Vitamin A liều cao chỉ là giải pháp tạm thời
Theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng, do bữa ăn hiện nay của trẻ chưa đảm bảo đủ lượng Vitamin A cần thiết nên hàng năm trẻ được uống bổ sung Vitamin A (viên nang Vitamin A liều cao). Đây chỉ là liều bổ sung chứ chưa thể bảo đảm đủ hoàn toàn lượng Vitamin A cho cơ thể, mỗi liều Vitamin A bổ sung chỉ có thể bảo vệ cho trẻ bình thường khỏi thiếu Vitamin A trong khoảng 3-4 tháng, chưa kể nếu trẻ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn (sởi, tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp cấp) và suy dinh dưỡng thì nhu cầu Vitamin A sẽ còn cao hơn. Vì vậy mặc dù đã được uống Vitamin A theo chiến dịch, vẫn cần cho trẻ ăn các thực phẩm có Vitamin A.
Cũng cần xác định rõ rằng uống Vitamin A liều cao chỉ là giải pháp bổ sung tạm thời, cơ bản vẫn là cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Mục đích cho trẻ uống Vitamin A liều cao trong các đợt chiến dịch nhằm đề phòng thiếu Vitamin A, vì hiện nay tình trạng thiếu Vitamin A vẫn đang tồn tại ở trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Nguyên nhân chính gây thiếu Vitamin A là do bữa ăn của trẻ không có đủ Vitamin A, β-Caroten (tiền Vitamin A) cũng như các chất dinh dưỡng khác (dầu, mỡ, chất đạm…).
Về lý thuyết, khi trẻ đã ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng trong đó có đủ Vitamin A thì không nhất thiết phải cho trẻ uống Vitamin A liều cao. Tuy nhiên theo số liệu đánh giá gần đây thì trẻ em Việt Nam vẫn nằm trong vùng có nguy cơ thiếu Vitamin A, tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng còn cao. Mặt khác tình trạng Vitamin A còn có mối liên quan chặt chẽ với miễn dịch, tử vong và suy dinh dưỡng của trẻ, chính vì vậy mà Uỷ ban tư vấn quốc tế về Vitamin A đã khuyến cáo rằng: ở nơi nào còn có suy dinh dưỡng thì vẫn cần cho trẻ uống Vitamin A liều cao. Ở Việt Nam việc tổ chức cho trẻ uống Vitamin A liều cao vẫn cần được thực hiện trong những năm tới, chừng nào tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn là vấn đề của xã hội.
Vì những lý do trên, mặc dù trẻ được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhưng nếu ở địa phương có tổ chức chiến dịch uống Vitamin A cho trẻ dưới 36 tháng thì nên đưa trẻ đi uống Vitamin A liều cao một năm hai lần.Vitamin A bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô da, giác mạc mắt, niêm mạc. Vitamin A tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Vitamin A giữ vai trò tăng trưởng và nhân lên của tế bào nên nó cũng rất cần thiết cho quá trình phát triển, đặc biệt là cần cho sự phát triển của phôi thai và trẻ em. Vitamin A là một loại vitamin tan trong chất béo (dầu/mỡ), không tan trong nước.
Bổ sung vitamin A theo từng giai đoạn của trẻ
Trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi dễ có nguy cơ bị thiếu vitamin A do nhu cầu tăng cao nhưng khẩu phần ăn thiếu hụt hoặc rối loạn hấp thu. Nhu cầu của trẻ cao gấp 5 – 6 lần người lớn tính theo kg cân nặng. Ngoài ra khi trẻ bị bệnh như: sởi, thủy đậu, viêm phế quản, lao, … thì nhu cầu vitamin A tăng trong thời gian bị bệnh mà thức ăn không đủ cung cấp gây thiếu vitamin A. Trong thời kỳ bé bú mẹ, sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A chính, nếu mẹ thiếu vitamin A sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là bé cũng thiếu vitamin này. Giai đoạn trẻ ăn dặm và sau này, nếu bữa ăn bổ sung không đa dạng, các thực phẩm không nhiều vitamin A và lượng mỡ hoặc dầu thiếu dẫn tới không hấp thu được vitamin A trong khẩu phần, dẫn tới không cung cấp đủ hàm lượng vitamin A cần thiết.
