Tri ân liệt sĩ ngành y: Tiếp nối tinh thần cống hiến của Giáo sư Đặng Văn Ngữ

10-07-2025 17:36 | Xã hội
google news

SKĐS - GS Đặng Văn Ngữ là người đã phát minh ra phương pháp điều chế thuốc kháng sinh Penicillin từ nguồn nước lọc, một đóng góp sáng tạo có giá trị trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.

Giáo sư Đặng Văn Ngữ - Một nhân cách lớnGiáo sư Đặng Văn Ngữ - Một nhân cách lớn

SKĐS - NSND Đặng Nhật Minh nói rằng với khoa học, cha ông - GS. Đặng Văn Ngữ là người tận tụy, còn ở đời thường, ông là người cha bình dị nhưng để lại một nhân cách lớn cho đời và cho con cháu noi theo.

Ngày 10/7, tại buổi gặp mặt nhân dịp Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), các thế hệ cán bộ của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương và các nhân chứng cùng ôn lại những kỷ niệm, chiến công của Giáo sư - Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ, người thầy thuốc tận tụy, tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng.

Tri ân liệt sĩ ngành y: Tiếp nối tinh thần cống hiến của Giáo sư Đặng Văn Ngữ- Ảnh 2.

Các đại biểu chia sẻ tại buổi gặp mặt, tọa đàm.

TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương chia sẻ: "Viện có 8 cán bộ đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến, góp phần làm nên trang sử vàng son của ngành y tế nước nhà. Trong đó, Giáo sư – Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ là nhà khoa học lỗi lạc, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, tình yêu thương con người sâu sắc. Cùng với các bậc thầy lớn như GS.BS Phạm Ngọc Thạch, GS.BS Hồ Đắc Di, GS. BS Tôn Thất Tùng, GS. Đặng Văn Ngữ là một trong những nhân tài kiệt xuất, tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng và lý tưởng phụng sự Tổ quốc".

Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1949, BS. Đặng Văn Ngữ đã từ bỏ điều kiện làm việc lý tưởng tại Nhật Bản, để trở về phục vụ Tổ quốc. Là người có tố chất thông tuệ, lại sớm được theo học và tiếp cận các nhà khoa học hàng đầu của thế giới từ Pháp, Nhật bản… BS. Đặng Văn Ngữ nhanh chóng nắm bắt và tham gia nhiều nghiên cứu về lĩnh vực Ký sinh trùng- Côn trùng, một lĩnh vực khó khăn, là khoảng trống trong y học Việt Nam thời bấy giờ.

Khi đó, người dân Việt Nam vẫn còn những tập quán sinh hoạt thiếu vệ sinh dẫn đến các bệnh ký sinh trùng tràn lan, gánh nặng bệnh tật và tử vong rất lớn. BS. Đặng Văn Ngữ đã quyết tâm hiến thân vào lĩnh vực khó khăn, gian khổ này và cũng đã đặt nền móng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về lĩnh vực này. Ông là người sáng lập Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương; có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực phòng chống sốt rét, nhất là giai đoạn dịch sốt rét xảy ra nghiêm trọng.

Đặc biệt, GS. Đặng Văn Ngữ là người đã phát minh ra phương pháp điều chế thuốc kháng sinh Penicillin từ nguồn nước lọc, một đóng góp sáng tạo có giá trị trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Ông là biểu tượng của trí tuệ, lòng yêu nước và sự cống hiến trọn đời cho y học và sức khỏe cộng đồng. Ông đã được Đảng và nhà nước đã truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động; giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ…

Tại buổi gặp mặt, các thế hệ cùng giao lưu và lắng nghe chia sẻ từ các cán bộ lão thành – những nhân chứng lịch sử, những người đã từng đồng hành đi B cùng Giáo sư Đặng Văn Ngữ trong những năm tháng chiến tranh gian khổ.

Các học trò của ông cũng nhớ lại những ngày đoàn nghiên cứu sốt rét đi vào chiến trường. Nhiều chiến sĩ đã mắc sốt rét ác tính và hy sinh. Đoàn nghiên cứu càng quyết tâm để nghiên cứu được vaccine phòng bệnh cho chiến sĩ, cho người dân.

Tri ân liệt sĩ ngành y: Tiếp nối tinh thần cống hiến của Giáo sư Đặng Văn Ngữ- Ảnh 3.

TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương.

Bà Trần Thị Lịch, một học trò của GS. Đặng Văn Ngữ trong chiến trường chia sẻ: "Trong giai đoạn nghiên cứu vaccine phòng sốt rét, lần tiêm vaccine thử nghiệm đầu tiên, GS. Đặng Văn Ngữ nhất quyết tình nguyện là người được tiêm trước. Chúng tôi lo lắng cho thầy nên ai cũng xung phong là người tiêm trước vì chúng tôi còn trẻ, sức khỏe tốt nhưng Giáo sư nhất định không nghe và yêu cầu không ai có thêm ý kiến nào nữa. Chúng tôi hồi hộp chứng kiến Giáo sư được mũi tiêm vaccine thử nghiệm trên người đầu tiên đó.

"Tất cả mọi người đều lo lắng, sợ hãi, yên lặng chờ đợi cho đến khi hoàn thành mũi tiêm an toàn. Lúcđó, chúng tôi vỡ òa trong niềm vui vì những nỗ lực của thầy đã có kết quả", bà Trần Thị Lịch xúc động nhớ lại.

Cả cuộc đời tận tụy vì y học, đến năm 1967, GS. Đặng Văn Ngữ hy sinh trong một trận B52 rải thảm ở Trường Sơn trong khi đang nghiên cứu về vaccine chống sốt rét. Sự nghiệp nghiên cứu của ông được các học tiếp nối.

Tri ân liệt sĩ ngành y: Tiếp nối tinh thần cống hiến của Giáo sư Đặng Văn Ngữ- Ảnh 4.

Viện NIMPE viếng mộ của GS - Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ tại Huế.

"Ký ức về người thầy đáng kính – Giáo sư Đặng Văn Ngữ – luôn là nguồn cảm hứng cho các thế hệ cán bộ, là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến, nghiên cứu vì sức khỏe cộng đồng", lãnh đạo Viện khẳng định.

Kết thúc buổi lễ, đại diện Viện NIMPE bày tỏ quyết tâm tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng Viện ngày càng vững mạnh, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cuộc thi tìm hiểu về GS.BS Đặng Văn Ngữ: Khơi dậy niềm tự hào của cán bộ y tế Cuộc thi tìm hiểu về GS.BS Đặng Văn Ngữ: Khơi dậy niềm tự hào của cán bộ y tế

SKĐS - Ngày 22/2, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã tổ chức Lễ trao giải cuộc thi "Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ". Cuộc thi đã khơi dậy niềm tự hào, là đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng cho viên chức, cán bộ y tế.


Tô Hội
Ý kiến của bạn