Theo các nghiên cứu về tai nạn thương tích ở Việt Nam gần đây cho thấy tỷ lệ tai nạn thương tích do tất cả các nguyên nhân ở Việt Nam nằm ở mức cao trên thế giới. Trong số các phân nhóm của tai nạn thương tích, tai nạn giao thông chiếm vị trí hàng đầu về tỷ lệ gây tàn tật và tử vong.
Việc triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tỷ lệ mắc, giảm tác động của tai nạn giao thông lên sức khỏe con người. Đặc biệt là với nhóm trẻ em luôn là các ưu tiên hàng đầu trên thế giới và Việt Nam.
Thông tin trên được PGS.TS Ngọc Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng đưa ra tại Hội thảo khoa học về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô do Trường ĐH Y tế công cộng (Bộ Y tế) tổ chức tại Hà Nội hôm qua (16/11).
Tại hội thảo, ông Dương Kim Tuấn (Trung tâm Nghiên cứu chính sách về phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng), cho biết tại Việt Nam số hộ gia đình sở hữu ô tô con phục vụ đi lại ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa quan tâm tới việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi di chuyển cùng gia đình bằng ô tô.
"Theo nghiên cứu tại Việt Nam, có 22.8% trẻ em dưới 10 tuổi ngồi một mình ở ghế phụ trước khi đi ô tô và 19.2% trẻ ngồi ghế phụ trước chung với người lớn. Rất ít cha mẹ để con nhỏ của mình ngồi trong ghế chuyên dụng"- ông Dương Kim Tuấn thông tin.
Cũng theo ông Tuấn, hiện Việt Nam chưa có quy định về thiết bị, vị trí an toàn của trẻ em trên ô tô; tỷ lệ người sử dụng ô tô có thiết bị an toàn cho trẻ em còn rất thấp. Một nghiên cứu quan sát tháng 1 - 2/2022 với 14.924 xe con cá nhân cho thấy, 7,4% xe có trẻ em trên xe. Tỷ lệ xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ là 1,3%. Tại Hà Nội, tỷ lệ này là 2,6% và 1,1% tại TP HCM, tại Đà Nẵng là 0%.
Ông Dương Kim Tuấn thông tin thêm theo kết quả nghiên cứu phát vấn (online) khảo sát 756 người chăm sóc, cha, mẹ có trẻ từ 0 -12 tháng tuổi tại 3 thành phố trên, có 49,9% trả lời chưa tùng được nghe đến thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Trong đó, tỷ lệ này cao nhất tại TP HCM với 60,8%; Hà Nội và Đà Nẵng có tỷ lệ gần tương đương với 46,5% và 46,4%.
Về vấn đề "ưu tiên mua thiết bị an toàn cho trẻ, mua mới (không phải thiết bị đã qua sử dụng)", có 87,2% cha, mẹ đồng ý. Tỷ lệ này cao nhất tại Đà Nẵng (90,2%); tiếp đến là TP HCM (88,7%) và Hà Nội là 85,3%.
Tại hội thảo, một số ý kiến của chuyên gia về phòng chống chấn thương, cho biết thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em là rất cần thiết nhưng nhiều cha mẹ chưa mua, chưa sử dụng trên xe ô tô do chưa được tiếp cận thông tin, chưa có kiến thức về sự cần thiết của thiết bị này, nhiều người cho rằng, đưa đón con bằng ô tô là đã đủ điều kiện về an toàn...
Thiết bị an toàn (ghế, dây đai thiết kế phù hợp lứa tuổi, chiều cao) sẽ giúp cố định trẻ, nhờ đó giúp cho trẻ tránh bị văng xa, va đập, giảm chấn thương nặng trong trường hợp không may ô tô có va chạm mạnh, tai nạn khi tham gia giao thông.
Dự kiến, trong thời gian tới, Trường ĐH Y tế công cộng cùng các tổ chức sẽ có các hoạt động cung cấp kiến thức về vẫn đề này đến cộng đồng.