Trẻ từ 15 tuổi có hành vi nguy cơ nên được trang bị kiến thức về HIV

06-12-2024 08:13 | Xã hội
google news

SKĐS - Trẻ em hiện nay phát triển nhanh hơn về thể chất, tâm sinh lý, dậy thì sớm …, có em 14-15 tuổi đã có quan hệ tình dục. Cùng với sự phát triển của xã hội, trẻ sớm tiếp cận với mạng xã hội, giao lưu, kết nối khiến trẻ đối mặt với nguy cơ nhiễm HIV nếu không được trang bị kiến thức, thông tin về HIV.

Trẻ có quan hệ tình dục sớm dẫn tới nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhất là khi các em chưa có thông tin về HIV và cả kiến thức để bảo vệ sức khoẻ sinh sản cho bản thân.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), năm 2023 trên thế giới có 96.000 trẻ em gái và 41.000 trẻ em trai trong độ tuổi 15-19 bị nhiễm HIV mới. So với người trưởng thành nhiễm HIV, số trẻ em dưới 14 tuổi và thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi được tiếp cập với thuốc điều tri còn thấp. Cụ thể, có khoảng 77% người trưởng thành nhiễm HIV được tiếp cận với liệu pháp kháng virus (ARV), nhưng chỉ có 57% trẻ em dưới 14 tuổi và 65% thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi được tiếp cận với loại thuốc điều trị căn bệnh này. Đa số nguyên nhân là do các em không biết về tình trạng lây nhiễm HIV của mình.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, số trẻ em nhiễm HIV độ tuổi 15-16 được phát hiện năm 2019 tăng gần 3 lần so với năm 2011. Từ đầu năm đến nay, trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 82,9% là nam giới, độ tuổi từ 15 - 29 chiếm 40%.

Trẻ từ 15 tuổi có hành vi nguy cơ nên được trang bị kiến thức về HIV- Ảnh 1.

Xét nghiệm là cách xác định có bị lây nhiễm HIV hay không.

Trẻ từ 15 tuổi được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV

Hiện nay, rất ít trường hợp cha mẹ biết con có nguy cơ lây nhiễm HIV để đưa con đi xét nghiệm vì trẻ ở độ tuổi này thường không dám thông báo cho bố mẹ hoặc người giám hộ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn.

Thực tế, đã xuất hiện tình trạng trẻ 14-15 tuổi có quan hệ tình dục, thậm chí quan hệ tình dục đồng giới. Thêm vào đó là vấn đề ma túy, chất kích thích len lỏi vào trường học, khiến trẻ không làm chủ được bản thân, dễ rơi vào quan hệ tình dục sớm hoặc quan hệ tình dục không an toàn.

Trẻ từ 15 tuổi có hành vi nguy cơ nên được trang bị kiến thức về HIV- Ảnh 2.

ThS.BS. Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

ThS.BS. Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, theo Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV, thay vì đủ 16 tuổi trở lên như quy định trước đây.

Giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV phù hợp với thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ ở Việt Nam, tạo điều kiện cho trẻ vị thành niên chủ động trong việc xét nghiệm để phát hiện HIV sớm, điều trị sớm đảm bảo sức khỏe của trẻ, giảm lây nhiễm HIV cho người khác trong cộng đồng. Đồng thời, cũng bảo đảm quyền của trẻ em được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.

Sau khi trẻ từ 15 tuổi trở lên có kết quả xét nghiệm phát hiện HIV dương tính thì được thông báo đến cha mẹ hoặc người giám hộ để biết và kịp thời hỗ trợ, đưa trẻ đi điều trị.

Làm sao để tiếp cận, cung cấp dịch vụ HIV cho nhóm trẻ từ 15 tuổi trở lên?

Truyền thông, tư vấn về HIV tại chính trường học, lồng ghép với các hoạt động tư vấn và hướng dẫn về giới tính cho học sinh. Đặc biệt cần cung cấp các nguồn tài liệu khoa học cập nhật và đáng tin cậy cho người học.

