Trẻ xem phim không phù hợp lứa tuổi: Trách nhiệm thuộc về ai?

27-07-2018 09:21 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Việt Nam hiện chưa có công trình nghiên cứu để đánh giá những tác động của việc xem phim tình cảm, bạo lực đối với sự phát triển nhân cách của trẻ nhỏ.

Có lẽ vì thế mà không ít bậc cha mẹ vô tư cho con trẻ ở độ tuổi mầm non xem phim tình cảm, bạo lực, chém giết, đánh nhau... trên truyền hình. Dường như họ đã quên những tác hại nó mang đến. Trong khi đó, nỗ lực của các nhà làm phim trong việc dán mác cho sản phẩm chưa mang lại hiệu quả cao.

Hiệu quả của sự quy củ và chi tiết

Tại Mỹ, hệ thống phân loại theo độ tuổi của phim truyền hình rất quy củ và chi tiết, từ trẻ con đến người lớn, vừa bảo vệ trẻ em vừa giúp các bộ phim đến được với công chúng mục tiêu. Là một trong những hệ thống phát hành phim có lượng khán giả đông đảo nhất hiện nay, từ lâu Netflix đã lập ra hệ thống cấp độ tuổi rất chi tiết đến từng lứa tuổi một. Không chỉ đơn giản là trẻ con - thiếu niên - người lớn, mà mỗi nhóm tuổi này cũng được chia nhỏ ra. Cụ thể, hệ thống phân loại ở Mỹ của Netflix bao gồm 16 cấp độ. Trong nhóm Trẻ em nhỏ nhất có G, TV-Y, TV-G. Nhóm Trẻ em lớn hơn có PG, TV-Y7, TV-Y7-FV, TV-PG, một vài phim thuộc nhóm PG-13 và TV-14. Nhóm Thiếu niên có PG-13, TV-14. Nhóm Người lớn có R, NC-17, TV-MA, UR, NR.

Các cấp độ khá phức tạp nhưng có thể hiểu là dao động từ G (bất cứ ai đều có thể xem) đến NR (không được xếp hạng, hay “ngoại hạng”, và là bản không hề cắt gọt của một phim và không phù hợp với trẻ em hay thiếu niên). Các từ viết tắt trong xếp hạng trông khá rối rắm nhưng có thể căn cứ vào các con số để hiểu giới hạn độ tuổi hoặc phức tạp hơn thì cũng đều có quy luật. Đơn cử, TV-Y7-FV là dành cho khán giả bằng hoặc trên 7 tuổi và có chứa nội dung “bạo lực tưởng tượng”. Còn TV-MA là dành cho những phim có nội dung thiết kế dành riêng cho người lớn, không phù hợp với trẻ em hay thiếu niên. Để nhận diện sự “không phù hợp” này, người ta căn cứ dựa trên những chi tiết trong phim thuộc dạng: hài đen, thường xuyên dùng ngôn từ tục, bạo lực dữ dội (có hình ảnh máu me), ngôn từ mạnh bạo về tình dục và mô tả khá rõ hành vi tình dục...

Trẻ xem phim không phù hợp lứa tuổi: Trách nhiệm thuộc về ai?Các bậc phụ huynh nên nâng cao trách nhiệm của mình trong việc giám sát, định hướng cho  con em mình lựa chọn những bộ phim phù hợp lứa tuổi.

Nhưng đó là cách làm quá chuyên nghiệp ở nước ngoài. Khi quay trở lại thực tế ở Việt Nam,  ta không tránh khỏi cảm giác lo âu, bởi xưa nay dường như xã hội ta vẫn chấp nhận một nhận thức chung: phim truyền hình là thể loại giải trí dành cho đông đảo khán giả. Thế nên khung giờ vàng được nhà đài và người xem mặc nhiên coi là khung giờ dành cho khán giả nhiều độ tuổi, trong đó có cả trẻ em.

Việc cần làm ngay lúc này

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng khi cùng trẻ xem những bộ phim tình cảm, bạo lực, người lớn sẽ giáo dục con đâu là người tốt, người xấu, việc gì nên làm, việc gì không. Tuy nhiên, trên thực tế việc này rất khó và không phải cha mẹ nào cũng có thời gian vừa xem vừa giải thích cho trẻ hiểu một cách thấu đáo.

