Đất nước đã trải qua những cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc kiên cường với những hy sinh mất mát to lớn vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những người đang sống hôm nay không thể quên hàng triệu người con nước Việt đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến cũng như các trận đánh vì cương thổ, chủ quyền biển đảo của dân tộc. Cả nước hiện có 8,8 triệu người có công với cách mạng, trong đó có 1,5 triệu người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Các cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công được Nhà nước và xã hội đầu tư nâng cấp, mở rộng. Việc quy tập hài cốt, xây dựng tu bổ nghĩa trang luôn được quan tâm. Chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho con em người có công... luôn được chú trọng là minh chứng của lòng biết ơn.
Nhìn ra biển lớn, chúng ta càng không thể quên biết bao liệt sĩ đã hy sinh trên biển cả bao la của Tổ quốc. Đó là 64 chiến sĩ thuộc trung đoàn công binh 83, là những chiến sĩ Hải quân trên các con tàu HQ 604, HQ 605 đã anh dũng hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988 vì biển đảo quê hương. Hình ảnh các anh nắm tay nhau thành một vòng tròn trên bãi đá san hô trước trận mưa đạn của quân xâm lược Trung Quốc để bảo vệ lá cờ chủ quyền của Tổ quốc đã trở thành hình tượng người lính trong “vòng tròn bất tử” giữa biển Đông. Đó là những liệt sĩ thuộc lữ đoàn hải quân 125 trên những “con tàu không số” trong hành trình “đường Hồ Chí Minh trên biển” chi viện cho miền Nam. Đó là những người lính từ thời nhà Nguyễn qua các thời kỳ kế tiếp đã tử nạn vì Hoàng Sa thân yêu. Đó là các liệt sĩ vùng thềm lục địa phía Nam Tổ quốc đã hy sinh trên các nhà giàn DK1 bị bão tố quật đổ...
26 năm qua, giữa biển khơi đầy sóng, gió và nắng, rất nhiều chiến sĩ ngã xuống trên bãi đá san hô Gạc Ma hoặc chìm cùng với con tàu HQ 604, HQ 605 cho tới bây giờ vẫn chưa được tìm thấy hài cốt và đưa về đất liền, gần gũi với người thân của mình. Những anh hùng, liệt sĩ nằm lại giữa biển khơi đã thành ước nguyện duy nhất của bao bà mẹ muốn tìm và đưa được hài cốt về đất liền nhang khói. Và đã có những bà mẹ đã phải mòn mỏi đợi chờ tới lúc nhắm mắt với nỗi buồn chưa thoả tâm nguyện.
Trong hoàn cảnh hiện nay, các “Khu tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma (Hoàng Sa, DK1, đường Hồ Chí Minh trên biển)” được xây dựng cần thiết biết chừng nào. Chúng ta đã có những khu tưởng niệm, nghĩa trang lớn quy tập các liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất hình chữ S này. Thế nhưng nghĩa trang và khu tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên biển đảo đến nay chưa có. Cần phải có bởi đó là tâm nguyện của nhân dân cả nước trước tấm gương hy sinh anh dũng của những liệt sĩ trên biển đảo. Xét về mặt hành chính, Khánh Hòa có huyện đảo Trường Sa rất cần có Khu tưởng niệm về liệt sĩ và mảnh đất của địa phương mình là Gạc Ma. Đà Nẵng cũng có huyện đảo Hoàng Sa và cũng nên có khu tưởng niệm những chiến binh Hoàng Sa. Bà Rịa Vũng Tàu cũng nên có khu tưởng niệm các liệt sĩ vùng thềm lục địa phía Nam Tổ quốc đã hy sinh. Những khu tưởng niệm - đó cũng là lời khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam để các thế hệ con cháu tiếp nối không thể quên. Những khu tưởng niệm đó thậm chí chỉ là “mộ gió” nhưng cũng là nơi để người thân các anh hương khói ấm áp. Đó còn là nơi giáo dục lòng yêu nước, nhắc nhở thế hệ hôm nay về những trang sử về biển đảo của Tổ quốc không thể lãng quên cùng những nén nhang tưởng niệm và biết ơn.
Lê Quý