố ngoại tà do thời tiết xâm nhập cơ thể, khiến sự vận hành khí huyết không thông lợi, dẫn đến chứng gân xương, cơ bắp, các khớp đau mỏi, tê dại, nặng nề co duỗi khó khăn và sưng nóng, đỏ....
Bên cạnh các yếu tố ngoại tà gây nên chứng tý, còn có nguyên nhân do chấn thương, ăn uống, dinh dưỡng, nội thương. Chấn thương cũng khiến khí huyết vận hành không tốt, khí trệ, huyết ứ, mạch lạc không thông cũng phát sinh chứng tý. Nội thương là khi thể trạng mệt nhọc, tuổi cao thể lực suy yếu, mắc bệnh lâu ngày sức khỏe kém, ảnh hưởng tạng Can-Thận. Can thận hư suy không nuôi dưỡng được kinh mạch, cơ nhục, gân cốt.
2. Các phương pháp điều trị đau nhức xương khớp của Y học cổ truyền
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh, y học cổ truyền có các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc để giải quyết tình trạng đau nhức xương khớp cho người bệnh.
- Các phương pháp dùng thuốc: Là dùng các bài thuốc uống trong hay bôi ngoài tại chỗ đau, rượu thuốc… Mục đích là làm thông kinh hoạt lạc, bổ huyết dưỡng khí giúp kinh lạc khí huyết của người bệnh được thông, từ đó mà các cơn đau nhức được thoái lui.
Các vị thuốc thường dùng chữa các chứng đau nhức xương khớp như: Khương hoạt, độc hoạt, quế chi, can khương, phụ tử chế, uy linh tiên, thiên niên kiện, ý dĩ, thương truật, xuyên khung, ngưu tất...
- Các phương pháp không dùng thuốc: Châm cứu, bấm huyệt, điện châm, thủy phân, đắp nến (paraphin), giác hơi, chườm nóng… Các phương pháp này thường an toàn. Sau một thời gian điều trị người bệnh sẽ cảm thấy các cơn đau nhức xương khớp được giảm dần và biến mất.
Một số biện pháp giúp khắc phục các triệu chứng của bệnh:
- Xoa bóp: Dùng dầu gừng hoặc dầu khuynh diệp, các loại rượu thuốc xoa bóp trực tiếp các vùng xương khớp bị đau nhức để làm nóng khớp và tăng cường lưu thông khí huyết.
- Chườm nóng: Chườm nóng 20 phút giúp làm giảm các cơn đau xương khớp. Có thể dùng ngải cứu chườm nóng, ngâm chân bằng nước muối ấm, dùng lá lốt… cũng có hiệu quả làm giảm các cơn đau nhức xương khớp.
Đau nhức xương khớp chỉ là triệu chứng, vì vậy thầy thuốc sẽ đi tìm căn nguyên gây bệnh để từ đó có phác đồ điều trị phù hợp. Theo Y học cổ truyền, các chứng đau nhức xương khớp có liên quan đến can và thận, vì vậy để giải quyết triệt để các chứng này, thầy thuốc sẽ dùng các bài thuốc bồi bổ can thận.
3. Phòng đau nhức xương khớp khi trời lạnh
-Giữ ấm cơ thể: Khi nhiệt độ giảm, thời tiết thay đổi, cần chủ động giữ ấm cơ thể bằng cách tắm với nước ấm, mặc nhiều quần áo ấm vào ban ngày, sử dụng tất chân, găng tay… Để nhiệt độ phòng ngủ ấm áp, có thiết bị tăng nhiệt độ bên trong nhà.
- Giảm áp lực cho xương khớp: Lao động nặng, đi lại nhiều thì đau nhức xương khớp càng nghiêm trọng. Vì thế, giảm áp lực cho các khớp sẽ giúp giảm đau hiệu quả.
- Nâng cao sức khỏe: Nâng cao sức khỏe tổng thể là cách giúp giảm và phòng ngừa đau nhức xương khớp khi trời lạnh. Hãy lưu ý đến chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ngủ đủ giấc và tập thể dục, vận động cơ thể với những bài tập phù hợp cho người đau khớp.
Mùa lạnh đừng để viêm phổi 'tấn công".