Trên đỉnh Yên Bình

25-09-2011 09:08 | Xã hội
google news

Xe của Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Hoàng Thị Chung cùng Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nguyễn Trần Tuấn và một số cán bộ đón xe của chúng tôi từ Bắc Quang. Bắt đầu một chặng đường gian nan vòng quanh những quả núi.

Xe của Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Hoàng Thị Chung cùng Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nguyễn Trần Tuấn và một số cán bộ đón xe của chúng tôi từ Bắc Quang. Bắt đầu một chặng đường gian nan vòng quanh những quả núi. Khi ánh hoàng hôn cuối cùng lịm đi trong mênh mông xanh thẳm của núi rừng trùng điệp cũng là lúc xe chúng tôi leo lên ngọn núi cao nhất. Không gian đang trong veo bỗng nhiên ùn ùn mây mù nhờ nhờ, xám đục chắn ngang tầm mắt. Hàng cột mốc chắn bên rìa đường trở nên mờ ảo trước ánh đèn pha rọi chiếu bị phản quang bởi bức tường mây khiến cho lái xe phải căng mắt ra nhìn và dò từng mét đường để tiến. Chiếc xe dẫn đường của Hà Giang mất hút chỉ còn khói sương dày đặc bao vây. PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) Quốc gia nói:

- Tầm nhìn không quá 10m. Phải xác định rõ cột mốc đường ở phía nào.

Ông nhắc nhở động viên Tuân - một lái xe của viện còn rất trẻ, nhanh nhẹn tháo vát và khá thận trọng. Tuân đã từng đi miền núi nhưng đây là lần đầu tiên đi lên Hà Giang bằng con đường này nên chưa quen. Tôi không khỏi căng thẳng bởi biết rất rõ đã từng có nhiều tai nạn xe rơi xuống vực trên những con đường hiểm trở như thế này. Tai nạn xe rơi xuống vực hầu như năm nào cũng có, luôn là nỗi ám ảnh khủng khiếp... Cả 5 người chúng tôi bất chợt cùng im lặng. Không ai nói gì nhưng chắc chắn mỗi người ít nhiều đều có chút hoang mang, liên tưởng rủi ro có thể đến với mình. PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển đã từng đi nhiều nước trên những chiếc phi cơ hạng sang, giờ đây trước những khúc ngoặt hiểm nghèo của con đường hiểm trở đi đến với trẻ em, đến với đồng bào vùng cao, nơi địa đầu Tổ quốc, ông dường như vẫn thản nhiên không hề nao núng, chủ động phá tan bầu không khí căng thẳng bởi tiếng cười và câu nói đùa hóm hỉnh:

- Sương mù dày quá! Cột mốc thì có nhìn thấy đấy nhưng vấn đề là đi về phía nào. Đi vào giữa đường hay là đi sang phía bên kia...

Tất cả chúng tôi đều bật cười. Quả thật nếu chẳng may chiếc xe đi nhầm sang phía bên kia của cột mốc ranh giới và rơi xuống thì cái chết cũng rơi xuống nhẹ như lông hồng vậy. Qua nhiều khúc ngoặt khủng khiếp trong đám sương mù đặc quánh, con đường lờ mờ tỏ dần lên và chúng tôi nhìn thấy chiếc xe của y tế Hà Giang đi trước đang nhấp nháy đèn xi nhan đợi chúng tôi. Tôi thầm khâm phục cậu lái xe còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng đầy bản lĩnh. Viện trưởng chọn người thật không nhầm.

