Hà Nội

Trên 90% chó mèo ở TPHCM đã được tiêm phòng bệnh dại

28-03-2024 21:00 | Y tế
google news

SKĐS - TPHCM là thành phố duy nhất đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại ở cấp tỉnh với tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại đạt khoảng trên 90% tổng đàn chó mèo.

Ông Lê Minh Trí - Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết, theo thống kê, TPHCM đang có 183.700 con chó mèo được nuôi tại 106.060 hộ.

Tính từ đầu năm đến ngày 27/3, cả nước xảy ra 27 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành phố (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023 là 12 ca). Trước tình hình đó, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh dại động vật trên địa bàn.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đang tích cực phối hợp với UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và các đoàn thể để tuyên truyền người dân về phòng chống bệnh dại, tiêm phòng vaccine, không thả rông chó mèo, xử lý chó mèo thả rông, kê khai hoạt động chăn nuôi...với nhiều hình thức khác nhau như: treo băng rôn, phát thanh trên Đài tiếng nói Nhân dân thành phố, mở các lớp tuyên truyền về phòng chống bệnh dại... Đặc biệt, phối hợp với Sở GD-ĐT trong công tác truyền thông học đường, tiến hành rà soát, thống kê tình hình biến động chó mèo và tiến hành cập nhật vào phần mềm quản lý.

Trên 90% chó mèo ở TPHCM đã được tiêm phòng bệnh dại- Ảnh 1.

TPHCM là thành phố duy nhất đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại ở cấp tỉnh.

Cùng với đó, các địa phương đã tổ chức tiêm phòng cho chó mèo trên địa bàn. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), nhiều năm liền TPHCM có tỷ lệ tiêm phòng vaccine phòng, chống bệnh dại đạt trên 90% tổng đàn chó, mèo. TPHCM là thành phố duy nhất đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại ở cấp tỉnh (toàn bộ thành phố).

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM thường xuyên thực hiện lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở hành nghề thú y tư nhân, kịp thời cập nhật tình hình tiêm phòng tại đó.

Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đã phối hợp với UBND các phường, xã thành lập các tổ bắt chó mèo thả rông, hỗ trợ phương tiện, dụng cụ... Kết quả có 59 phường, xã đã thành lập tổ bắt chó thả rông trên địa bàn TPHCM.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, Sở khuyến khích người dân thực hiện tiêm phòng vaccine bệnh dại cho chó, mèo mỗi năm 1 lần. Đồng thời kê khai hoạt động chăn nuôi 2 năm/lần ở địa phương; không mua bán chó mèo không rõ nguồn gốc; có rọ mõm khi đưa động vật ra nơi công cộng... và khi phát hiện có triệu chứng bệnh dại phải nhốt riêng và báo ngay cho cơ quan thú y để kịp thời xử lý.

HCDC khuyến cáo, tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại là biện pháp phòng bệnh dại đơn giản và hiệu quả nhất. Để công tác tiêm phòng vaccine bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả, ngoài việc thực hiện của các cơ quan, chính quyền địa phương, người dân cũng cần phối hợp để cùng thực hiện tốt.

TPHCM đang tiêm vaccine dại cho chó, mèo và người nuôi với giá 12.500 đồng - 23.000 đồng/liều

Khi có nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh dại, người dân nên mang chó, mèo đến Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật (số 126 Trần Quý, Phường 6, Quận 11) hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, liên quận, Thành phố Thủ Đức để được tiêm phòng theo đúng quy định. Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêm phòng đại trà hằng năm.

Hiện nay, người dân cần chi trả chi phí tiêm phòng vaccine dại cho chó mèo là 23.000 đồng/liều. Riêng người dân tại 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) khi tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo chỉ phải chi trả là 12.500 đồng/liều do được nhà nước hỗ trợ 50% chi phí.

Người dân cần tuân thủ nghiêm quy định tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo nuôi tại hộ gia đình vì đây là bệnh bắt buộc phải tiêm phòng. Nếu người nuôi chó, mèo không tuân thủ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và buộc phải chấp hành việc tiêm phòng (theo Nghị định số 04/2020/NĐ-CP).

3 tháng đầu năm đã có 27 ca tử vong do bệnh dại, khu vực miền Trung tăng đột biến3 tháng đầu năm đã có 27 ca tử vong do bệnh dại, khu vực miền Trung tăng đột biến

SKĐS - Bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra tại Việt Nam, trong đó bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất. Từ đầu năm 2024 đến nay đã có 27 trường hợp bệnh dại tử vong, 1 trường hợp mắc cúm A/H5N1 tử vong.


Phạm Thương
Ý kiến của bạn