Hà Nội

Trị đau khớp gối - Những điều nên biết

27-01-2019 07:23 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Đau khớp gối là triệu chứng phổ biến khiến người bệnh cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế ở mọi lứa tuổi. Đau khớp gối có thể do nguyên nhân đơn giản nhưng có những nguyên nhân nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ gây hậu quả nặng nề.

Vị trí và mức độ nặng của đau khớp gối rất thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân. Triệu chứng và dấu hiệu đau khớp gối có thể kết hợp với: Sưng nề và cứng khớp; Nóng đỏ vùng khớp; Yếu hoặc mất vững khớp gối; Lạo xạo xương, lục cục khớp; Hạn chế vận động khớp gối.

Rất nhiều người bị đau khớp gối mức độ nhẹ đáp ứng với tự điều trị hoặc điều trị nội khoa. Vật lý trị liệu phục hồi chức năng, đeo nẹp hỗ trợ khớp gối có thể làm giảm tình trạng đau khớp. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đau khớp gối cần được điều trị bằng phẫu thuật.

Nguyên nhân gây đau khớp gối

Đau khớp gối có thể do chấn thương, vấn đề cơ học hoặc tình trạng bệnh lý.

Do chấn thương: Gãy xương, đứt dây chằng, rách sụn chêm, viêm túi hoạt dịch quanh gối, viêm gân bánh chè, gân chân ngỗng.

Do vấn đề cơ học: Dị vật nội khớp (viêm hoặc thoái hóa khớp gối làm cho sụn khớp bị bong ra và trở thành dị vật đối với khớp gối); Hội chứng dải chậu chày; Trật bánh chè; Đau do khớp háng hoặc cổ chân.

Do các loại viêm khớp: Có khoảng hơn 100 loại viêm khớp khác nhau. Các loại viêm khớp phổ biến gồm: Viêm thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, viêm khớp giả gút, viêm khớp nhiễm khuẩn.

Bệnh lý khác: Đau khớp chè đùi thường xảy ra ở vận động viên trẻ, ở người có tuổi có thể trở thành thoái hóa khớp chè đùi.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:  quá cân, béo phì; xơ cứng cơ hoặc yếu cơ; một số môn thể thao đặc thù; chấn thương trước đó....

Trị đau khớp gối Viêm bao hoạt dịch có thể gây đau khớp gối.

Biến chứng của đau khớp gối

Không phải tất cả các trường hợp đau khớp gối đều nghiêm trọng nhưng một số tình trạng chấn thương hoặc bệnh lý khớp gối nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ dẫn đến đau khớp gối tăng lên, tổn thương khớp nặng nề và tàn phế. Khi bạn đã bị chấn thương khớp gối- dù là chấn thương nhẹ - bạn sẽ bị tăng nguy cơ mắc lại chấn thương tương tự trong tương lai.

Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh

Điều trị nội khoa: Nhiều bệnh lý khớp gối có thể điều trị bằng cách dùng thuốc. Dùng thuốc để kiểm soát đau khớp gối và điều trị nguyên nhân gây bệnh.

Vật lý trị liệu: Mục đích là tăng sức mạnh gân cơ xung quang khớp gối sẽ làm cải thiện sự vững chắc của khớp gối. Sử dụng đệm lót đế giày chỉnh hình cũng có thể được áp dụng cho một số trường hợp thoái hóa khớp gối. Ngoài ra nẹp/ băng chun cũng có thể bảo vệ và hỗ trợ khớp gối.

Tiêm thuốc nội khớp: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiêm trực tiếp thuốc vào bên trong khớp gối. Các thuốc được chỉ định tiêm vào khớp gối có thể là: corticosteroids- thuốc chống viêm giảm đau cho những trường hợp viêm khớp. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp viêm khớp đều có thể dùng và đáp ứng với corticosteroid. Acid hyaluronicgiúp giảm đau và cải thiện độ linh hoạt của khớp. Huyết tương tươi giàu tiểu cầu: Được lọc từ chính máu người bệnh. Cung cấp yếu tố phát triển (GF) để làm giảm viêm và tăng khả năng phục hồi thương tổn.

Phẫu thuật: Nếu bạn có tổn thương khớp gối cần phẫu thuật, thông thường nó không phải là một phẫu thuật tối cấp cứu mà có thể lên kế hoạch điều trị. Cần cân nhắc giữa lợi ích và những khó khăn của phẫu thuật cũng như hiệu quả của phẫu thuật với các biện pháp điều trị không phẫu thuật để có quyết định đúng đắn. Phẫu thuật can thiệp khớp gối có thể là: phẫu thuật nội soi giải quyết các tổn thương bên trong khớp gối; phẫu thuật chỉnh hình; phẫu thuật thay khớp gối một khoang hoặc thay khớp gối toàn bộ.

Lối sống và cách khắc phục tại nhà cho người đau khớp gối

Uống thuốc giảm đau kháng viêm không cần kê đơn (acetaminophen, ibuprofen, naproxen) có thể làm giảm đau khớp gối. Một số thuốc bôi tại chỗ cũng có tác dụng giảm đau.

Tự chăm sóc sau khi bị chấn thương khớp gối bao gồm: Nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng ép và gác chân cao.

Một số lựa chọn khác: Sử dụng thực phẩm chức năng như glucosamine và chondroitin có thể cải thiện tình trạng đau khớp gối do thoái hóa khớp. Châm cứu cũng là một biện pháp giảm đau trong thoái hóa khớp.

Phương pháp phòng ngừa

Không phải tất cả các trường hợp đều có thể phòng ngừa đau khớp gối nhưng một số gợi ý sau sẽ giúp phòng ngừa được đau khớp gối: Tránh tăng cân quá mức. Khởi động hợp lý trước khi chơi thể thao. Tập luyện một cách phù hợp khi chơi những môn thể thao yêu thích. Duy trì sức mạnh và độ linh hoạt của gân cơ. Hãy tập thể dục thể thao một cách thông minh: Tư vấn và chọn những môn thể thao thích hợp với thể trạng và tình trạng bệnh lý của bản thân.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi đau khớp, bạn có thể đi khám bác sĩ gia đình (bác sĩ đa khoa), hoặc các bác sĩ chuyên khoa xương khớp như bác sĩ nội khoa xương khớp, bác sĩ chấn thương chỉnh hình hoặc bác sĩ y học thể thao. Trước khi đến gặp bác sĩ, bạn cần suy nghĩ và trả lời những câu hỏi sau: Đau khớp gối đã diễn ra trong bao lâu? Có chấn thương cụ thể nào khởi phát tình trạng đau khớp không? Triệu chứng đau khớp xảy ra liên tục hay từng đợt? Mức độ nặng của triệu chứng: ảnh hưởng tới toàn thân, hoạt động thể lực, hoạt động sinh hoạt hàng ngày? Cái gì làm cho triệu chứng đau khớp tăng lên hay giảm đi? Triệu chứng kèm theo đau khớp gối là gì? Các thuốc và thực phẩm chức năng đã và đang dùng? Sự chuẩn bị này là cần thiết khi bạn trao đổi thông tin với bác sĩ để có được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Đau khớp gối - Khi nào cần gặp bác sĩ?

Không thể tỳ đè chân bị đau.

Sưng nề gối rõ ràng.

Không thể duỗi gối hết tầm và/ hoặc gấp gối hết tầm.

Nhìn thấy biến dạng chi và gối điển hình.

Người bệnh có sốt, kèm theo sưng nề, nóng đỏ vùng gối.

Cảm thấy khớp gối mất vững.


BS. Đỗ Văn Minh (BV Đại học Y Hà Nội)
Ý kiến của bạn