Chiếc xe Hà Giang tiếp tục thận trọng dẫn đường cho xe chúng tôi đi sau. Đèn xi nhan liên tục bật sáng. Song nếu không nhìn rõ đường mà cứ hướng đèn xi nhan đi thẳng thì... rơi bởi đường núi đâu có thẳng. Thật vất vả chúng tôi mới tới được thị trấn Cốc Pài và tiếp tục đi về Trung tâm huyện Xí Mần. TS. Dương Thị Hồng - Phó văn phòng Chương trình TCMR Quốc gia, một cán bộ trẻ có phong cách làm việc khoa học, năng động, sáng tạo, lại tiếp tục câu chuyện về TCMR, về những con người say mê tâm huyết với TCMR, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu vùng xa đầy khó khăn như thế này. TS. Hồng rút ra một kinh nghiệm: Ở đâu có cán bộ chủ chốt giỏi, tâm huyết, ở đó có hoạt động tiêm chủng tốt, hiệu quả. Ví dụ như BS. Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái, BS. Tuấn - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Giang - BS. Đức - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Xín Mần... Chắc chắn họ và những đồng nghiệp của họ đã lăn lộn trên những con đường như thế này, năm này qua năm khác, băng rừng lội suối để đến với bà con. PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển và TS. Dương Thị Hồng nói về những cán bộ tiêm chủng mở rộng cùng các cộng tác viên của chương trình với tất cả tình cảm thương mến, biết ơn và cả tự hào. Chính hệ thống y tế cơ sở Việt Nam từ trung ương đến xã, phường, thôn, bản với đội ngũ cán bộ y tế và cộng tác viên tâm huyết, tận tụy... đã tạo nên một nền tảng cơ sở vững chắc, cơ bản, linh hoạt và sáng tạo cho sự thành công của mọi chương trình y tế, trong đó có chương trình TCMR đạt được những thành tựu huy hoàng như hôm nay khiến cho cả thế giới phải khâm phục ghi nhận và học tập...

Xuống xe gặp nhau mới thấy bên Hà Giang có đủ các thành phần từ Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện… đến cán bộ chính quyền huyện Xín Mần và xã Tả Nhìu, nơi ngày mai diễn ra Lễ phát động chiến dịch uống vac cin phòng bệnh bại liệt bổ sung cho trẻ em. Họ đón tiếp chúng tôi vô cùng niềm nở thân tình chu đáo dù lúc đó đã gần tới 22 giờ đêm. Theo như đồng chí Tuấn Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì Hà Giang rất vui mừng và vinh dự được đón đích thân PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiêm Chủ nhiệm Chương trình TCMR Quốc gia lên Hà Giang. Ông là một trong những Cục, Vụ, Viện trưởng của Bộ Y tế đầu tiên đến với Hà

Giang. Sự có mặt của ông là nguồn động viên to lớn đối với đội ngũ làm công tác TCMR nói riêng và cán bộ y tế dự phòng nói chung của tỉnh, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc và thiết thực của ông tới trẻ em và đồng bào các dân tộc miền núi vùng sâu vùng xa, vùng cao biên giới. Tôi chợt nghĩ tới một trong những mục tiêu quan trọng của y tế Việt Nam là tiến tới công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khoẻ. Có lẽ, Chương trình TCMR Quốc gia đang tiến gần tới mục tiêu này nhất bởi những con người tâm huyết không quản ngại gian khổ hy sinh, ngày đêm hết lòng vì cuộc sống hạnh phúc tương lai của từng em bé, thế hệ công dân tương lai của Tổ quốc. Một giọt vaccin nhỏ bé, một mũi vaccin giản đơn nhưng chứa đựng sức mạnh to lớn bảo vệ các em khỏi tử vong và tàn tật bởi những căn bệnh hiểm nghèo như: bại liệt, uốn ván, ho gà, sởi, bạch hầu, viêm màng não... Các thế hệ trẻ em ra đời khoẻ mạnh, tự tin với nụ cười rạng ngời sức sống tương lai chính là niềm hạnh phúc, là thành quả to lớn của Chương trình TCMR Quốc gia.

PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, mặc dù Việt Nam đã thanh toán được bại liệt và duy trì thành quả hơn 10 năm nay, song trước nguy cơ một số quốc gia lân cận và trên thế giới vẫn lưu hành loại virut bại liệt hoang dại nguy hiểm, để đảm bảo cộng đồng được bảo vệ khỏi bệnh bại liệt do virut bại liệt hoang dại xâm nhập; ngoài việc trẻ em dưới 1 tuổi được uống đủ 3 liều vaccin phòng bệnh đạt tỷ lệ trên 90% hàng năm, Việt Nam tổ chức chiến dịch uống vaccin bại liệt bổ sung cho trẻ em, đặc biệt tại các vùng cao biên giới, vùng sâu vùng xa, vùng có nguy cơ cao...

