Trị đái tháo đường bằng đông y

14-09-2015 08:20 | Y học cổ truyền
google news

Trong những năm gần đây, đái tháo đường và các biến chứng của nó đã và đang có xu hướng gia tăng và thực sự đã trở thành mối lo ngại trên phạm vi toàn thế giới. Trong bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu những nét cơ bản nhất về Đông y trị liệu đái tháo đường để độc giả có thể tham khảo.

Trong những năm gần đây, đái tháo đường và các biến chứng của nó đã và đang có xu hướng gia tăng và thực sự đã trở thành mối lo ngại trên phạm vi toàn thế giới. Trong bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu những nét cơ bản nhất về Đông y trị liệu đái tháo đường để độc giả có thể tham khảo.

Khái niệm

Hải sâm.

Biểu hiện chủ yếu của đái tháo đường người xưa gọi là “tam đa, nhất thiểu”, nghĩa là ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều và sút cân nhanh. Về trị liệu, cổ nhân thường lấy biện chứng “tam tiêu” làm cơ sở, nghĩa là phân chia thành 3 thể: thượng tiêu (phần trên cơ thể, gồm tâm và phế), trung tiêu (phần giữa cơ thể, gồm tỳ và vị) và hạ tiêu (phần dưới của cơ thể, gồm can, thận, tiểu trường, đại trường và bàng quang).

Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh

Theo cổ nhân, tiêu khát phát sinh chủ yếu do các nguyên nhân như bẩm thụ tiên thiên bất túc, ẩm thực bất điều (ăn uống bất hợp lý), tình chí thất điều (yếu tố tâm thần kinh), ngoại cảm lục dâm (yếu tố môi trường, nhiễm khuẩn), cửu phục đan dược (dùng thuốc bất hợp lý), trường kỳ ẩm tửu, phòng lao bất điều (tửu sắc và lao lực quá độ)... Các nguyên nhân này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm rối loạn công năng các tạng phủ, trong đó đặc biệt là ba tạng: tỳ, phế và thận, từ đó mà phát sinh tiêu khát.

Nguyên tắc trị liệu

- Điều trị toàn diện, nguyên tắc này xuất phát từ quan điểm chỉnh thể, coi nhân thể là một khối thống nhất. Toàn diện nghĩa là: (1) trong trị liệu phải luôn luôn chú ý xem xét và điều chỉnh công năng tạng phủ bị bệnh trong mối quan hệ ràng buộc và tác động qua lại với tất cả các tạng phủ khác; (2) sử dụng tổng hợp các biện pháp: dùng thuốc và không dùng thuốc, thuốc và chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện khí công dưỡng sinh...

- Biện chứng luận trị, nghĩa là phải căn cứ vào bệnh cảnh lâm sàng cụ thể và giai đoạn bệnh, đặc điểm về thể chất, giới tính, tuổi tác... của từng người bệnh mà lựa chọn thuốc và các biện pháp trị liệu cho phù hợp.

- Chú ý vận dụng các liệu pháp có tính tự nhiên như dược thiện (món ăn – bài thuốc), trà dược, xoa bóp, bấm huyệt, khí công, dưỡng sinh... Nguyên tắc này dựa trên quan điểm “thiên nhân hợp nhất”: con người và tự nhiên là thống nhất, con người khởi nguồn từ tự nhiên, dựa vào tự nhiên, phát triển cùng với tự nhiên.

Phương pháp cụ thể

Có thể chia làm hai biện pháp lớn là dùng thuốc và không dùng thuốc

Dùng thuốc: Thường theo 3 phương thức biện chứng luận trị, chuyên bệnh chuyên phương và vận dụng kinh nghiệm dân gian.

