Hà Nội

Trị chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ

30-04-2018 14:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Các rối loạn tiêu hóa sẽ là yếu tố cản trở quá trình sinh trưởng của trẻ nên các bậc cha mẹ cần biết để phòng bệnh cho con.

Ở trẻ em do chức năng tiêu hóa chưa hoàn chỉnh nên trẻ rất dễ bị các chứng rối loạn tiêu hóa. Tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng các rối loạn tiêu hóa sẽ là yếu tố cản trở quá trình sinh trưởng của trẻ nên các bậc cha mẹ cần biết để phòng bệnh cho con.

Nguyên nhân của rối loạn tiêu hóa (RLTH) ở trẻ rất đa dạng như: bệnh lý của cơ thể, thay đổi chế độ ăn, dùng thuốc... đặc biệt là sự thay đổi chế độ ăn đột ngột của trẻ em khi bắt đầu ăn dặm, sẽ gây nên RLTH thể hiện qua các triệu chứng như: nôn trớ, đầy hơi, trướng bụng, táo bón, tiêu chảy, đi ngoài phân sống... Với trẻ thường xuyên có biểu hiện bất thường tại đường tiêu hóa, khả năng hấp thu và cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể bị ảnh hưởng và diễn tiến lâu dài dẫn đến suy dinh dưỡng. Những bệnh lý tiêu hóa thường gặp ở trẻ em gồm:

Trào ngược dạ dày thực quản

Hình ảnh trào ngược dạ dày, thực quản

Hình ảnh trào ngược dạ dày, thực quản

Sau khi nuốt, thức ăn sẽ đi từ miệng xuống ống thực quản (TQ) rồi vào dạ dày (DD). Ở chỗ TQ nối với DD có một số cấu trúc đặc biệt làm TQ đóng lại, giúp thức ăn không bị trào ngược trở lên khi DD co bóp, trong đó quan trọng nhất là cơ hoành và cơ vòng dưới TQ. Trong một số trường hợp, do bất thường trong cấu trúc cơ hoành hoặc thường gặp hơn là do cơ vòng dưới TQ thường xuyên giãn ra, khi DD co bóp mạnh mẽ, gây nên luồng thức ăn bị trào ngược lên trên. Đó là tình trạng trào ngược DD - TQ. Có đến 2/3 trẻ nhỏ đã gặp phải tình trạng này trong những tháng đầu đời. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ thoái lui khi trẻ lớn lên nhờ các cấu trúc của đường tiêu hóa dần hoàn chỉnh và chế độ ăn cũng đặc dần. Chỉ 5% trẻ vẫn tiếp tục bị trào ngược sau thời điểm 1 tuổi. Nhóm trẻ này dễ có nguy cơ xuất hiện các biến chứng của trào ngược, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và tình trạng trào ngược sinh lý trước kia, giờ trở thành bệnh lý.

Làm sao nhận biết được bé bị trào ngược sinh lý hay bệnh lý?

Nếu bé dưới 6 tháng tuổi, một ngày bị trớ sữa vài lần nhưng vẫn vui vẻ, lên cân tốt, không bị khò khè tái đi tái lại... thì nhiều khả năng chỉ là trào ngược sinh lý. Nếu trẻ vẫn thường ọc sữa sau 1 tuổi, chậm lên cân, gầy gò, sợ ăn, khò khè, viêm phổi tái phát nhiều lần... thì nhiều khả năng trào ngược đã trở thành bệnh lý và có các biến chứng. Các biến chứng có thể thấy ngay là TQ sẽ bị viêm với nhiều mức độ khác nhau, hệ hô hấp cũng chịu hậu quả. Bé sẽ dễ bị ho, khò khè kéo dài mà không đáp ứng với các điều trị thông thường. Gần đây, các nhà khoa học cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ mật thiết ở những trẻ bị bệnh trào ngược DD - TQ và tình trạng hen suyễn. Ngoài ra, trẻ bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm xoang, sụt cân, suy dinh dưỡng, chậm lớn và về lâu dài có thể đưa tới những rối loạn phát triển hành vi.

