Trẻ tử vong không do vaccin và thực hành tiêm chủng

23-03-2014 21:18 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo ông Phu, ngày 20/3/2014, tại Bắc Giang đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong sau tiêm chủng vaccin Quinvaxem.

Liên quan đến trường hợp cháu V.Đ.T.V., sinh tháng 10/2013 ở Lục Nam (Bắc Giang) bị tử vong sau khi tiêm vaccin Quinvaxem, trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS ngày 23/3, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, đánh giá ban đầu của Hội đồng chuyên môn tỉnh Bắc Giang kết luận cháu V. tử vong do có tiền sử bệnh tim và thiếu máu, không phải do nguyên nhân vaccin và thực hành tiêm chủng.

Trẻ có bệnh lý tim bẩm sinh và thiếu máu

Theo ông Phu, ngày 20/3/2014, tại Bắc Giang đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong sau tiêm chủng vaccin Quinvaxem. Trước đó, trẻ được tiêm vaccin Quinvaxem mũi 1 lúc 10 giờ ngày 19/3/2014 tại Trạm y tế thị trấn Lục Nam. Sau tiêm chủng 17 giờ trẻ tử vong với chẩn đoán trụy tim mạch, suy hô hấp độ III. Sau khi nhận được thông tin, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã chỉ đạo ngay Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Sở Y tế tỉnh Bắc Giang và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức điều tra, đánh giá nguyên nhân tại thực địa.

Trước khi tiêm chủng, gia đình cần kể rõ tiền sử bệnh của con mình cho cán bộ y tế. Ảnh: Trần Minh

Ngày 21/3/2014, ngành y tế Bắc Giang đã tổ chức họp Hội đồng đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vaccin, sinh phẩm y tế tỉnh đã họp dưới sự chủ trì của Giám đốc Sở Y tế cùng với sự tham gia của đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương. Qua kết quả điều tra, đánh giá tại thực địa cho thấy, quy trình tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vaccin đúng quy định, cán bộ tiêm chủng đã thực hiện đúng các quy định về thực hành tiêm chủng. Đồng thời, các bằng chứng về lâm sàng và cận lâm sàng (Xquang tim phổi, xét nghiệm máu,...) phát hiện bé V. có bệnh lý tim bẩm sinh và thiếu máu.

Theo thống kê từ tháng 10/2013 đến nay đã có 4 trường hợp tử vong sau tiêm vaccin Quinvaxem. Tuy nhiên cho đến nay tất cả các trường hợp tử vong đều nghi do bệnh trùng lặp phản ứng quá mẫn với vaccin mà chưa có trường hợp nào do liên quan đến vaccin.

“Né” tiêm chủng: Dịch bệnh tái xuất

Theo cơ quan chức năng, tính chung cả năm 2013, trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 3 mũi vaccin Quinvaxem chỉ đạt 56%/tổng số trẻ trong độ tuổi. Ba tháng đầu năm 2014, theo thông tin từ nhiều địa phương vẫn có khá nhiều trẻ không tiêm chủng, nên chương trình đang lo lắng làm sao để nâng thêm được số các cháu đến tiêm ngừa, bởi bài học bỏ tiêm chủng vaccin sởi đã khiến dịch sởi xuất hiện ngay trong những tháng cuối năm 2013 đầu 2014 ở nhiều địa phương.

Liên quan đến việc tiêm chủng vaccin Quinvaxem, ông Trần Đắc Phu cho biết, ngành y tế đang tích cực nâng cao chất lượng tiêm chủng. Do đó, cùng với nhiều giải pháp đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường nhân lực... phục vụ công tác tiêm chủng nói chung, tiêm chủng vaccin Quinvaxem nói riêng, ngành y tế đã có hướng dẫn với các trường hợp có chỉ định tạm hoãn tiêm chủng do đang ho, sốt, thiếu cân thì sẽ được khám sàng lọc lại và có thể được chỉ định tiêm ngừa trong lần tiêm chủng kế tiếp. Riêng các trường hợp có cơ địa dị ứng, cha mẹ có tiền sử dị ứng... chống chỉ định với tiêm ngừa Quinvaxem thì sẽ không tiêm ngừa vaccin này mà có thể sử dụng vaccin khác phù hợp hơn. Trẻ có bệnh tim mạch, não hoặc các bệnh nguy hiểm khác có chống chỉ định tiêm vaccin sẽ không được chỉ định tiêm Quinvaxem và các vaccin thay thế. “Quan trọng là chỉ định của cán bộ y tế ở các điểm tiêm ngừa, cha mẹ cần kể rõ với cán bộ y tế về tiền sử của con mình, các bệnh từng mắc hoặc bệnh của cha mẹ để họ có chỉ định phù hợp” - ông Phu khuyến cáo.

Ông Phu cho biết thêm, theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định đền bù cho các trường hợp tai biến vaccin do lỗi vaccin, lỗi dịch vụ tiêm chủng... Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn thực hiện quy định này nên Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính xây dựng nghị định về tiêm chủng, trong đó hướng dẫn cách thức ứng xử với những trường hợp gặp tai biến nặng sau tiêm, những trường hợp tai biến như thế nào được gọi là tai biến nặng và đền bù ra sao...

Bảo Nguyên

Báo cáo của Hội đồng tư vấn chuyên môn cho biết: Tại buổi tiêm chủng ở thị trấn, 33 trẻ khác tiêm, 38 trẻ khác uống vaccin cùng loại nhưng không ghi nhận trường hợp phản ứng. Ngoài ra, trong tháng 3/2014, có 1.573 liều vaccin Quinvaxem được cấp cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong huyện Lục Nam, trong đó đã sử dụng 1.545 liều nhưng ngoài bé V., không có ca phản ứng.

N. Hồng

 


Ý kiến của bạn