Trên 1.400 trường học ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa

24-06-2020 12:47 | Xã hội

SKĐS - Trên 1.400 trường tiểu học và mầm non tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tham gia chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa sau khi sử dụng góp phần bảo vệ môi trường

 

Sau thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, các em học sinh trong cả nước đã quay trở lại trường học được gần hai tháng. Chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa do Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài Nguyên & Môi Trường TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cùng các đối tác tiếp tục được triển khai với nhiều kết quả tích cực, đánh dấu thành công trong năm đầu tiên triển khai chương trình trên diện rộng.

Cụ thể, trên 1.400 trường tiểu học và mầm non tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tham gia chương trình. Trong đó, tất cả các trường tham gia chương trình đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các em học sinh phân loại vỏ hộp sữa sau khi uống, từ đó đảm bảo chất lượng vỏ hộp thu gom đạt tiêu chuẩn để tái chế.

Học sinh được hướng dẫn về thu gom vỏ hộp sữa sau khi đã sử dụng

Tham gia chương trình, các em học sinh đã được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán sticker lên miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó được thực hiện thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển về nhà máy để tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp và tấm lợp, tấm phẳng sinh thái...

Thông qua chương trình, ban tô chức hướng đến mục tiêu giúp các em học sinh hình thành thói quen phân loại và thu gom vỏ hộp sữa sau khi uống không chỉ tại trường mà còn tại gia đình và lan tỏa ra toàn xã hội.

“Đây là năm đầu tiên chúng tôi triển khai chương trình trên diện rộng sau khi đã thí điểm thành công tại TP.HCM trong năm học 2018-2019. Chúng tôi rất vui mừng trước các kết quả chương trình đã đạt được và đây sẽ là mô hình cơ sở để các địa phương có thể học tập và áp dụng,” ông Tạ Bảo Long – đại diện chương trình cho biết.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình trong việc hình thành thói quen phân loại, thu gom vỏ hộp sữa sau khi uống của các em học sinh, cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên Trường Mầm non Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: Chúng tôi rất chú trọng đến việc hướng dẫn các em thực hành việc xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống để đảm bảo đạt tiêu chuẩn đưa đi tái chế, qua đó nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường của các em. Sau một thời gian thực hành liên tục, các em đã hình thành thói quen tự gấp vỏ hộp sữa sau khi uống và để vào nơi thu gom mà không cần sự giám sát của các cô, kể cả trong thời gian cách ly xã hội do dịch COVID-19. Điều này khiến chúng tôi hết sức vui mừng vì cô và trò đã thực hiện tốt tinh thần bảo vệ môi trường của chương trình.

Vỏ hộp sữa sau khi được tái chế

Ngoài việc thu gom và phân loại vỏ hộp sữa tại trường học, chương trình cũng đang tích cực phối hợp với các đối tác nhằm mở rộng mạng lưới thu gom vỏ hộp sữa công cộng để người tiêu dùng có thể mang vỏ hộp sữa đã được xử lý đến và đem đi tái chế. Hiện nay, đã có trên 30 điểm thu gom vỏ hộp sữa công cộng tại nhiều tỉnh, thành phố.


Thái Bình
Ý kiến của bạn