Vì sao viêm họng cấp?
Viêm họng cấp là viêm niêm mạc họng trong thời gian dưới 4 tuần. Tác nhân phổ biến nhất gây viêm họng là virut (Adenovirus, Coronavirus, Enterovirus, Rhinovirus, RSV, Epstein-Barr virus, herpes simplex virus, metapneumovirus) và liên cầu tan máu bêta nhóm A (GABHS). Các vi khuẩn có thể gây viêm họng bao gồm liên cầu C, Arcanobacterium haemolyticum, Francisella tularensis, Mycoplasma pneumoniae, lậu cầu và bạch hầu. Trong các loại vi khuẩn thì liên cầu bêta nhóm A gây viêm họng khá nguy hiểm vì có thể dẫn đến biến chứng thấp tim, thấp khớp, viêm thận.
Viêm họng do virut thường xảy ra vào mùa thu, đông và xuân. Viêm họng do liên cầu ít gặp ở trẻ dưới 2-3 tuổi, thường gặp nhất ở trẻ 5-7 tuổi, sau đó giảm dần ở trẻ vị thành niên và người lớn. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông - xuân và nguồn lây thường là anh chị em trong nhà hoặc bạn học trong lớp. Viêm họng do liên cầu C và liên cầu tan máu nhóm A thường gặp ở trẻ vị thành niên và người lớn.
Lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm họng ở trẻ
Điều trị viêm họng rất quan trọng. Nếu để viêm họng kéo dài hơn 10 ngày và không được điều trị hợp lý dễ gây nên các biến chứng (nhất là vào tuần thứ 2, thứ 3) như: thấp khớp, thấp tim, viêm cầu thận cấp, viêm tấy quanh amidan, viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm hạch mủ, nhiễm trùng huyết.
Khám phát hiện viêm họng cấp ở trẻ.
Viêm họng do virut
Phần lớn các viêm họng cấp ở trẻ em là do virut gây ra. Đến nay, chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với viêm họng do virut. Có thể cho paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt và giảm đau họng. Trẻ lớn có thể ngậm nước muối ấm để làm giảm đau họng.
Thông thường thì không cần dùng kháng sinh trong điều trị viêm họng do virut vì kháng sinh không có tác dụng đối với virut. Các thuốc kháng virut là không thực sự cần thiết, trừ một vài đợt dịch virut cúm nguy hiểm tỷ lệ biến chứng cao. Viêm họng virut thông thường chỉ cần dùng các thuốc điều trị triệu chứng: hạ sốt, bù nước và điện giải do sốt cao mất nước, giảm ho, dinh dưỡng tốt, trẻ cần được nghỉ ngơi, cách ly. Bệnh sẽ ổn định sau 5-7 ngày.
Tuy nhiên cần cảnh giác với biến chứng của loại viêm họng này như: viêm phổi do virut, viêm não màng não hoặc bội nhiễm dẫn đến viêm mũi họng do vi khuẩn sau đợt viêm do virut, từ đó có thể dẫn đến bội nhiễm viêm phổi, viêm phế quản. Vì vậy, nguyên tắc chung điều trị viêm họng do virut là điều trị triệu chứng và theo dõi sát đề phòng các biến chứng.
Viêm họng do liên cầu
Hầu hết các đợt viêm họng do liên cầu có thể tự lành trong vài ngày mà không cần điều trị. Nếu phải dùng kháng sinh thì tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra cần phối hợp với điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng, chú ý bù nước và điện giải khi có sốt cao kéo dài. Nếu sau khi uống thuốc theo toa vẫn chưa đỡ, sau 24 - 48 giờ, bệnh không thuyên giảm thì cần nhập viện để theo dõi và điều trị.
Việc điều trị kháng sinh sớm có thể giúp bệnh nhanh lành hơn trong 12-24 giờ. Ưu điểm rõ nhất của việc điều trị kháng sinh là dự phòng được thấp tim cấp. Lưu ý sử dụng kháng sinh ngay mà không cần chờ kết quả cấy nếu trẻ có biểu hiện viêm họng, test nhanh phát hiện kháng nguyên liên cầu dương tính, lâm sàng có biểu hiện bệnh tinh hồng nhiệt, tiếp xúc với người trong gia đình bị viêm họng do liên cầu, tiền sử bị thấp tim cấp hoặc gần đây có người trong gia đình bị thấp tim cấp.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tránh lạm dụng kháng sinh trong viêm họng. Điều này không chỉ giúp trẻ khỏe mạnh, nhanh khỏi bệnh mà còn làm giảm nguy cơ kháng kháng sinh cho bản thân trẻ và cộng đồng. Hết sức lưu ý viêm họng ở các trẻ sơ sinh, đẻ non, suy dinh dưỡng và mắc bệnh tim bẩm sinh vì đây là đối tượng sức đề kháng yếu, dễ xảy ra các biến chứng do viêm họng gây ra như viêm phổi, viêm phế quản phổi, viêm não, màng não, nhiễm trùng máu.
Để phòng tránh viêm họng cấp, nên lưu ý: vệ sinh họng, răng, miệng hằng ngày; khi mắc bệnh răng, miệng, xoang, mũi... phải điều trị dứt điểm tránh để mầm bệnh tồn tại và lây lan vào gây viêm họng; nếu dùng thuốc, phải thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc theo đơn, đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian, không được tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị; đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường để tránh khói bụi; uống nhiều nước, tốt nhất là nước đun sôi để nguội; tránh cho trẻ uống nước quá lạnh hoặc quá nóng hay có thói quen ngậm kẹo, hay ăn kem; rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ còn bú mẹ, cần thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng cân bằng đủ dưỡng chất và tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh.