Bệnh ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày, đồng thời có thể gây ra những biến chứng nặng nề như loét, hẹp, chảy máu thực quản, thậm chí dẫn tới ung thư. Việc dùng thuốc điều trị hợp lý và kịp thời sẽ cải thiện tình trạng bệnh và giảm thiểu biến chứng nguy hiểm.
Cách nào nhận biết?
Hội chứng TNDDTQ còn được gọi là viêm thực quản trào ngược và có các triệu chứng khá giống với các bệnh như viêm loét dạ dày, tá tràng, hay viêm thanh quản… nên rất dễ bị nhầm lẫn. Những triệu chứng rõ nét nhất của hội chứng TNDDTQ có thể kể đến như:
Cảm giác nóng rát: Nóng rát sau xương ức giữa ngực, hay xảy ra sau bữa ăn hoặc lúc cúi mình về phía trước, hoặc lúc nằm ngửa; đau nóng rát khu trú ở bụng trên... Ợ chua, buồn nôn, nôn kèm theo tình trạng khó nuốt cũng là triệu chứng đặc trưng của TNDDTQ.
Các biểu hiện về tai mũi họng: Họng mất cảm giác; cảm giác nuốt nghẹn như có dị vật hoặc vướng, sau xương ức hay sau yết hầu; viêm họng hay tái phát; khản tiếng, sáng dậy khản đặc rồi hết nhanh...
Các biểu hiện ở phổi: Khó thở ban đêm do hít phải dịch vị acid vào phế quản ít gặp, nhưng nặng, có khi có cơn như hen suyễn.
Đau ngực: TNDDTQ là nguyên nhân thông thường nhất của đau ngực không do bệnh tim. Đau thường sau bữa ăn hoặc ban đêm; đau kéo dài nhiều giờ, sau xương ức, không lan sang bên. Khởi phát đau có liên quan tới một đợt trào ngược dịch vị acid.
Các biến chứng của bệnh trào ngược có thể thấy ngay ở đường tiêu hóa mà cơ quan gần nhất phải gánh chịu là thực quản và hệ thống hô hấp. Điển hình như viêm mũi xoang mạn, viêm thực quản trào ngược, hẹp thực quản, ung thư thực quản, thậm chí còn đột tử trong một số trường hợp trào ngược ở trẻ nhỏ.
Dấu hiệu trào ngược dạ dày - thực quản.
Thuốc trị chứng trào ngược dạ dày thực quản
Các thuốc ức chế bơm proton (PPI): Hiện nay, xu hướng điều trị ngay từ đầu bằng các thuốc này với liều chuẩn hằng ngày, trong 2 - 4 ngày đầu. Bệnh nhân thường đáp ứng tốt, giảm triệu chứng nhanh, đa số ổn định lâu, liền sẹo loét. Các thuốc trong nhóm này có thể kể đến là:
Omeprazole có tác dụng ức chế tiết acid mạnh, có thể tạo ra vô toan. Các triệu chứng lâm sàng hết ngay từ những ngày đầu khi dùng thuốc. Các tác dụng phụ thường thấy là tiêu chảy, táo bón, đau đầu.
Lansoprazole là thuốc ức chế bơm proton thế hệ thứ hai, sau 8 tuần điều trị tỷ lệ liền sẹo loét dạ dày đạt 89 - 92% và diệt vi khuẩn H.Pylori 21 - 43%. Tác dụng phụ ít gặp, chủ yếu là nhức đầu, buồn nôn, đi ngoài.
Pantoprazole là thuốc được dung nạp tốt giúp liền sẹo nhanh, ít tác dụng phụ.
Rabeprazole có tác dụng ức chế tiết acid mạnh hơn omeprazole. Thuốc nhanh chóng kiểm soát acid. Tác dụng phụ thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu.
Thuốc điều hòa nhu động ruột: Giúp tống đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột nhanh chóng. Thuốc trong nhóm này mà người bệnh TNDDTQ nên dùng gồm:
Metoclopramid có tác dụng lên các lớp cơ ống tiêu hoá, làm gia tăng vận động, thúc đẩy mở môn vị, dẫn đến làm vơi dạ dày từ đó làm giảm trào ngược dạ dày thực quản. Tác dụng phụ gây buồn ngủ và tăng trương lực ngoại tháp.
Domperidon là thuốc kháng Dopaminergic ngoại biên, có tác dụng làm tăng áp lực cơ vòng đoạn dưới thực quản do đó làm tăng sự vơi dạ dày dẫn đến làm giảm trào ngược. Thuốc chống chỉ định với chảy máu dạ dày ruột, tắc ruột, nguy cơ thủng ở ống tiêu hoá.
Nhóm thuốc tạo màng ngăn dạ dày thực quản: Bệnh nhân TNDDTQ thấy nóng rát từ vùng thượng vị, lan ngược lên phía sau xương ức có khi lên tận cổ họng. Ợ nóng thường tăng lên sau khi ăn, khi nằm xuống. Khi đó người bệnh có thể dùng một số thuốc tạo lớp ngăn không cho cơn trào ngược xuất hiện.
Alginat: acid alginic khi tiếp xúc với HCl sẽ tạo thành một lớp bọt nổi lên trên dịch vị. Trong trường hợp trào ngược nhờ lớp gel này sẽ bảo vệ cho niêm mạc thực quản khỏi bị tác động của acid dạ dày.
Dimeticol: là một chất bảo vệ niêm mạc tương tự như trên.
Nhóm thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc: Sucralfat gắn với protein tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày thực quản chống lại các tác nhân từ dạ dày. Thường chỉ định sucralfat trong các trường hợp bệnh trào ngược vừa đến nặng.
Lưu ý: Người bệnh TNDDTQ không nên uống các thuốc làm giảm áp lực cơ thắt dưới khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đó là các thuốc: Theophylline, thuốc chẹn bêta, chẹn alpha, ức chế calci, các dẫn chất nitré, các thuốc chống tiết cholin, chống parkinson, thuốc an thần. Tránh dùng aspirin, các thuốc giảm đau không steroid khác vì thường làm nặng thêm viêm thực quản.
Những lưu ý khi dùng thuốc
Trước khi tìm hiểu các loại thuốc trị TNDDTQ, muốn điều trị được tận gốc bệnh và nhanh nhất, người bệnh cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý: Hạn chế thu nạp các đồ ăn đồ uống có chứa chất kích thích khiến dạ dày tiết axit như rượu bia, thuốc lá, đồ uống có ga, ăn giảm chất béo, tránh ăn sôcôla, tỏi, mỡ, rượu, bia, gia vị cay, cà ri. Đồ uống có pH thấp như rượu vang đỏ có thể làm tăng triệu chứng, thuốc lá làm năng thêm trào ngược và có nguy cơ gây ung thư. Không nên uống nhiều nước khi ăn. Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Không vận động hoặc đi ngủ ngay sau khi ăn. Nếu có thì nên cách bữa ăn 23 giờ. Gối ngủ nên để cao khoảng 15cm hoặc khi ngủ để đầu nghiêng 30 độ so với giường, không nên để đầu nằm thấp hơn chân hoặc bụng khiến thân bị dốc về phía đầu.