- Biện chứng luận trị: Tùy theo từng thể bệnh mà lựa chọn các vị thuốc và bài thuốc cho phù hợp. Ví như: với thể táo nhiệt thương phế biểu hiện bằng các triệu chứng phiền khát, uống nhiều, ăn nhiều, họng khô miệng táo, tiểu tiện nhiều lần, đại tiện táo, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô... thì chọn dùng bài thuốc Tăng dịch thừa khí thang gia giảm; với thể thận âm khuy hư biểu hiện bằng các triệu chứng người gầy, tiểu tiện nhiều lần, đầu choáng mắt hoa, tai ù, tai điếc, hay có cảm giác sốt nóng về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, đổ mồ hôi trộm, họng khô, miệng khát, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ không có rêu... thì chọn dùng bài thuốc Tả quy hoàn gia giảm, với thể tỳ hư đàm trệ biểu hiện bằng các triệu chứng người béo trệ, hay chướng bụng, ăn kém, chậm tiêu, đầu nặng, tay chân rã rời, lưỡi bệu có vết hằn răng... thì chọn dùng bài thuốc Hoắc phác hạ linh thang gia giảm...

Mướp đắng.

- Chuyên bệnh chuyên phương: Là phương pháp sử dụng một bài thuốc cố định dùng chung cho tất cả các thể bệnh, cũng có thể gia giảm nhưng số lượng không nhiều. Ví như: Ở Trung Quốc, các nhà y học cổ truyền đã nghiên cứu và xây dựng hàng chục phương thuốc trị liệu tiểu đường khác nhau như: tiêu khát linh, thủy điệt tam hoàng thang, giáng đường tụy phúc khang, phức phương tam tiêu thang, ích khí tư thận thang, sinh tân ngọc dịch cao, giáng đường kháng niêm phương, bối qua ẩm, ích nhân đường, giáng đường ẩm II... Thực chất, đây là phương pháp trị liệu theo phương thức “biện bệnh luận trị”.

- Vận dụng kinh nghiệm dân gian: Đây là phương pháp trị liệu thường rất đơn giản, dễ kiếm, dễ dùng, rẻ tiền và có hiệu quả ở các mức độ khác nhau. Kinh nghiệm trị liệu tiểu đường trong dân gian là rất phong phú nhưng chưa được chú ý đúng mức và khai thác hết. Ví như: dùng lá ổi, rễ cây dâm bụt, rễ cây dâu tằm, mướp đắng, thiên hoa phấn, củ mài, hoàng liên... sắc uống; dùng dưa hấu, cà rốt, lê, dưa chuột, bí đao, mướp đắng... ép lấy nước uống hằng ngày; dùng con gián hoặc cương tàm sao vàng tán bột uống...

Không dùng thuốc: Là sử dụng các liệu pháp tự nhiên như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, dược thiện, trà dược, cháo thuốc, dán thuốc vào huyệt, tắm thuốc, tập luyện khí công dưỡng sinh... Ví như, chế độ ăn nên trọng dụng các loại thực phẩm như râu ngô, các chế phẩm của đậu tương và đậu đen, xích tiểu đậu, bạch biển đậu, mướp đắng, bí đỏ, bí đao, dưa hấu, tỏi, hoài sơn, hành tây, rau cần, cà rốt, củ cải, măng, hẹ, ngân nhĩ, hải tảo, tụy lợn, cá quả, cá trạch, hải sâm...; thường xuyên dùng các loại trà dược như khổ qua trà, nam qua phấn giáng đường trà, ngọc mễ tu trà, la hán quả trà, mạch môn hoàng liên trà, hoàng tinh ngọc trúc trà, mạch đông sinh địa tiêu khát trà, cát phấn ngọc tuyền trà, dương sâm hoa phấn tiêu khát trà...; có thể dùng các loại cháo thuốc như cháo tụy lợn, cháo khổ qua, cháo nhị phấn trư đỗ, cháo địa cốt bì ngọc mễ tu, cháo đông qua dĩ nhân...

ThS. Hoàng Khánh Toàn

 

 


Ý kiến của bạn