Hà Nội

Trêu cô gái rách nội y ở công viên nước: Có thể xử lý hình sự

21-04-2015 09:04 | Tin nóng y tế
google news

Theo Luật sư Cường, nếu hành vi trêu ghẹo, sàm sỡ cô gái được xác định xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm và nạn nhân có đơn tố cáo thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự.

Vi phạm pháp luật

Ngày 19/4, dư luận đã hết sức bất bình trước những hình ảnh vô cùng xấu xí của một bộ phận không nhỏ người dân tại công viên nước Hồ Tây.

Đặc biệt khi có không ít cô gái bị các thanh niên trêu ghẹo quá đáng. Thậm chí, đám đông nam thanh niên còn vây quanh cô gái bị rách bikini với những lời reo hò phấn kích, rồi trêu trọc, có hành động phản cảm với nhiều cô gái khác tại công viên nước.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi nêu trên thể hiện cách ứng xử thiếu văn hóa, phản cảm của một số thanh niên trong buổi hôm đó.

"Hành vi này còn là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi quấy rối tình dục, gây rối trật tự công cộng, xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm của người khác", luật sư Cường nói.

Luật sư Đặng Văn Cường

Hành vi này có thể bị dư luận xã hội lên án, bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Nếu hậu quả được xác định là nghiêm trọng thì sẽ có thể xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 BLHS (trong trường hợp người bị hại có đơn tố giác), hoặc xử lý về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245 BLHS (trường hợp người bị hại không có đơn).

Cũng theo luật sư Cường, đối với hành vi này, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Cụ thể, nếu hậu quả chưa nghiêm trọng, ít nghiêm trọng thì người phạm luật sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Với người chủ mưu, cầm đầu, lôi kéo, xúi giục thì có thể xử phạt từ 2 đến 3 triệu đồng.

Nếu hành vi được xác định là xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm của các cô gái đó và nạn nhân có đơn tố giác thì những người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 121 BLHS, mức hình phạt có thể tới 3 năm tù.

Nếu người bị hại không có đơn tố giác nhưng sự việc gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan điều tra vẫn có thể vào cuộc, xem xét xử lý về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245 BLHS.

Nếu bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng thì mức hình phạt có thể lên tới 7 năm tù.

"Tuy nhiên, sự việc xảy ra nơi công cộng, hành vi là của nhiều người (đám đông), hơn nữa người bị hại có tâm lý e ngại nên việc viết đơn thư tố cáo, tố giác ít khi xảy ra.

Hơn nữa, nếu có đơn thư thì vụ việc cũng rất khó giải quyết bởi tính chất đông người, phức tạp, quá trình điều tra, xác minh sẽ mất nhiều thời gian....

Nếu hậu quả của vụ việc đó là chết người hoặc gây thương tích thì chắc chắn sẽ phải xử lý về hình sự, bởi khi đó có căn cứ để xác định rõ là hành vi đã gây "hậu quả nghiêm trọng"", luật sư Cường bày tỏ.

Cô gái bị đám đông bủa vây, trêu đùa ở công viên nước Hồ Tây hôm 19/4. Ảnh: Zing

Luật sư Giang Hồng Thanh, VP Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho hay, đối với hành vi trêu ghẹo, sàm sỡ người khác, người thực hiện hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

"Liều thuốc" nào cho những hành vi này?

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, thực tế, nhiều người trong xã hội ta đã trở nên trơ lỳ trước những lời chỉ trích. Họ cứ làm mọi việc theo ý mình, kể cả khi biết rằng đó là những hành động thiếu ý thức, mà không cần quan tâm người khác nghĩ gì, nói gì.

Luật sư Giang Hồng Thanh

Môi trường sống cũng là một yếu tố tác động không nhỏ. Có thể, những thanh niên đang bị lên án kia, khi hành động như vậy họ chỉ nghĩ đơn giản rằng họ không có nghĩa vụ phải tạo dựng một hình ảnh tốt đẹp cho bản thân và xã hội, khi mà xung quanh họ đầy rẫy những vấn đề tiêu cực. Vì thế, chúng ta cần phải có những giải pháp tổng thể, xuất phát từ gốc rễ của vấn đề để giải quyết.

Cũng theo luật sư Thanh, giáo dục có vai trò rất lớn trong việc hình thành nhân cách con người.

Vì thế, các nhà giáo dục hãy suy tính đến phương pháp tập trung thời gian để giảng dạy nhiều hơn những kiến thức xã hội thực tế, như kiến thức pháp luật, kĩ năng sống…

Còn luật sư Cường cũng cho rằng, ngoài việc giáo dục chung thì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng cần được nâng cao để người dân sống và làm việc theo pháp luật.

"Tôn trọng pháp luật cũng là nếp sống có văn hóa, tôn trọng pháp luật là tôn trọng bản thân mình, tôn trọng danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe, tài sản... của người khác", ông Cường nhấn mạnh.

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: