PV: Vụ việc youtuber Thơ Nguyễn đưa nội dung phản giáo dục đối với trẻ em trên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc, đứng ở góc độ là một chuyên gia tâm lý-tâm thần trẻ em, BS có nhận định như thế nào về tác động của những thông tin xấu độc tới sức khỏe tâm thần trẻ em?
ThS.BS. Nguyễn Mai Hương: Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý trẻ em và trẻ vị thành niên, trong đó có yếu tố sinh học (gen, đặc điểm khí chất) và yếu tố giáo dục xã hội (môi trường gia đình, trường học, các yếu tố văn hóa…). Giáo dục có vai trò quan trọng trong việc phát triển các đặc điểm tính cách, sự hài hòa trong nhận thức, các mối quan hệ và hành vi cảm xúc. Trẻ nhỏ hấp thu giáo dục qua nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ như từ những người thân trong gia đình, bạn bè, giáo viên, các nhân vật tưởng tượng, những thần tượng là những người nổi tiếng, từ các phương tiện truyền thông giải trí, mạng xã hội. Trong thời đại 4.0 hiện nay, trẻ sống trong một không gian chứa đựng lượng thông tin nhiều hơn bao giờ hết. Trong khi đó, do hạn chế về phát triển nhận thức, trẻ thiếu khả năng phán đoán và chọn lọc thông tin. Vì vậy, khi trẻ xem, nghe những thông tin xấu mà không được kiểm duyệt thì rất có thể sẽ gây hại cho sự phát triển tâm lý, tính cách trẻ. Thông tin xấu làm sai lệch những giá trị nhân văn của cuộc sống, khiến trẻ nhìn nhận thế giới theo những cách tiêu cực. Thông tin bạo lực mang tính kích động, trẻ có thể học theo những cách cư xử hung hăng mà thiếu sự kiềm chế. Đặc biệt, trẻ em thường muốn bắt chước người lớn, rất tò mò về đời sống tính dục. Vậy nên những hình ảnh, lời nói không chuẩn mực về đạo đức có thể khiến trẻ học tập theo mà không biết đó là nguy hiểm, là sai trái. Tất cả những điều này nếu kéo dài, lặp đi lặp lại có thể khiến trẻ lớn lên với những lệch lạc về phát triển các kỹ năng ứng xử xã hội, các mối quan hệ, nhận thức…
Các clip có nội dung độc hại xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội.
PV: Có câu “trẻ nhỏ như tờ giấy trắng”, vậy việc vẽ lên “tờ giấy trắng” ấy nên cẩn thận ra sao và vì sao, thưa bác sĩ?
ThS.BS. Nguyễn Mai Hương: Trẻ em sinh ra và lớn lên trong vòng tay của gia đình. Vì vậy gia đình là môi trường đầu tiên, cũng là môi trường quan trọng nhất định hướng sự phát triển của trẻ. Trẻ được dạy về tính trách nhiệm, cách cư xử phù hợp, về lòng trắc ẩn, được yêu thương, tôn trọng vô điều kiện là những điều cần thiết trong việc vẽ lên “trang giấy trắng” trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời. Tất cả những điều đó trước tiên xuất phát từ phía gia đình. Chúng ta cần lắng nghe trẻ từ trái tim mình, hiểu được những mong muốn và đặc điểm của từng độ tuổi, từ đó sẽ có những hoạt động nuôi dạy trẻ phù hợp. Trong quá trình đó, nếu như trẻ không nhận được sự quan tâm đầy đủ của những người thân, trẻ sẽ cảm thấy đơn độc, trở thành người dễ nghi ngờ, lo lắng quá mức. Trẻ bị xâm hại, bạo hành sẽ lớn lên với những nỗi đau, những sang chấn có thể khiến trẻ hạn chế thể hiện năng lực bản thân, thu mình, hoặc xu hướng chống đối xã hội. Ngược lại, nếu trẻ được đáp ứng quá mức đầy đủ, chiều chuộng quá mức sẽ có thể thiếu vắng tính trách nhiệm, sự tận tâm và chia sẻ khi lớn lên.
Cha mẹ cần thường xuyên tương tác với trẻ, định hướng trẻ tới những điều tốt đẹp.
PV: Trẻ em nhiều khi học và làm theo các hướng dẫn trên mạng xã hội rất nhanh, trong khi nghe theo bố mẹ, thầy cô lại khó khăn. Vì sao lại có tâm lý này? Theo BS., người lớn nên làm gì để tránh cho trẻ những ảnh hưởng độc hại trên mạng xã hội?
ThS.BS. Nguyễn Mai Hương: Mạng xã hội là một thế giới ảo. Nhưng thông tin trên mạng xã hội lại vô cùng đa dạng và có tính hấp dẫn, kích thích lớn với hầu hết trẻ em. Khi trẻ làm theo những hướng dẫn trên mạng, trẻ có cảm giác tự mình làm chủ hoàn toàn với việc mình làm, không bị ai phán xét, không cần quá quan tâm tới hậu quả. Khác với việc nghe theo lời dạy dỗ của bố mẹ, thầy cô là trẻ làm dưới một sự áp đặt nào đó, dưới sự theo dõi của một đôi mắt nào đó. Vì vậy các hoạt động làm theo mạng dễ khiến trẻ thấy thoải mái, thích thú, hào hứng hơn rất nhiều. Đồng thời, mạng xã hội cũng là nơi chia sẻ. Khi trẻ làm được và chia sẻ với mọi người, trẻ sẽ có cảm giác thành tựu, được chú ý. Vì vậy các hướng dẫn trên mạng, đặc biệt đến từ những người trẻ yêu thích, mến mộ sẽ vô cùng hấp dẫn. Khi hiểu những điều này, chúng ta sẽ thấy rằng mạng xã hội cũng vẫn có những điều tích cực tác động đến trẻ. Quan trọng là chúng ta có thể kiểm soát, loại trừ những thông tin xấu và độc hại, tăng cường những thông tin tốt đẹp và ý nghĩa sẽ vẫn có thể khiến trẻ học tập được nhiều hành động đúng đắn và phù hợp. Cấm đoán trẻ ngừng sử dụng mạng xã hội là điều bất khả thi trong thời đại hiện nay, thậm chí còn mang lại những hiệu ứng ngược, khiến trẻ càng lao đầu tìm kiếm thông tin trên mạng, giấu diếm gia đình sử dụng internet, càng khiến trẻ ít chia sẻ và chúng ta càng khó tiếp cận trẻ. Lời khuyên là hãy sử dụng mạng xã hội một cách thông minh và có trách nhiệm. Vai trò của cha mẹ trên hết là vai trò dẫn dắt, định hướng trẻ tới những điều tốt đẹp, phát triển hài hòa chân thiện mỹ cho trẻ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!