1. Viêm tiểu phế quản là gì?
Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ em dưới 24 tháng tuổi, đa số dưới 12 tháng tuổi, đỉnh điểm là 2-6 tháng. Nguyên nhân của viêm tiểu phế quản là RSV - một loại virus hợp bào hô hấp. Ngoài ra còn có các tác nhân khác.
RSV thường lây qua đường hô hấp, giọt tiết từ người nhiễm bệnh và lây cho người lành. Bệnh thường khởi đầu bằng các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi… sau đó 1-2 ngày sẽ khò khè, thở nhanh, thở co lõm ngực, quấy khóc, bỏ bú…và có thể tím tái, lừ đừ. Khám sẽ thấy rale ẩm và rale ngáy… Tất cả trẻ dưới 3 tháng tuổi nếu chẩn đoán viêm tiểu phế quản bác sĩ sẽ khuyên nhập viện theo dõi vì nhóm tuổi này nguy cơ trở nặng tại nhà.
Vì vậy, khi thấy bé có dấu hiệu ho, khò khè, thở nhanh hơn bình thường, mệt mỏi, bỏ bú… đều phải đi khám trực tiếp bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị phù hợp. Việc khám sớm giúp bé có thể điều trị sớm, tránh bệnh tiến triển nặng.
2. Viêm tiểu phế quản có nên dùng kháng sinh?
RSV là siêu vi, nên về nguyên tắc, hiện nay chỉ khuyến cáo điều trị hỗ trợ không gồm thuốc kháng sinh, không thuốc giãn phế quản vì cơ chế gây khò khè của RSV khác với trong bệnh hen suyễn, chỉ là hạ sốt, bù nước, theo dõi các biến chứng suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm phổi…
Tuy nhiên, có thể sử dụng kháng sinh trong trường hợp bác sĩ khám ghi nhận có thể có nhiễm trùng đi kèm nhiễm RSV hoặc có suy hô hấp. Nếu bé được kê kháng sinh thì cha mẹ cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ để nắm rõ về liều lượng, cách cho trẻ uống thuốc và khi nào thì ngưng.
3. Hướng dẫn chăm sóc trẻ viêm tiểu phế quản tại nhà
- Đầu tiên đó chính là bù đủ nước: Viêm tiểu phế quản thường gây sốt, thở nhanh… nên bé sẽ mất nước nhiều hơn bình thường. Có nhiều bé mất nước rất nặng, da khô, mệt nhiều... nên ở nhà nếu bé bị bệnh về hô hấp nói chung, không riêng viêm tiểu phế quản cần cho trẻ uống nhiều nước. Nước còn có tác dụng làm loãng đàm rất tốt, giúp bé dễ dàng tống xuất đàm hoặc nuốt xuống, tránh vướng cổ gây kích thích và gây ho
- Thứ hai là thông thoáng đường thở bằng nước muối sinh lý NaCl 0.9%: Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi, họng cho thông thoáng đường thở, giúp bé thở và trao đổi khí tốt hơn.
- Thứ ba đó là siro ho: Cần lưu ý, một số loại siro ho có tác dụng ức chế ho thì không nên dùng vì việc ức chế ho sẽ gây tắc đàm nhớt trong phổi bé, gây xẹp phổi và biến chứng nặng nề hơn. Nếu trẻ trên 12 tháng tuổi thì mật ong hỗ trợ ho rất tốt.
- Thứ tư đó là hạ sốt nếu như có sốt >38 độ C (kẹp nách) với liều paracetamol 15mg/kg mỗi 4-6 tiếng/lần và một ngày không được quá 4 liều. Việc hạ sốt giúp bé đỡ mệt hơn, đỡ mất nước hơn.
- Cuối cùng, những thuốc như phun khí dung, giãn phế quản, kháng sinh hay corticoid… đều không được khuyến cáo dùng thường quy trong viêm tiểu phế quản. Tuy nhiên, thực tế mỗi bé khác nhau sẽ có điều trị khác nhau và một số trường hợp việc dùng thuốc kháng sinh hay corticoid cho bé đều phải do bác sĩ chỉ định.
Thường các bé mức độ nhẹ sẽ tái khám sau 2-3 ngày. Nếu bé bỏ bú, sốt cao, thở mệt, tím tái… cha mẹ cần cho bé tái khám ngay.
4. Làm gì để phòng ngừa viêm tiểu phế quản?
- Vệ sinh cá nhân và môi trường sống.
- Người lớn hút thuốc lá là nguyên nhân làm tăng nguy cơ trẻ bị viêm phổi hay các bệnh hô hấp.
- Tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là cúm hàng năm cho trẻ từ 6 tháng tuổi...
Mời xem thêm video được quan tâm:
Người viêm họng nên ăn và kiêng thực phẩm nào? | SKĐS