Do còn nhỏ, trẻ chưa thể phân biệt được những hành vi trong phim ảnh là tốt hay xấu, nếu không được chỉ dẫn, trẻ sẽ dễ bắt chước theo. Vì vậy, cách tốt nhất là cha mẹ cần chủ động hạn chế hoặc thay đổi thói quen giải trí của mình vì con trước khi mong chờ một sự phân loại quy củ và chi tiết từ các nhà quản lý phim ảnh.

Hiện nay, bên cạnh việc ráo riết dán nhãn độ tuổi cho phim truyền hình, các nhà đài cũng nên nghiên cứu các khung giờ phát sóng phim và các chương trình mang yếu tố người lớn như nhiều nước trên thế giới đã làm. Tất nhiên, trong thời đại của công nghệ, việc tiếp cận những thông tin, hình ảnh không còn quá khó, nhưng độ phổ biến của truyền hình vẫn rất lớn và mang tính chính thống, cho nên sức ảnh hưởng đến giới trẻ cũng rộng hơn. Chính vì vậy, khung giờ của truyền hình người lớn (thường vào giờ muộn trong ngày) là cần thiết, đáp ứng nhu cầu chia sẻ, tìm hiểu thông tin và giải trí của đối tượng khán giả đã trưởng thành. Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, việc quản lý phát sóng những bộ phim, chương trình truyền hình không mang tính phổ biến còn có thể triển khai thực hiện với các công cụ kiểm soát, đặt mã pin, cài khóa kênh, cho phép lựa chọn xem, giúp các gia đình có thể kiểm soát, ngăn chặn những nội dung không phù hợp đến trẻ nhỏ.

Năm 2012, khán giả từng phản ứng gay gắt khi phim Hoa nắng phát sóng trên truyền hình có cảnh quay không phù hợp với trẻ em, mặc dù hội đồng duyệt phim lên tiếng rằng đây là cảnh chủ ý của nhà làm phim phê phán lối sống trụy lạc của những người trẻ trong phim, đồng thời gợi mở cho tình huống tiếp theo. “Nếu phim chiếu rạp thì người xem ở tư thế chủ động. Còn truyền hình lại khác, đôi khi khán giả xem một cách thụ động. Bố mẹ mở tivi thì con cái cũng có thể ngồi xem cùng. Làm phim truyền hình ở Việt Nam phải lưu ý tới tính chất đó” - một vị đạo diễn nổi tiếng từng chia sẻ. Đây cũng là sự gợi mở cho hành động dán nhãn cho phim truyền hình và đó là con đường để những bộ phim có nội dung, hình ảnh vốn được coi là “nhạy cảm” như về giới tính hoặc các thể loại phim giải trí không dành cho trẻ em và có yếu tố bạo lực, kinh dị... lên được sóng truyền hình, để khán giả người lớn được thưởng thức nhiều “món” đa dạng hơn.

Đặc biệt gần đây, sau khi phát sóng những tập đầu của phim Quỳnh búp bê trong khung giờ vàng phim Việt (từ 20 giờ 45 phút thứ năm, thứ sáu hàng tuần), nhà đài đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Bên cạnh những ý kiến ngợi khen về một bộ phim có chủ đề táo bạo, đi sâu khai thác được các góc khuất của hiện thực xã hội, thì cũng có không ít người phê phán gay gắt việc phim mô tả trần trụi về bạo lực, mại dâm cùng những hình ảnh và ngôn từ thiếu tính định hướng, giáo dục giới trẻ. Tiếp thu ý kiến từ phía báo chí và người xem, nhà đài đã dán nhãn 18 cho phim với dòng chữ cảnh báo phim không phù hợp với lứa tuổi vị thành niên, đồng thời khuyến cáo các bậc cha mẹ nên giám sát các em. Thế nhưng hành động này có tác dụng hay không thì còn phải xét ở nhiều phương diện.


Tùng Lâm
Ý kiến của bạn