Loạn khuẩn đường ruột

Loạn khuẩn đường ruột là tình trạng mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn trong ruột. Bình thường, trong đường ruột của người có một hệ vi sinh vật sống cộng sinh với 500 - 1.000 loài khác nhau, trong đó có 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn. Nếu duy trì ở tỷ lệ trên, đường ruột sẽ ở trạng thái cân bằng tốt, quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng, thải trừ chất độc hại, kìm hãm và làm mất tác dụng vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Ngược lại, nếu tỷ lệ trên bị phá vỡ, lượng lợi khuẩn giảm xuống, hại khuẩn có dịp sinh sôi nảy nở, tạo ra tình trạng loạn khuẩn đường ruột với những triệu chứng thường gặp như đi ngoài phân lỏng, phân sống, đôi khi có lẫn chất nhầy hoặc một ít máu, có thể kèm theo cảm giác đầy bụng và sốt nhẹ. Trong một số trường hợp, loạn khuẩn đường ruột nặng, không được điều trị đúng, điều trị sớm, trẻ có thể bị mất nước, rối loạn điện giải, kiệt sức và suy dinh dưỡng. Loạn khuẩn đường ruột thường gặp sau khi trẻ dùng kháng sinh liều cao và kéo dài để trị các bệnh viêm họng, viêm amidan, viêm phổi... Tình trạng suy dinh dưỡng, ăn uống không hợp lý, thay đổi thời tiết cũng có thể gây ra loạn khuẩn đường ruột ở trẻ nhỏ. Khi trẻ bị loạn khuẩn đường ruột, cần cho trẻ đi khám và dùng thuốc theo chỉ định, cha mẹ không tự ý cho trẻ dùng chế phẩm hỗ trợ tiêu hóa vì dùng không đúng, tình trạng bệnh sẽ không được cải thiện.

Táo bón

Táo bón không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau hoặc chỉ là một rối loạn cơ năng (thường gặp nhất). Táo bón có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm ruột, thủng ruột... Táo bón rất hay gặp ở trẻ còn nhỏ khi thức ăn có quá nhiều mỡ, chất đạm và ít chất khoáng, cũng có khi do uống nhiều sữa bò, sữa bột. Cơ bụng và thành ruột cũng có vai trò quan trọng trong việc gây ra táo bón. Những đứa trẻ còi xương, sinh thiếu tháng rất hay bị táo bón. Ở trẻ lớn hơn, táo bón thường do ăn nhiều thức ăn cứng hoặc không đủ lượng vitamin B1 cần thiết, có khi do lỗ hậu môn bị rạn. Việc cho trẻ ăn nhiều rau quả sẽ giúp cho cơ bụng và thành ruột co bóp tốt hơn. Cách đề phòng táo bón tốt nhất là tập cho trẻ thói quen đi ngoài vào một giờ cố định trong ngày. Các thuốc nhuận tràng chỉ nên uống sau khi hỏi ý kiến của bác sĩ.

Tiêu chảy

Khi trẻ đi ngoài ra phân lỏng như nước trên 3 lần một ngày thì được coi là tiêu chảy. Là một bệnh thông thường, nhưng nếu bị tiêu chảy kéo dài dẫn đến mất nước, mất chất điện giải trầm trọng có thể dẫn tới tử vong nếu không được bù nước, bù chất điện giải kịp thời. Do đó, điều quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy là phải bù chất điện giải cho trẻ, tốt nhất bằng nước oresol và phải tuân thủ hướng dẫn pha oresol, cho trẻ uống đúng cách, uống từng ít một, uống liên tục và rải rác trong ngày. Còn nếu trẻ diễn tiến bệnh nặng hơn, tốt nhất hãy đưa trẻ đến một cơ sở y tế để điều trị. Để phòng bệnh tiêu chảy, cha mẹ cần chú ý đảm bảo vệ sinh cho trẻ, thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau ăn. Khi trẻ bị tiêu chảy, ngoài việc bù nước, điện giải, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn những thức ăn loãng, dễ tiêu giúp cơ thể chóng phục hồi, không bị suy sụp vì thiếu dinh dưỡng sau tiêu chảy. 

BS. Nam Bình


Ý kiến của bạn