Thực hiện kế hoạch (bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt 2011-2015) đã được Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 2109/QĐ-BYT ngày 24/6/2011, trong năm 2011, các cháu dưới 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao được uống 2 liều vaccin bại liệt. Huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang là 1 trong số 77 huyện nguy cơ thuộc 23 tỉnh thành phố trong cả nước đã triển khai tốt chiến dịch cho trẻ dưới 5 tuổi uống vaccin phòng bệnh bại liệt bổ sung. Phó Chủ tịch huyện Vũ Thị Hoà, Trưởng ban chỉ đạo chiến dịch đã có công văn đến chủ tịch UBND các xã, thị trấn, lãnh đạo các ngành, những thành viên ban chỉ đạo yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Trung tâm y tế và Ban chỉ đạo, điều hành tuyến huyện để tổ chức triển khai có hiệu quả chiến dịch, đồng thời đảm bảo công tác hậu cần trong những ngày triển khai chiến dịch tại địa bàn. Tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức thông qua các cuộc họp thôn bản, các buổi sinh hoạt, nói chuyện trực tiếp với nhân dân, qua loa đài... để mỗi người dân đều hiểu biết về tầm quan trọng của chiến dịch uống bổ sung vaccin phòng bệnh bại liệt và tự giác đưa con em mình đến trạm uống vaccin.

Dưới trời mưa, hàng trăm chiếc ô được xoè lên che chở cho hàng trăm em bé và các bà mẹ đến dự lễ phát động Chiến dịch uống vaccin phòng bại liệt bổ sung tại sân Trạm Y tế xã Tả Nhìu. Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình TCMR Quốc gia, PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển đứng giữa mưa rơi đọc lời khai mạc và đích thân ông nhỏ những giọt vaccin phòng bại liệt đầu tiên cho những em bé dân tộc Nùng, Dao, Mông, Thái...

Cùng ngày, 44 xã khác thuộc bốn huyện trong đó có 18 xã thuộc huyện Mèo Vạc, 10 xã thuộc huyện Yên Minh, 10 xã thuộc huyện Đồng Văn và 6 xã thuộc huyện Bắc Mê... cũng đang triển khai chiến dịch đợt 1. Tiếp theo sẽ là đợt 2 với sự chuẩn bị công phu và quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo thiết thực của Bộ Y tế , Sở Y tế Hà Giang và trực tiếp là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Xe của đoàn công tác lại tiếp tục vượt qua những khúc ngoặt hiểm trở đi lên Trạm y tế xã Xín Mần, nơi có cửa khẩu Xín Mần thông thương với Trung Quốc đang được khởi công xây dựng, đây là điểm uống vaccin có phối hợp với bộ đội biên phòng. Đồng bào đang mong chờ PGS-TS. Nguyễn Trần Hiển và đoàn công tác tới...

 Chương trình TCMR Quốc gia đưa vaccin về vùng cao phục vụ bà con.

Xín Mần là huyện miền núi vùng cao biên giới, địa bàn hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống rải rác không tập trung, trình độ dân trí thấp, việc cập nhật những kiến thức chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em của các bà mẹ còn hạn chế... Vì thế, việc phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành đoàn thể, bộ đội biên phòng, quân dân y kết hợp với ngành y tế để triển khai thực hiện chiến dịch uống vaccin phòng bệnh bại liệt bổ sung và các chương trình tiêm chủng khác là vô cùng cần thiết tạo nên sức mạnh tổng hợp cho thành công. Bác sĩ quân y Đoàn Kinh tế Quốc phòng 314 Nguyễn Văn Dũng cho biết: Để đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, ngoài các điểm tiêm phòng cố định, chúng tôi phối hợp với đội tiêm chủng lưu động cõng vaccin chủ động đến tận các bản làng hẻo lánh vận động bà con đưa trẻ đến uống và tiêm phòng vaccin.