Cần bổ sung vitamin A thông qua việc đa dạng hóa bữa ăn hàng ngày cho trẻ, cân bằng các thành phần dinh dưỡng, đặc biệt chú trọng các thực phẩm như: gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, pho mát, rau muống, rau ngót, rau cải xanh, bí đỏ, cà rốt, xoài,… Song song là bổ sung đầy đủ chất béo tạo điều kiện cho quá trình hấp thu vitamin A.
Bà mẹ sinh con cần được uống vitamin A liều cao/ 1 viên 200.000 đơn vị quốc tế (IU) trong vòng 1 tháng sau khi sinh để cung cấp cho trẻ qua sữa mẹ. Với trẻ em, cần được bổ sung liều cao theo qui định của chương trình. Liều lượng như sau:
+ Trẻ < 6 tháng không được bú sữa mẹ: Uống 50.000 IU vitamin A x 1 lần duy nhất
+ Trẻ từ 6 – 12 tháng: cho uống 100.000 IU vitamin A x 1 lần duy nhất.
+ Trẻ trên 1 tuổi: Cứ 6 tháng cho uống 200.000 IU vitamin A.
Ngoài ra, hiện nay có một số loại thực phẩm được tăng cường vitamin A như: đường, sữa, dầu ăn. Biện pháp này mang lại hiệu quả cao vì bao phủ được phần lớn các đối tượng nguy cơ thiếu vitamin A, nhưng vẫn chưa được cộng đồng sử dụng rộng rãi.
Do Việt Nam vẫn là nước có mức độ thiếu vitamin A có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, các loại thực phẩm tự nhiên và thực phẩm có tăng cường vitamin A vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vitamin A ở trẻ em, do đó biện pháp bổ sung vitamin A liều cao cho các đối tượng (như trên) vẫn được xem là một biện pháp can thiệp cộng đồng hiệu quả nhất hiện nay. Vì vậy, các bà mẹ sau sinh và trẻ em từ 6 đến 36 tháng, trẻ em dưới 5 tuổi (ở 22 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao) cần được uống bổ sung vitamin A liều cao 2 lần/năm (đợt 1: ngày 1-2/6; đợt 2: tháng 12).
Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với phụ nữ có thai. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy khi phụ nữ có thai bị thiếu Vitamin A có nguy cơ cao đẻ non tháng, hoặc đẻ con có cân nặng thấp. Vì vậy cần đáp ứng đủ nhu cầu Vitamin A cho phụ nữ khi mang thai, nhu cầu Vitamin A cần đưa vào cơ thể là 800 mcg/ ngày. Ở Việt Nam, lượng Vitamin A trong khẩu phần của phụ nữ có thai ăn vào hàng ngày còn thiếu một nửa so với nhu cầu.
Để phòng chống thiếu Vitamin A trong thời kỳ này, phụ nữ có thai cần tăng cường sử dụng các thức ăn nguồn động vật (thịt, cá, trứng, sữa) và các thức ăn giàu chất tiền Vitamin A (được gọi là Beta Caroten) có trong các thức ăn nguồn thực vật như các loại lá màu xanh thẫm (rau ngót, rau muống, rau giền, rau bí...), quả chín có màu vàng da cam như đu đủ, xoài, mít, hồng hoặc củ quả có màu đỏ, vàng da cam như cà chua, bí đỏ, khoai lang nghệ... Thức ăn đa dạng, phong phú thực phẩm không những cung cấp Vitamin A cho cơ thể mà còn cung cấp các chất dinh dưỡng khác đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng còn thiếu ở phụ nữ có thai.
Phụ nữ có thai tuyệt đối không được uống Vitamin A liều cao (từ 100.000 đến 200.000 đơn vị của chương trình phòng chống bệnh thiếu Vitamin A đã và đang triển khai ở Việt Nam) dễ gây dị dạng thai nhi.