Đặc biệt, cần tạo ra những không gian thân thiện và an toàn để học sinh có thể thoải mái thảo luận về các vấn đề liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản mà không cảm thấy xấu hổ hoặc bị phán xét.

Bên cạnh việc đưa kiến thức về HIV vào các nội dung truyền thông giáo dục sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính cho học sinh các trường THCS và THPT, một trong những cách thức là tiếp cận, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho chính đối tượng này. 

ThS.BS Hoàng Nam Thái, Phó trưởng ban Dự phòng và Điều trị HIV, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ rằng, có những cuộc trao đổi, tư vấn mà các em học sinh không ngần ngại xin các test xét nghiệm để làm. "Điều này chứng tỏ không phải trẻ không có nhu cầu.", ThS.BS Thái cho biết.

Vấn đề đặt ra là những người đi tư vấn cần có cách tiếp cận thế nào để trẻ độ tuổi này có thể tâm sự, sẻ chia những mong muốn, nguyện vọng của mình.

Theo ThS.BS. Hoàng Nam Thái, đối với dịch vụ HIV nói chung, nguyên tắc riêng tư và bảo mật được đặt lên hàng đầu. "Mọi khách hàng dù là ai, ở độ tuổi nào cũng được bảo mật về nhân thân, nguyên nhân, hành vi nguy cơ… Đối với các khách hàng ở độ tuổi vị thành niên, điều này còn quan trọng hơn", ThS.BS Hoàng Nam Thái nói. 

Với các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ cho vị thành niên, điều kiện bắt buộc là phải có không gian riêng tư tuyệt đối để tư vấn xét nghiệm cho vị thành niên. Hoặc tư vấn tự xét nghiệm, họ có thể xét nghiệm và biết kết quả của mình.

Trẻ từ 15 tuổi có hành vi nguy cơ nên được trang bị kiến thức về HIV- Ảnh 3.

ThS.BS. Hoàng Nam Thái nhấn mạnh: "Với các bạn ở độ tuổi thanh thiếu niên, các nhân viên tư vấn, cán bộ y tế cần phải có kỹ năng phỏng vấn tạo động lực. Đây là kỹ năng hàng đầu cần có để có thể chia sẻ với các đối tượng thanh thiếu niên".

Nếu xét nghiệm và phát hiện được HIV sớm, người bệnh được điều trị bằng ARV sớm, tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện, người bệnh sẽ không còn nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Như vậy mới kiểm soát được nguồn lây, không có nguy cơ lan truyền ra cộng đồng.

Ngược lại, xét nghiệm sớm và phát hiện HIV âm tính, người bệnh cũng được tiếp cận với dịch vụ điều trị dự phòng chủ động PrEP (nếu có hành vi nguy cơ) để bảo vệ họ không mắc HIV trong tương lai. 

Trao đổi với phóng viên ThS.BS Hoàng Nam Thái cho rằng: "Một điểm quan trọng khác mà chúng ta cần cân nhắc là điều chỉnh các chính sách để thanh thiếu niên từ 15 đến dưới 18 tuổi có thể tiếp cận và sử dụng PrEP để phòng ngừa HIV mà không cần sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ".

Đưa kiến thức về HIV vào trường học sao cho hiệu quả?Đưa kiến thức về HIV vào trường học sao cho hiệu quả?

SKĐS - Lồng ghép kiến thức sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục với kiến thức về HIV/ các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong các tiết học tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để thanh thiếu niên được trang bị kiến thức sớm, chủ động phòng ngừa HIV.

HIV tăng nhanh trong nhóm nam thanh niên, giới trẻ, vì sao?HIV tăng nhanh trong nhóm nam thanh niên, giới trẻ, vì sao?

SKĐS - Tình trạng lây nhiễm HIV đang gia tăng trong nhóm đối tượng nam thanh niên, giới trẻ, nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) ... Điều này có thể là một thách thức cho mục tiêu Chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 của Việt Nam.


Hải Yến
Ý kiến của bạn