Bữa cơm trưa nơi biên cương đằm thắm tình quân dân đã cho chúng tôi gặp gỡ Đại tá Chính uỷ Giàng Seo Sào và Đại tá, Đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Đường Đoàn Kinh tế Quốc phòng 314, cùng các chiến sĩ bộ đội biên phòng đang ngày đêm canh giữ bình yên cho Tổ quốc. Họ thật sự là những chiến hữu đắc lực của ngành y tế góp phần quan trọng trong sự nghiệp chăm lo sức khoẻ cho đồng bào nơi biên cương địa đầu Tổ quốc. Họ không nói nhiều về những chiến công thầm lặng của mình mà chỉ mỉm cười trước những câu hỏi đầy khâm phục của chúng tôi, nụ cười bình dị của những nhân cách anh hùng.

Thời gian trôi đi nhanh quá, đoàn Y tế Hà Giang tha thiết mời chúng tôi ở lại thêm. Nhưng bao công việc bộn bề đang chờ Viện trưởng Nguyễn Trần Hiển và TS. Dương Thị Hồng ở viện. Kế hoạch không thể thay đổi. Đoàn công tác Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia tay đoàn y tế Hà Giang tại Thác Tiên, Đèo Gió, lưu luyến hẹn ngày trở lại và chúc cho Chương trình TCMR của Hà Giang đạt được những thành tích cao hơn nữa. Nhìn những gương mặt hồ hởi quyết tâm của đồng chí Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Thị Chung, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nguyễn Trần Tuấn và đoàn Y tế Hà Giang với những siết tay thật chặt gửi gắm bao niềm tin và hứa hẹn... Chủ nhiệm Chương trình TCMR Quốc gia Nguyễn Trần Hiển an tâm tin tưởng con em đồng bào Hà Giang sẽ được bảo vệ tốt khỏi những căn bệnh nguy hiểm nhờ những nỗ lực của ngành y tế Hà Giang nói chung và Chương trình TCMR Hà Giang nói riêng, góp phần quan trọng vào những thành công của Chương trình TCMR Quốc gia và của ngành y tế Việt Nam...

Chúng tôi trở về trên con đường uốn lượn quanh co ven sườn núi, mênh mông những thảm rừng xanh ẩn chứa bao điều kỳ bí. Cây rừng mướt mát tươi xanh đang quẫy mình trong nắng vàng và gió núi miên man. Những thửa ruộng bậc thang mơn man hiện lên trong hàng triệu triệu tia nắng mặt trời lấp lánh...

 - Bồng lai tiên cảnh là đây chứ là đâu nữa... - TS. Dương Thị Hồng thốt lên.

Và giữa chốn bồng lai, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Nùng cheo leo lưng chừng núi mộc mạc, đơn sơ, hiền như trái núi bình yên. Bình yên... Bình yên quá!... Chẳng ai bảo ai, tất cả thốt lên.

-  Yên Bình kìa! Tôi chợt nhìn thấy cột mốc ven đường khắc hai chữ Yên Bình. Tôi reo lên như một phát hiện. Gương mặt mọi người trên xe rạng ngời, lấp lánh hạnh phúc. Họ là những chiến sĩ tiêm chủng mở rộng. Họ đang góp phần bảo vệ sự bình yên nơi đây, bảo vệ cuộc sống yên bình và hạnh phúc cho mọi trẻ em Việt Nam được sinh ra, lớn lên, khoẻ mạnh đầy sức mạnh, trí tuệ và niềm tin để thực hiện được mọi ước mơ đẹp đẽ nhất trên đời... Họ đã và đang tiếp tục vượt qua mọi chặng đường gian nan, vất vả, bất chấp giông bão hiểm nguy, đêm ngày tận tụy, hy sinh..., để bảo vệ cuộc sống mãi mãi yên bình.       

  Ký của: Hiền Anh


Ý kiến của bạn