ThS.BS Lê Công Thiện - Trưởng phòng trẻ em và Thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai là người đã nhiều năm thăm khám, tư vấn cho các trường hợp trẻ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ông cho rằng, tại Việt Nam, việc quan tâm, chăm sóc con cái, phần lớn là thuộc về các bà mẹ. Tuy nhiên, với một đứa trẻ thì sự quan tâm của cả gia đình là điều vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, tư duy, cách quan tâm, cách hỏi han của ông bà, cha mẹ đến với đứa trẻ là khác nhau.
"Nếu chỉ một mình mẹ hỏi han, quan tâm thì không chắc đã bao quát được hết và đáp ứng đúng điều trẻ cần. Vì vậy, hãy xem việc quan tâm con cái là công việc, phân chia đồng đều. Đừng để đến lúc sự đã rồi, tìm giải pháp khắc phục vô cùng khó" – chuyên gia về sức khỏe tâm thần cho hay.
Có một thực trạng đáng buồn là sự gia tăng các trường hợp trầm cảm, tự sát trong thời gian gần đây ở lứa tuổi còn rất trẻ. BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến - Phòng trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chỉ rõ, lứa tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi từ trẻ em sang giai đoạn trưởng thành được đánh dấu bằng mốc dậy thì. Cùng với đó là sự phát triển về tư duy, nhận thức, sự quan sát, sáng tạo, tự ý thức khẳng định bản thân, trưởng thành về nhân cách, đối mặt các yếu tố stress, học tập, tích lũy các phương thức đối phó stress nhiều nhất.
Theo Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, những vụ việc trẻ vị thành niên tự tử đau lòng vừa qua là tiếng chuông cảnh báo cho tất cả chúng ta cần quan tâm hơn đến cảm xúc, suy nghĩ của con trẻ. Những cảm xúc tiêu cực dồn nén lâu ngày có thể đến từ áp lực học tập, có thể đến từ áp lực trong mối quan hệ với phụ huynh, thậm chí có thể từ áp lực của chính trẻ... Khi bị dồn nén cảm xúc, trẻ sẽ có tâm bệnh. Nếu thiếu sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời từ cha mẹ, thầy cô, nhà chuyên môn, trẻ sẽ có những hành động khó kiểm soát như tự làm đau bản thân, tấn công người khác, tự tử.
"Đây là lúc chúng ta cần bàn về những giải pháp giúp trẻ ngăn ngừa những cái chết tương tự. Cha mẹ, thầy cô cần giảm bớt áp lực học tập cho trẻ, cần học cách kết nối giao tiếp tích cực với các con, tạo ra nhiều niềm vui trong gia đình, trong lớp học, tạo nhiều cơ hội cho trẻ được làm việc phục vụ cộng đồng như chăm sóc trẻ mồ côi, làm từ thiện, bảo vệ môi trường... Khi trẻ tìm được niềm vui, ý nghĩa cuộc sống, trẻ sẽ có mục tiêu phấn đấu, có sự gắn kết với cuộc sống hơn, trân trọng cuộc sống hơn" - chuyên gia này chia sẻ.
Nếu chẳng may rơi vào trầm cảm, trẻ sẽ cảm thấy buồn chán, đau khổ, không có động lực và hứng thú trong cuộc sống. Trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể biểu hiện bởi các triệu chứng không đặc trưng như:
- Sự giảm sút học hành,
- Giảm quan tâm về ngoại hình,
- Thu mình, hạn chế các hoạt động xã hội,
- Dễ cáu gắt, giận giữ,
- Hoặc các hành vi mang tính chống đối như: bỏ học, sử dụng chất kích thích…
Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy, việc tham gia tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho thanh thiếu niên, bên cạnh các bác sĩ, chuyên gia thì sự quan tâm, hỗ trợ từ phụ huynh, giáo viên là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy gia đình, nhà trường cũng cần có kiến thức phát hiện để hỗ trợ cho trẻ về tâm lý, nhận biết các yếu tố nguy cơ từ đó ngăn chặn hành vi tự sát của trẻ. Nhận diện các dấu hiệu bất thường ở trẻ là chìa khóa giúp trẻ vượt qua những vấn đề về tâm lý.
Các bác sĩ cho rằng, có đến 90% các trường hợp có biểu hiện rối loạn tâm thần đều có bộc lộ ít nhất một biểu hiện ra ngoài. Do vậy, các cha mẹ nên giành nhiều thời gian để quan tâm chia sẻ cùng con cái như những người "bạn" của con mình.
Chia sẻ về cách nhận diện và giúp trẻ vượt qua trầm cảm, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nhấn mạnh đến việc cha mẹ phải là người cứu con mình trước khi trông chờ vào các dịch vụ bên ngoài. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho con hơn, trò chuyện để hiểu con hơn. Để chăm sóc và bảo vệ con tốt hơn ngay trong chính môi trường gia đình của mình thì phải trở thành người bạn tin tưởng của con.
"Không phải trẻ nào cô đơn, trầm cảm cũng tự sát. Nhưng việc các em cô đơn và đứt gãy các mối quan hệ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sang chấn về mặt tâm lý và sức khỏe tâm thần. Vì thế, các bậc cha mẹ là tránh để con mình cảm thấy cô đơn và không có ai để chia sẻ, để thấu hiểu trong chính ngôi nhà của mình, gia đình của mình, lớp học của mình.
Bởi lẽ gia đình, nhà trường là môi trường gần trẻ nhất. Nếu gia đình không hiểu con mình, nhà trường, giáo viên không hiểu học sinh của mình thì các em dễ bị sang chấn tâm lý, chệch hướng suy nghĩ và hành động dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc" - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói.
Tự sát là 1/10 trong nguyên nhân tử vong ở mọi lứa tuổi
Trầm cảm là một trong những căn nguyên dẫn đến hành vi tự sát ở mọi lứa tuổi. Theo số liệu thống kê ở Mỹ, tự sát là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở lứa tuổi 10-19 tuổi.
Ở Việt Nam, tự sát là 1/10 nguyên nhân tử vong ở mọi lứa tuổi.
Theo nghiên cứu năm 2012 tại Hà Nội, tỷ lệ có ý tưởng tự sát và toan tự sát lứa tuổi 15-24 là 2,3%. Trong đó, nhóm tuổi 15-19 tuổi ghi nhận tỷ lệ có yếu tố tiền sử và toan tự sát cao hơn nhóm 20-24 tuổi.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hướng dẫn tự khám vú.