Trên 10 triệu người Việt gặp phải các vấn đề về giấc ngủ

12-06-2024 07:14 | Y tế

SKĐS - Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh lý rối loạn giấc ngủ trên thế giới và tại Việt Nam đang gia tăng ở các nhóm tuổi khác nhau. Hậu quả của rối loạn giấc ngủ rất nghiêm trọng, gây giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất lao động và tăng chi phí y tế, đồng thời tăng nguy cơ tai nạn giao thông, lao động...

Những thông tin trên được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ V với chủ đề "Giấc ngủ vì sức khỏe cộng đồng" vừa diễn ra.

Theo các chuyên gia giấc ngủ là quá trình sinh học cần thiết cho sự sống, giúp phục hồi sức khỏe và cân bằng nhịp độ sinh học của cơ thể. Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, nhiều người dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ngủ và giấc ngủ kém chất lượng do áp lực công việc, cuộc sống nhanh chóng, lạm dụng thiết bị điện tử, và các yếu tố khác.

Trên 10 triệu người Việt gặp phải các vấn đề về giấc ngủ- Ảnh 1.

GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ, Chủ tịch Hội Y học giấc ngủ Việt Nam phát biểu chào mừng và khai mạc hội nghị.

Trong khuôn khổ của hội nghị, các chuyên gia đã cung cấp các thông tin và đưa ra cảnh bảo về tình trạng rối loạn giấc ngủ nói chung, đặc biệt là hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA) đang ngày càng trở lên phổ biến trên thế giới, tại Việt Nam hiện nay ước tính 4 triệu người bị ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ và trên 10 triệu người gặp phải các vấn đề về giấc ngủ.

Tuy nhiên các bệnh lý về giấc ngủ chưa được nhận thức và quan tâm đúng mức, gây ra suy giảm sức khỏe, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, sa sút trí tuệ và nguy cơ đột quỵ. Tình trạng ngủ ngáy đi kèm với hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, chất lượng cuộc sống, và tăng nguy cơ tai nạn lao động và giao thông.

Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh lý rối loạn giấc ngủ trên thế giới và tại Việt Nam đang gia tăng ở các nhóm tuổi khác nhau. Trên thế giới, khoảng 20-30% trẻ em, 20% thanh thiếu niên, 10-30% người trưởng thành và 50% người già gặp các vấn đề về giấc ngủ.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 20% trẻ em, 15-20% thanh thiếu niên, 15-20% người trưởng thành và 30-40% người già mắc rối loạn giấc ngủ. Các bệnh đồng mắc phổ biến bao gồm trầm cảm, lo âu, bệnh tim mạch và tiểu đường.

Nguyên nhân chính bao gồm căng thẳng, lo âu, thói quen sống không lành mạnh, bệnh lý nền và yếu tố di truyền. Xu hướng phát triển cho thấy tỷ lệ này tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam và thành phố lớn.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm sức khỏe tinh thần kém, bệnh lý thể chất, thói quen sống không lành mạnh và sử dụng chất kích thích. Hậu quả của rối loạn giấc ngủ rất nghiêm trọng, gây giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất lao động và tăng chi phí y tế, đồng thời tăng nguy cơ tai nạn giao thông và lao động do thiếu ngủ.

Trên 10 triệu người Việt gặp phải các vấn đề về giấc ngủ- Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế (người mặc áo xanh) cùng các đại biểu dự hội nghị.

Hội nghị khoa học thường niên lần thứ V với chủ đề "Giấc ngủ vì sức khỏe cộng đồng" đã thu hút sự tham gia của hơn 400 chuyên gia về Y học giấc ngủ và các chuyên ngành có liên quan: Tim mạch, Hô hấp, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Thần Kinh, Tâm Thần, Nội Tiết, Dinh Dưỡng, Y học cổ truyền, Dị ứng miễn dịch, Phục hồi chức năng, Y học gia đình, thiền học, Âm học liệu pháp, Trí tuệ nhân tạo từ Pháp, Mỹ, Úc, Ấn Độ và Việt Nam.

Sự kiện này là cơ hội để các nhà khoa học, chuyên gia y học giấc ngủ và các chuyên khoa liên quan cập nhật những kiến thức mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý giấc ngủ cũng như nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ của cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của giấc ngủ, từ đó cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho mọi người, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân Việt Nam.

Hơn 80 báo cáo khoa học với các chủ đề phong phú và đa dạng về y học giấc ngủ liên quan đến các lĩnh vực: nội khoa, nhi khoa, phụ nữ mang thai, tai mũi họng, hàm mặt, hô hấp, thần kinh - tâm thần, tim mạch - chuyển hóa, miễn dịch - dị ứng, y học cổ truyền, thiền và liệu pháp âm thanh, điện não đồ, phục hồi chức năng, y tế công cộng, chăm sóc điều dưỡng, công nghệ thông minh và y học từ xa đã được các chuyên gia trình bày tại hội nghị.

Các báo cáo này không chỉ mang lại những kiến thức cập nhật mà còn đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe giấc ngủ.

Trên 10 triệu người Việt gặp phải các vấn đề về giấc ngủ- Ảnh 3.

Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh lý rối loạn giấc ngủ trên thế giới và tại Việt Nam đang gia tăng ở các nhóm tuổi khác nhau...

Trong đó, 1 số báo cáo nổi bật như "Kết quả khảo sát đa trung tâm rối loạn giấc ngủ, ngủ ngáy – ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ tại Việt Nam" của GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ - Chủ tịch Hội Y học giấc ngủ Việt Nam; "Khuyến cáo mới của Cộng hòa Pháp về Hội chứng ngưng thở trung ương" của GS.TS. Francis Martin, và "Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở phụ nữ có thai" của TS. Franck Soyez đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đại biểu

Đặc biệt, trong khuôn khổ hội nghị, đã diễn ra kỳ thi lấy chứng chỉ Bằng Chuyên gia Y học Giấc ngủ Quốc tế do Hiệp hội Y học Giấc ngủ Thế giới (WSS) tổ chức cho 40 bác sĩ từ Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đây là bước tiến quan trọng, khẳng định trình độ chuyên môn và cam kết của các bác sĩ trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế liên quan đến giấc ngủ.

Hậu COVID-19: Kiểm soát các vấn đề về căng thẳng, lo âu, trầm cảm và giấc ngủ thế nào?Hậu COVID-19: Kiểm soát các vấn đề về căng thẳng, lo âu, trầm cảm và giấc ngủ thế nào?

SKĐS - Theo Bộ Y tế, sau mắc COVID-19, "cựu F0" cảm thấy mệt mỏi, khả năng tập trung sẽ bị ảnh hưởng, sau đó sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ, điều này dẫn đến tăng cảm giác lo âu, và kết quả là mệt mỏi...

Thái Bình
Ý kiến của bạn