Hà Nội

Trẻ tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem tại Hải Dương do sốc nhiễm khuẩn

02-11-2015 07:26 | Thời sự
google news

SKĐS - Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, BV Nhi Trung ương và Sở Y tế Hải Dươngđã họp và đánh giá toàn bộ quy trình tiêm chủng, khám sàng lọc cũng như quy trình tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vắc xin. Hội đồng kết luận trẻ tử vong do sốc nhiễm khuẩn trên nền nhiễm khuẩn huyết, không có bằng chứng liên quan đến vắc xin và quy trình tiêm chủng.

Đây là kết luận được Hội đồng tư vấn chuyên môn đưa ra chiều 1-11 sau buổi họp để đánh giá toàn bộ quy trình tiêm chủng, nguyên nhân tử vong của cháu Nguyễn Ngọc Tường V. 4 tháng tuổi (địa chỉ tại xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem mũi hai và uống vắc xin phòng bại liệt lần hai ở Trạm Y tế xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương.

Bộ Y tế cho biết, Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, BV Nhi Trung ương và Sở Y tế Hải Dương đã họp và đánh giá toàn bộ quy trình tiêm chủng, khám sàng lọc cũng như quy trình tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vắc xin.

Hội đồng kết luận trẻ tử vong do sốc nhiễm khuẩn trên nền nhiễm khuẩn huyết, không có bằng chứng liên quan đến vắc xin và quy trình tiêm chủng.

Theo hội đồng chuyên môn, cán bộ tiêm chủng cũng đã thực hành đúng quy định về quy trình tiêm chủng của Bộ Y tế. Quy trình từ vận chuyển vắc xin, khám phân loại, thực hiện tiêm chủng đúng 50 cháu/buổi, có các bác sĩ có chuyên môn, đã được tập huấn và cấp chứng chỉ về tiêm chủng. Cùng buổi tiêm với trẻ V. có 17 trẻ được tiêm, tất cả các cháu đều khỏe mạnh.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đây là trùng lặp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có; tại thời điểm tiêm đang trong giai đoạn ủ bệnh nên trẻ không có biểu hiện sốt hay bất thường khi khám sàng lọc trước tiêm. Hiện tại 100% các điểm tiêm chủng buộc phải có hộp chống sốc để kịp thời xử trí các tình huống sốc phản vệ và các tình huống cấp cứu khác.

Tiêm chủng giúp hàng triệu trẻ em được bảo vệ sức khỏe

Tiêm chủng giúp hàng triệu trẻ em được bảo vệ sức khỏe

Bộ Y tế cũng khẳng định vẫn tiêp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ tai biến nặng do vắc xin Quinvaxem thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo đó, tỷ lệ tai biến nặng sau tiêm ở Việt Nam là 4,5/1 triệu liều, trong khi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 20/1 triệu liều. Đến nay, cả nước đã có 3,5 triệu lượt trẻ được tiêm vắc xin Quinvaxem.

Trước đó sáng 25.10 bé Tường V. được mẹ đưa ra trạm y tế xã tiêm vắc xin Quinvaxem mũi 2 và uống vắc xin phòng bại liệt lần 2. Sau khi tiêm xong 30 phút không thấy bé có biểu hiện bất thường nên các y bác sĩ cho về nhà. Sáng 26.10, cháu V.. có biểu hiện sốt và nôn, y tế xã đã cho uống thuốc, hướng dẫn người nhà tiếp tục theo dõi sức khỏe cho bé. Chiều cùng ngày, cháu sốt trên 37 độ C, thở gấp, vùng hai bên mông và chân có nổi vân tím nên y tế xã đã để nghị gia đình chuyển cháu đến BV Đa khoa huyện Tứ Kỳ để điều trị, sau đó chuyển lên BV Nhi Hải Dương.

Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu có biểu hiện suy gannhiễm trùng. BV hội chẩn kết luận cháu bị suy đa tạng sốc nhiễm khuẩn nặng và cấp cứu tích cực nhưng sáng 27.10 bé V. tử vong.

Thái Bình

 

 


Ý kiến của bạn