Chiều 1/11, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị tập huấn và đánh giá công tác chỉ đạo tuyến, Đề án 1816 về “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” và Đề án Bệnh viện vệ tinh.
Giảm tỷ lệ chuyển tuyến không phù hợp khoảng 30%
Thông tin tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, thời gian qua, ngành Y tế không ngừng đổi mới hoạt động khám chữa bệnh (KCB) từ việc thực hiện 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, đổi mới quy trình KCB, đổi mới tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, cho đến các Đề án nâng cao chất lượng KCB như thực hiện Đề án 1816, Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án bác sĩ gia đình, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, Đề án củng cố mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình… nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đến nay, công tác chỉ đạo tuyến đã góp phần nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới, nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, thể hiện ở chỗ cả nước đã có gần 9.000 lượt cán bộ đi hỗ trợ tuyến dưới trong đó: Trung ương hỗ trợ tuyến tỉnh gần 4.000; tỉnh hỗ trợ huyện 2.000, huyện hỗ trợ tuyến xã 3.000 lượt cán bộ. Đã chuyển giao hơn 4.689 thuật và hầu hết các kỹ thuật được đánh giá là thực hiện tốt.
“Điều này đã giúp các bệnh viện tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật; trực tiếp KCB cho hơn 4.500.000 người bệnh, phẫu thuật hơn 1.600 ca, cứu sống hàng trăm người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo nếu đưa về tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao ...”-Cục trưởng Lương Ngọc Khuê dẫn chứng
Công tác chỉ đạo tuyến đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới thông qua hơn 2.000 lớp đào tạo, tập huấn cho trên 52.000 lượt cán bộ tham gia; cán bộ tuyến dưới đã tiếp nhận và làm chủ được các kỹ thuật do tuyến trên chuyển giao.
Nhờ đó, đã góp phần giảm tải từ xa cho bệnh viện tuyến trên nhất là các bệnh viện tuyến TW thể hiện ở chỗ làm giảm tỷ lệ chuyển lên tuyến trên không phù hợp trung bình khoảng 30 %, ở một số địa phương những loại bệnh trước đây có tỷ lệ chuyển tuyến cao nay đã không còn người bệnh chuyển tuyến như ung bướu, chấn thương, tim mạch...
Cứu sống nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo
Cứu sống nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ chuyển tuyến của các bệnh viện tuyến dưới là kết quả điển hình của việc thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế về “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”.
Việc tích cực thực hiện Đề án 1816 của các bệnh viện đã góp phần cứu sống nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ chuyển tuyến của các bệnh viện tuyến dưới
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết, từ năm 2008 đến tháng 9/2018 đã có trên 10.000 lượt cán bộ được cử đi luân phiên, đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tỉnh. Các lĩnh vực chuyên môn đã triển khai thực hiện chuyển giao kỹ thuật ở 26 chuyên ngành, gồm: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Y học Cổ truyền, Tâm thần, Truyền nhiễm, Lao, Da liễu, Bỏng, Ung bướu, Nội tiết, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Mắt, Huyết học - Truyền máu, Miễn dịch, Di truyền, Hóa sinh, Giải phẫu bệnh và Tế bào, Chẩn đoán hình ảnh, Nội soi, Thăm dò chức năng, Bỏng…
Ngoài các chuyên ngành trên, một số bệnh viện còn cử cán bộ xuống hỗ trợ đào tạo về quản lý bệnh viện, sửa chữa trang thiết bị y tế, xét nghiệm... Theo báo cáo của các bệnh viện trung ương và các bệnh viện tuyến cuối, có trên 5.400 kỹ thuật được chuyển giao, hầu hết các kỹ thuật bệnh viện tuyến dưới đã làm chủ được và thực hiện tốt sau khi nhận chuyển giao
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết thêm, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện các đề án trên, tuy nhiên hiện tại mô hình bệnh tật của Việt Nam rất đa dạng. Bệnh lây nhiễm diễn tiến phức tạp, bệnh không lây nhiễm gia tăng. Kinh phí đầu tư cho ngành y tế còn hạn chế, quy mô giường bệnh/ vạn dân còn thấp. Khoảng cách chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh giữa các vùng miền có sự khác biệt rõ rệt. Ở những vùng miền khó khăn, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân còn rất hạn chế.
Trong khi đó, năng lực y tế tuyến cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. nhiều bệnh viện tuyến huyện xuống cấp. Một số cơ sở KCB tuyến dưới được trang bị một số máy móc trang thiết bị y tế nhưng không có cán bộ y tế đủ năng lực trình độ khai thác đưa vào sử dụng, dẫn đến lãng phí.
Thực trạng này khiến người bệnh có xu hướng lựa chọn cơ sở KCB có trình độ kỹ thuật cao gây ra tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện tuyến trên.
“Thực tế cho thấy việc thực hiện các đề án đưa cán bộ y tế tuyến trên về tuyến dưới đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên để y tế tuyến dưới thực sự khởi sắc, “níu” giữ được ngày càng nhiều người bệnh ở lại tuyến dưới điều trị thì bản thân các bệnh viện đi chuyển giao và bệnh viện nhận chuyển giao cần phải phối hợp hài hoà hơn nữa, để có sự trùng khớp, tránh chuyển giao theo kiểu cái tuyến dưới không cần và tuyến trên cũng không vững khi đi chuyển giao”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói