Hà Nội

Treo dự án, “treo sổ” cả làng

18-04-2016 08:07 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong khi thành phố đang đẩy mạnh và đốc thúc việc hoàn thiện cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất - “sổ đỏ”, thì gần 20 năm nay, lại có cả một… làng gồm 700 hộ dân giữa Thủ đô rơi vào cảnh bị “bỏ quên”. Đáng nói là lỗi ở đây không phải thuộc về người dân, họ nỗ lực và nhiều lần xin, nhưng chính quyền sở tại cũng… bó tay bởi vướng dự án treo…

Đúng mà vẫn phải “chui”

Hàng chục năm nay, câu chuyện hàng trăm hộ dân làng Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội rơi vào cảnh đi cũng dở, ở không xong bởi các ngôi nhà của họ ở trong diện quy hoạch và không được cấp sổ đỏ đã trở nên quá quen thuộc đến mức không ai buồn nhắc tới nó nữa.

Tiếng là làng, nhưng hầu hết các ngôi nhà ở đây đều được xây dựng kiên cố, không ít ngôi nhà cao 4 - 5 tầng vững chắc chả khác gì những khu phố xung quanh. Nếu chỉ nhìn bên ngoài, khó ai ngờ rằng tất cả khu phố này đều chưa được… thừa nhận quyền trên giấy tờ. Chính vì điều này, người dân ở đây cứ sống mà thực ra chẳng có quyền lợi rõ ràng gì với mảnh đất của mình. Mua đi bán lại toàn giấy viết tay và giá trị bị ảnh hưởng rất nhiều cũng chỉ vì thiếu giấy tờ, kéo theo vô số hệ lụy phiền phức, chưa kể chuyện sang tên, thừa kế… còn muốn thế chấp vay ngân hàng để lấy vốn làm ăn thì càng không thể.

Nhiều ngôi nhà ở Tân Mỹ xây kiên cố, san sát nhau, nhưng vẫn không có sổ đỏ.

Đương nhiên khu “làng” nằm giữa Thủ đô, khá nhộn nhịp và đông đúc với nhiều nhà cao tầng, nhà kiên cố san sát nhau, nhưng do các hộ dân chưa được cấp sổ đỏ nên các hoạt động xây dựng diễn ra tại ngôi làng này đều bị coi là xây dựng “chui”.

Ông Nguyễn Văn H., một người dân số ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Kể cả nhà cấp 4 cũng chưa có sổ đỏ chứ chưa nói đến nhà cao tầng. Chúng tôi muốn tuân thủ luật cũng chẳng được, vì  đơn từ gửi lên thì đều bị trả lại, không nơi nào cấp phép”.

Địa phương không trả lời được

Được biết từ 1988, làng Tân Mỹ giãn dân, đến năm 1999, UBND TP. Hà Nội thực hiện qui hoạch xây dựng khu liên hợp thể thao quốc gia và làng Tân Mỹ nằm trong vị trí xây dựng hồ điều hòa. Vậy nhưng đã gần 20 năm trôi qua, dự án này chỉ dậm chân tại chỗ và trở thành dự án treo. Do là đất nằm trong qui hoạch nên không thể cấp sổ đỏ và nhiều hộ gia đình ở đây muốn sửa chữa, sang nhượng đất đai hay cầm cố tài sản đều gặp khó khăn.

Bản thân ông Lưu Hồng Đức - Chủ tịch phường Mỹ Đình 1 cũng thừa nhận sự bế tắc của chính quyền với tình trạng 700 hộ dân không thể cấp sổ đỏ, không thể cấp giấy phép xây dựng nhà kiên cố vì dự án vẫn nằm trong qui hoạch.

Ông Đức bày tỏ: “Bây giờ chúng ta cứ qui hoạch thế này, treo nhân dân lơ lửng mấy chục năm trời thì quả là vấn đề hết sức khó khăn. Có những câu hỏi mà chúng tôi không trả lời được. Quận cũng rất băn khoăn, phường báo cáo lên, đề xuất lên thế nhưng bây giờ dự án vẫn nằm trong qui hoạch treo. Chúng ta không thể rót tiền ngân sách vào đấy để làm được”.

Thực tế, phường Mỹ Đình 1 đã không ít lần đệ đơn lên Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội về trường hợp của làng Tân Mỹ nhưng vẫn chưa có kết quả. Bởi vậy, cũng theo ông Đức: nhiều phản ánh của người dân nơi đây đều có chung ý kiến là lấy thì lấy luôn đi, nếu không lấy thì phải thay đổi qui hoạch.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn đọng gần 216.000 thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, có 63.255 thửa đất các hộ gia đình chưa thực hiện kê khai đăng ký; 144.011 thửa đất vướng mắc khó khăn bởi các quyết định của các cơ quan nội chính; 8.700 thửa đất của các tổ chức sử dụng đất vướng mắc bởi việc sắp xếp cơ sở nhà đất theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, tại các dự án phát triển nhà ở, vẫn còn 38.111 căn hộ chưa được cấp sổ đỏ do chủ đầu tư chưa thực hiện kê khai cấp giấy chứng nhận.

Trước thực tế còn khá nhiều thửa đất chưa được cấp sổ đỏ, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và các quận, huyện, thị xã tập trung giải quyết tất cả những khó khăn, vướng mắc về đất đai; cấp sổ đỏ theo đúng nguồn gốc đất. Đồng thời yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan cần thay đổi các quản lý, tạo hành lang pháp lý để nâng cao giá trị của đất đai; xử lý triệt để các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân “ôm” đất nhưng chần chừ trong việc thực hiện kê khai đăng ký quyền sử dụng đất đai.

Thiết nghĩ, với những trường hợp vướng phải dự án treo kiểu này, thành phố cần sớm có những kế hoạch cụ thể để hỗ trợ cho người dân, không thể để quyền lợi của hàng trăm hộ dân cũng bị “treo” theo dự án.


Anh Hoàng
Ý kiến của bạn
Tags: