Một sự kiện ý nghĩa sắp diễn ra trong Festival nghề truyền thống Huế với mục đích vinh danh 5 nghệ sĩ, nghệ nhân đã một đời hết mình với nghệ thuật ca trù, Nhã nhạc, ca Huế.
Tôn vinh bằng nghệ thuật
Nhạc sĩ, họa sĩ Như Huy sẽ từ phía Nam ra Huế vào tháng 6 tới để thực hiện một triển lãm Video - art với mong muốn dùng nghệ thuật đương đại tôn vinh các nghệ nhân cổ nhạc. Tiết mục thú vị này với chủ đề là những cây cầu trong tâm tưởng về nghệ thuật ca Huế và ca trù, Như Huy hướng tới NSƯT Phó Thị Kim Đức - nghệ nhân ca trù danh tiếng với tiếng phách Trạng nguyên điêu luyện, cùng 4 nghệ sĩ, nghệ nhân Nhã nhạc, ca Huế: NSƯT, nghệ nhân Trần Kích - người đã được Bộ Văn hóa truyền thông Pháp trao danh hiệu Hiệp sĩ văn hóa và nghệ thuật, cùng các nghệ nhân Lữ Hữu Thi, Minh Mẫn và Thanh Hương.
Góp sức vào việc trân trọng những đại diện của di sản trong chương trình nghệ thuật “Vẻ đẹp Việt 1” tại cố đô Huế, GS. Trần Văn Khê và PGS.TS. Nguyễn Thụy Loan sẽ thuyết trình và giao lưu với khán thính giả về giá trị của ca trù, Nhã nhạc, ca Huế. Cùng với triển lãm về hình ảnh và kỷ vật của các nghệ sĩ, nghệ nhân, các hoạt động trên đều nằm trong chương trình nghệ thuật "Vẻ đẹp Việt 1" sẽ diễn ra cả ngày 11/6 trong khu vực kinh thành Huế: Duyệt Thị đường, điện Thái Hòa, cổng Ngọ Môn. Nhà văn trẻ Trần Ngọc Linh - Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Vẻ đẹp Việt cho biết: Chương trình sẽ truyền hình trực tiếp với tâm điểm là 5 gương mặt nghệ sĩ, nghệ nhân trong một số tiết mục mẫu mực, thể hiện kỹ thuật điêu luyện của các cụ cùng sự tiếp nối thế hệ gồm các nghệ sĩ nhóm ca trù Tràng An và CLB Nhã nhạc Phú Xuân tham gia biểu diễn.
NSƯT Phó Thị Kim Đức dạy múa tại chùa Phúc Khánh. |
Những "người dâng hiến"
Các cụ từ lâu đã vượt qua tuổi thất thập, bát thập. Thuộc số ít trong số những người cả một đời dâng hiến, đánh đổi để theo nghề, lại gánh cả những lận đận khi kiên gan giữ lấy nghề trong suốt những năm dài nghệ thuật cổ truyền, âm nhạc thính phòng truyền thống chưa được phục hưng, không được ưa chuộng. Ca trù thậm chí còn bị mang tiếng xấu. Kể cả đến hôm nay, các cụ cũng không thể sống sung túc bằng nghề của mình, chỉ xác định nó như một cái nghiệp tự thân. NSƯT Kim Đức nay đã gần 80 tuổi, âm thầm gìn giữ báu vật gia truyền là ca trù từ sau 1954 cho đến khi rời Đài Tiếng nói VN về nghỉ hưu, bà lại âm thầm, tự nghiên cứu, suy ngẫm về ca trù, phương pháp truyền dạy. Hiện bà còn nắm vững nhuần nhuyễn 20-30 làn điệu ca trù, trong đó một số làn điệu chỉ riêng bà còn giữ được như Đào luồn kép với, Hát truyện Phan Trần, 5 điệu Thiên Thai. Bà đã cùng với các học trò phục dựng thành công điệu múa Bài bông của ca trù vốn đã không được biểu diễn từ năm 1945 và đang có kế hoạch phục dựng những điệu múa còn lại của ca trù - múa Tứ linh, múa Bỏ bộ. Nghệ nhân dân gian Minh Mẫn 84 tuổi, là một trong những người hiếm hoi hiện nay có thể ca Cổ bản cả lối sắp và lối dựng, lời cổ của điệu Long ngâm, cùng một số điệu khác như Nam xuân, Ngũ đối thượng, Quả phụ. Bà Thanh Hương nay đã 85 tuổi, thuộc thế hệ kỳ cựu vẫn bảo lưu được những kỹ thuật cổ điển của ca Huế trong giọng hát của mình và những làn điệu ca Huế cổ. 88 tuổi, NSƯT, nghệ nhân Trần Kích chơi thành thạo 7 loại nhạc cụ, gồm kèn đại, kèn lỡ, nhị, nguyệt, tỳ bà, bầu, sáo... cho cả Đại nhạc, Tiểu nhạc, nhạc Phật, và nhạc đệm cho ca Huế. Đến nay, ông đã nghiên cứu cách ký âm hoàn chỉnh, góp phần ghi lại được 30 bài bản về Đại nhạc và Tiểu nhạc. Cụ Lữ Hữu Thi đã sắp tròn 100 tuổi, là người già nhất trong số các nghệ nhân còn lại của dàn nhạc cung đình triều Nguyễn. Cụ vẫn nhớ và biểu diễn thành thạo tới 20 bài nhạc lễ cung đình và là người duy nhất còn nhớ được toàn bộ 7 bản Thài cổ dùng trong lễ tế Nam Giao.
Hy vọng sẽ có thêm nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ di sản văn hoá dân tộc thuộc các môn nghệ thuật khác sẽ sớm được các địa phương và các tổ chức thành tâm tôn vinh, nhắc nhớ trên những hành trình nghệ thuật.
Dương Xuân