Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số: Thực trạng và giải pháp” vừa diễn ra tại Hà Nội do Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp cùng Tổ chức cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam
Theo TS.BS Nguyễn Thanh Tuấn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, điều tra cắt ngang tại 11 tỉnh miền núi cho thấy, tỷ lệ bú sữa mẹ của trẻ em dân tộc thiểu số còn thấp (4 - 33%). Đáng nói, trong 3 ngày đầu sau sinh, nếu trẻ em người Kinh được cho uống thêm nước trắng và sữa công thức thì trẻ em người Thái - Mường đã được cho ăn thêm cơm nhá, nước thảo dược; còn trẻ em Tày Nùng được cho uống thêm nước mật ong.
Hội thảo “Dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số: Thực trạng và giải pháp” nhận được sự quan tâm của nhiều đại diện tổ chức quốc tế.
Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em có chế độ ăn đúng, đủ ở dân tộc ít người (33- 52%) còn thấp hơn nhiều so với dân tộc Kinh (75%). Nguyên nhân do học vấn của bà mẹ còn thấp, chế độ ăn không đa dạng, trẻ cai sữa sớm…
Tổng hợp số liệu từ các cuộc điều tra khác của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đã chỉ ra, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cả nước đã giảm từ 17,5% (năm 2010) xuống còn 14,1% (năm 2015). Tuy nhiên, tại một số tỉnh có nhiều trẻ em dân tộc thiểu số sinh sống thì tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi vẫn ở mức hơn 30%.
“Trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng gày còm cao gấp rưỡi và tỷ lệ béo phì bằng một nửa so với trẻ em người Kinh. Đặc biệt, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi ở miền núi rất cao (80,8%); tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai cũng ở mức 87% và tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ tuổi sinh đẻ cũng lên tới 73,4%’, BS Trần Thành Đô, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chia sẻ.
Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng thấp còi ở trẻ dân tộc thiểu số được xác định do khẩu phần ăn không hợp lý, trẻ không ăn đủ số bữa tối thiểu, nhiều trẻ không được bú đến 1 tuổi. Đồng thời, nhiều hộ gia đình nghèo nhưng sinh nhiều con và khoảng cách sinh con ngắn (năm một). Chiều cao của bố mẹ thấp, mẹ cao dưới 1,45 m, bố dưới 1,55 m.
Trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng gày còm cao gấp rưỡi và tỷ lệ béo phì bằng một nửa so với trẻ em người Kinh
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung nhiều giải pháp ưu tiên về mọi mặt đối với các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên.
Giải pháp mang tính vĩ mô là tập trung cải thiện kinh tế, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống...để tạo nền tảng cải thiện sức khỏe của người dân, đặc biệt là dinh dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số.
Về phía ngành dinh dưỡng, tới đây, sẽ tiếp tục triển khai bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em, phụ nữ có thai dân tộc thiểu số. Hiện tại, mỗi năm, toàn quốc đã triển khai 2 lần bổ sung vitamin A, nhưng với những vùng núi nơi nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống rất cần tăng cường, bổ sung đa vi chất, sắt, kẽm, vitaminA cho trẻ em dưới 5 tuổi; với phụ nữ có thai là axit folic, sắt…
“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ để có nhiều giải pháp kỹ thuật chuyên môn, nhằm giám sát đặc điểm từng dân tộc; triển khai các cuộc điều tra để từ trực trạng đưa ra giải pháp và mô hình cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số hiệu quả. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần chủ động, ưu tiên đầu tư các hoạt động dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe cho trẻ em dân tộc thiểu số”, PGS.TS Trương Tuyết Mai khẳng định.