Trẻ tử vong do sặc cháo: Nếu biết cách cấp cứu kịp thời có thể cứu mạng trẻ

27-09-2017 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việc sặc nghẹn thức ăn là một trong những sự cố dễ mắc phải đối với trẻ nhỏ, đặc biệt ở dưới 2 tuổi. Nguy hiểm ở chỗ việc sặc thức ăn có thể dẫn đến tử vong đối với các em nhỏ nếu không được kịp thời sơ cấp cứu

 

Trường hợp của bé N.T.B.T 9 tháng tuổi  (tạm trú ở TP Hồ Chí Minh) vừa bị sặc cháo và tử vong ngày 24/9 khiến chúng ta đều hết sức đau lòng. Qua trường hợp đáng tiếc này, các chuyên gia cho hay, nếu trong tình huống này, cháu được cấp cứu tại nhà trẻ kịp thời, có thể tính mạng cháu đã được cứu sống.

Trước đó, khoảng 15h30 chiều ngày 23/9, sau khi bé T. được bảo mẫu cho ăn cháo xong có những biểu hiện khó thở nên bảo mẫu là bà T. lấy tay ấn mạnh vào bụng bé cho cháo sặc ra ngoài. Sau đó, cháu T. bỗng  tím tái và được chuyển khẩn cấp vào bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu. Các bác sĩ cho biết, bé T. nhập viện đã trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, tuy nhiên các bác sĩ bệnh viện quận Thủ Đức vẫn nỗ lực bằng mọi cách để có thể  cứu chữa bé và cho bé thở máy để duy trì hô hấp. Tuy nhiên đến trưa ngày 24/9, bé T. đã không qua khỏi.

Dù được các bác sĩ bệnh viện quận Thủ Đức tích cực cứu chữa nhưng bé gái 9 tháng tuổi không qua khỏi. Nguyên nhân cái chết của cháu bé được xác định là do sặc cháo.

Đến 18h chiều ngày 24/9, sau khi thực hiện xong việc khám nghiệm tử thi, Đội CSĐT Tổng hợp Công an quận Thủ Đức đã bàn giao thi thể bé N.T.B.T. cho gia đình lo hậu sự.

Theo thông tin ban đầu, ba mẹ bé T. làm công nhân và thuê nhà trọ trên địa bàn phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Hàng ngày, bé T. được mẹ gửi cho người phụ nữ tên Tr. (ở đường số 15, khu phố 5 cùng phường) trông giữ để 2 vợ chồng đi làm.

Trước đó, tháng 5/2017, tại thành phố Quy Nhơn đã xảy ra một vụ trẻ 2 tuổi khi đang ăn cháo tại nhà trẻ bị sặc cháo dẫn đến tử vong. Bé được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Bình Định cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Cũng trong tháng 5, tại Hà Nội đã xét xử vụ hai bảo mẫu mắc tội vô ý làm chết người liên quan đến cái chết của bé 1 tuổi do bị sặc cháo ở một trường mầm non tại quận Long Biên. Tháng 4/2016, Công an huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh đã điều tra vụ một bé gái 1 tuổi bị sặc cháo tử vong tại một điểm giữ trẻ tư nhân không phép trên địa bàn.

Năm nào báo chí cũng nhắc đến vài vụ tử vong do sặc cháo ở lứa tuổi mầm non. Sự cố này đã trở thành thủ phạm của nhiều cái chết thương tâm ở trẻ.

Theo các chuyên gia, trong trường hợp trên, bảo mẫu đã  dùng thủ thuật bằng tay nhưng có thể thất bại trong việc tạo áp lực, giải phóng đường thở cho cháu bé do lúng túng và thao tác cấp cứu bằng tay chưa đúng.

Trong trường hợp này, trẻ có thể đã được cứu sống nếu có thiết bị cấp cứu sặc cháo, sữa được nhà trường trang bị sẵn để giúp bé kịp thời.

Trường hợp không có dụng cụ cấp cứu

Bước 1: Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai, hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.

Bước 2: Nếu bé vẫn tím tái, các mẹ thực hiện ngay bước này. Lật bé nằm ngửa bằng cách đỡ đầu trẻ và kẹp giữa 2 đầu gối, đầu thấp hơn thân. Dùng 2 ngón tay trỏ và giữa của bàn tay phải ấn mạnh vùng dưới xương ức 5 lần. Quan sát vùng họng và mũi bé, nếu có sữa, thì hút sạch. Nếu sữa, cháo không chảy ra vẫn cần kiểm tra và hút sạch việc này cần làm sớm để tránh sữa, cháo không ứ đọng trong mũi, miệng trẻ.

Bước 3: Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở. Và đừng quên nhờ người trợ giúp gọi 115 ngay khi có thể.

Bước 4: Nếu trẻ hồng hào, chuyển đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để bác sĩ tiếp tục theo dõi.

Các bước thực hiện cấp cứu sặc nghẹn bằng dụng cụ cấp cứu sặc nghẹn Dechoker:

Thiết bị cấp cứu sặc nghẹn là một thiết bị hút cầm tay có áp lực lên tới 35kPa đủ để giải phóng dị vật ra khỏi đường thở chỉ trong vòng 3-5 giây.

Bước 1: Lấy Dechoker (một dụng cụ cấp cứu sặc nghẹn) từ hộp, kéo thử một hoặc hai lần trước khi sử dụng.
Bước 2: Đặt bệnh nhân nằm ngửa, hai tay úp trước ngực, nghiêng đầu, nâng cằm lên để có thể tiếp cận vào khí quản.
Bước 3: Đưa ống vào trong miệng bệnh nhân, đặt mặt nạ phủ kín miệng và mũi không quá 3 giây.
Bước 4: Đặt ngón tay cái ở phía dưới cằm và ngón trỏ ở trên một bên của mặt nạ, ngón giữa giữ bên trên.
Bước 5: Sử dụng áp lực nhẹ, bắt đầu kéo pittong lên. Lặp lại từ 4-5 lần nếu cần thiết.
Bước 6: Chú ý không bao giờ để mặt nạ che miệng và mũi quá 3 giây tại bất kỳ thời điểm nào. Đếm ngược 3, 2, 1.
Bước 7: Nâng bệnh nhân nằm nghiêng về một bên để dị vật đưa ra khỏi miệng và tránh bị hút vào phổi.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn