Trẻ thừa cân vẫn thiếu chất, bố mẹ nên làm gì?

08-07-2021 08:00 | Đời sống

SKĐS - Nhiều phụ huynh có xu hướng “tẩm bổ” quá đà cho trẻ trong thời gian giãn cách ở nhà, cho trẻ ăn chế độ thừa đạm, thừa béo nhưng thiếu xơ và vitamin khiến trẻ có xu hướng thừa cân, béo phì.

Trẻ em thừa cân, béo phì tăng nhanh

Chị Mỹ Hương (38 tuổi, TPHCM) cho biết con trai 6 tuổi đã tăng 3kg trong vòng chưa đầy một tháng nghỉ học ở nhà. “Con ở nhà nhiều nên ngoài bữa chính còn ăn vặt thêm chè, bánh kẹo, khoai tây chiên… khá nhiều. Còn các bữa cơm do tôi nấu, con cũng thấy ngon miệng và ăn nhiều hơn”, chị chia sẻ.

Thừa cân, béo phì là thực trạng đang ngày càng đáng báo động ở trẻ em Việt Nam. Cuộc điều tra do Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế cho thấy số trẻ thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng hơn 2 lần trong 10 năm qua, đặc biệt tại thành thị.

Nguy hiểm hơn, trẻ thừa cân nhưng không phải ai cũng đủ chất. Khảo sát của Viện Dinh dưỡng cũng cho thấy, trẻ thành thị thừa 200% đạm, 130% béo nhưng lại thiếu vitamin, thiếu vận động, dẫn đến nhiều trẻ thừa cân, béo phì.

PGS.TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, trẻ em khu vực thành phố có xu hướng được quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng nhiều hơn, được ông bà và bố mẹ ép ăn uống từ nhỏ, dẫn đến cân nặng tăng dần, cho đến khi trẻ bị thừa cân béo phì thì lại càng thèm ăn hơn và đến khi trẻ bị béo phì thì việc kiểm soát cân nặng sẽ càng khó khăn hơn… “Việc ăn quá nhiều vào bữa chiều và bữa tối khi cơ thể không cần nhiều năng lượng, đặc biệt là trước khi đi ngủ làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì”, PGS.TS. Nhung cho biết.

Thừa cân vẫn có thể thiếu chất, giảm miễn dịch 

Nếu phụ huynh chủ quan, không có hành động kịp thời sẽ dễ dung túng cho “đà tăng cân” của trẻ, để lại những hậu quả khó lường. Đặc biệt, các chuyên gia cho biết trẻ thừa cân vẫn có thể thiếu chất, và giảm sức miễn dịch, khả năng chống chọi với bệnh tật hơn so với trẻ bình thường.

Trẻ em khi đã béo phì sẽ khó khắc phục, không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của trẻ, khiến trẻ tự ti, ảnh hưởng tâm sinh lý, kết quả học tập, mà còn gây những hậu quả xấu đến sức khỏe. Trẻ béo phì dễ bị rối loạn mỡ máu, rối loạn đường máu, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, ảnh hưởng đến hệ xương, đặc biệt những trẻ béo phì nặng, ngoài ra còn tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành như tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ...

Hiện nay, nhiều căn bệnh mãn tính đang có xu hướng trẻ hoá, nghiêm trọng hơn là xuất hiện ở lứa tuổi học đường. Tại TP.HCM, hiện có tới 50% trẻ tiểu học bị thừa cân, béo phì, 15,4% trẻ học đường (6-18 tuổi) bị tăng huyết áp, 9 tuổi đã có trẻ bị đái tháo đường type 2.

Ảnh minh hoạ.

“Hậu quả của thừa cân, béo phì thường khó nhận biết ngay, nhưng không thể xem nhẹ. Khi trẻ béo phì chẳng may mắc những bệnh lý như tiêu chảy, viêm phổi,... bệnh thường có xu hướng tiến triển nặng hơn, thời gian điều trị kéo dài" - TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng - lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Phụ huynh cần quan tâm và không chủ quan khi đánh giá về cân nặng của con, tránh tình trạng thừa cân, béo phì. Để đánh giá, ngoài việc quan sát hình thể của trẻ thì tương quan giữa số đo cân năng và chiều cao cho phép phụ huynh nhận định một cách khách quan.

Đối với trẻ em từ 0-5 tuổi: Trẻ được coi là thừa cân khi chỉ số cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao dao động từ 2 độ lệch chuẩn (SD) đến 3 < SD. Trẻ được coi là béo phì khi cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao ≥ 3 SD.

Đối với trẻ em 5-19 tuổi: Trẻ được coi là thừa cân khi chỉ số khối cơ thể theo tuổi (BMI) từ 1 SD đến < 2SD. Trẻ được coi là béo phì khi BMI ≥ 2SD.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu vượt ngưỡng cân nặng chuẩn, phụ huynh cần có hành động ngay để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tăng cường cho trẻ vận động, tránh kéo dài tình trạng tăng cân dẫn đến béo phì.

 PV


Ý kiến của bạn