Trẻ viêm màng não do gia đình nuôi chó

19-09-2020 14:36 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Tin từ ThS.BS Ông Huy Thanh – PGĐ Bệnh Viện Nhi Đồng Cần Thơ cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 3 bé trai bị viêm màng não do tác nhân hiếm gặp là viêm màng não do kí sinh trùng.

Từ ngày 28/8/2020 đến ngày 7/9/2020 Khoa Truyền nhiễm, Bệnh Viện Nhi Đồng Cần Thơ tiếp nhận 3 trường hợp sốt, nôn ói, đau đầu đã được điều trị trước đó nhưng gia đình không đưa trẻ đến nhập viện.

2 bé là anh em ruột ở Thị xã Bình Minh, Vĩnh Long. 2 anh em được Trung tâm y tế Thị xã Bình Minh chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ

Cả 2 trường hợp trên đều có các triệu chứng sốt, nôn ói, ăn kém, đặc biệt là đau đầu dữ dội. Khai thác tiền sử từ gia đình: Trước khi bệnh, hai bé hoàn toàn khỏe mạnh, không ăn đồ hải sản sống, trong nhà có nuôi chó; 2 bé thường xuyên tiếp xúc và chơi đùa với chúng.

Trường hợp thứ 3: bé 5 tuổi, sốt 5 ngày, nôn ói, táo bón, đau đầu có điều trị không giảm nên người nhà đưa bé nhập viên Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ vào ngày 7/9/2020.

Cả 3 trường hợp được chọc dịch tủy sống có kết quả tế bào tăng cao với eosinophil chiếm hơn 10% số lượng tế bào trong dịch não tủy, test nhanh dương tính với Toxocara.

Các trường hợp trên đều đáp ứng tốt với điều trị thuốc giun sán (Albendazole uống) và các điều trị khác, kết quả  các bé hết sốt, hết đau đầu, không nôn ói, ăn uống khá.

Sau điều trị 15 ngày và kết quả kiểm tra dịch não tủy bình thường thì 1 bé được xuất viện còn 2 bé tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa Truyền nhiễm.

Sức khỏe của bé đã hồi phục. Ảnh: BVCC

Tình trạng nhiễm giun ở trẻ em thường gặp ở các nước đang phát triển, và nước ta có khí hậu nóng, ẩm thuận lợi cho mầm bệnh giun sán phát triển quanh năm.

Đa số bệnh giun sán ở người có nguồn gốc từ thú nuôi, thú hoang dã và các yếu tố nguy cơ: Đời sống kinh tế xã hội, tập quán canh tác, tập quán vệ sinh, vệ sinh môi trường... nên bệnh giun sán là một trong những bệnh phổ biến nhất ở nước ta.

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà mỗi người bệnh sẽ có bệnh cảnh lâm sàng khác nhau: chán ăn, khó ngủ, khóc đêm, nổi mày đay, đau bụng, đau đầu, ăn không ngon,… Nặng hơn có thể gây thiếu máu, chậm lớn, xuất huyết tiêu hóa, viêm màng não, ….

Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ đã tầm soát được: Toxocara (giun đũa chó, mèo), strongyloides stercoralis (giun lươn), echinococcus granulosus (sán dây chó), Fasciola hepatica (sán lá gan lớn), trichinella spiralis (giun xoắn), soi phân tươi tìm trứng giun, sán (đế chẩn đoán nhiễm giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc)

Biện pháp phòng ngừa nhiễm giun sán ở trẻ:

Thực hiện ăn chín uống sôi, rau sống cần rửa sạch trước khi ăn

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi cho trẻ ăn, sau khi vệ sinh cho trẻ, sau khi chơi đùa với chó, mèo

Giữ vệ sinh cá nhân, cắt móng tay, móng chân ngắn, không để trẻ đi chân đất

Phân của trẻ có giun cũng cần phải được xử lý, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Đối với trẻ nhỏ, không để trẻ lê la dưới đất, nhất là không mặc quần thủng đít.

Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.

Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân.

Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo.

 


PV
Ý kiến của bạn