Hà Nội

Trẻ té ngã, coi chừng chấn thương thận

21-03-2019 06:48 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Ths.Bs Phạm Ngọc Thạch - Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho hay, vừa qua các bác sĩ khoa Niệu tiếp nhận hai trường hợp chấn thương thận.

Bệnh nhi là bé Lê Kỳ A. 7 tuổi địa chỉ Bình Phước và bé Nguyễn Trần T. 9 tuổi địa chỉ Tp. Hồ Chí Minh. Theo lời kể của gia đình, do bất cẩn trong lúc chơi đùa đã té đập mạnh vùng hông phải xuống bậc cầu thang. Sau tai nạn mặc dù hai em vẫn tỉnh táo nhưng có biểu hiện đau liên tục vùng hông lưng phải và ói.

Bệnh  nhi A. được gia đình đưa đến Bệnh viện Hoàng Mỹ Bình Phước thăm khám, chụp CT scan bụng phát hiện em bị chấn thương thận phải độ III (Theo AAST), nhanh chóng em được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 để điều trị tiếp.

Riêng em T. bị nặng hơn, ngoài đau hông lưng em còn biểu hiện tiểu máu và có dấu hiệu sốc mất máu ngay khi em đến khám Bệnh viện Nhi Đồng Nai, tại đây em được chẩn đoán chấn thương thận phải độ IV (Theo AAST), được hồi sức tích cực, truyền máu ổn định huyết động trước khi được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2. Hai em đang được điều trị theo dõi tại khoa Niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Bảng phân độ chấn thương thận.

Theo Ths.Bs Phan Tấn Đức - Trưởng khoa Niệu cho hay, hiện tại các em đã qua giai đoạn nguy hiểm và đang dần hồi phục sức khỏe sau giai đoạn theo dõi điều trị bảo tồn không phẫu thuật.

Theo các bác sĩ,  thận nằm sau phúc mạc, được che phủ bởi vòm sườn, cột sống và khối cơ lưng ở phía sau. Nhưng chấn thương thận vẫn nhiều nhất so với các bộ phận của hệ tiết niệu.

Chấn thương thận ở trẻ em chiếm tỉ lệ khoảng 1-5% trường hợp chấn thương, bé trai thường gặp hơn bé gái do hiếu động.

Khác với người lớn, chấn thương thận ở trẻ em có thể liên quan đến các tình trạng bất thường bẩm sinh ở thận như thận nước, thận móng ngựa... Phần lớn các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ chấn thương trên bất thường thận bẩm sinh ở trẻ em cao hơn thậm chí mức độ còn nặng nề hơn so với chấn thương thận ở người lớn.

Cần xác định rõ cơ chế chấn thương thận là do vật tù hay vật sắc nhọn. Số trường hợp chấn thương do vật tù chiếm đến 90-95% chấn thương thận. Chấn thương do vật tù thường do tai nạn giao thông, té cao, tai nạn sinh hoạt, chơi thể thao. Trong đó, tai nạn giao thông chiếm đa số.

Tổn thương xé rách chu mô hay mạch máu thận chiếm khoảng 10-15% số trường hợp chấn thương do vật tù. Tổn thương mạch máu thận theo sau những chấn thương bụng kín chiếm tỉ lệ rất thấp, chỉ 0,1%.

Chấn thương thận do vật bén nhọn như đạn bắn, dao đâm gây ra thương tổn thường nặng và khó lường trước được hơn so với chấn thương thận do vật tù. Đặc biệt chấn thương do đạn bắn, mức độ phá hủy chủ mô thận có thể lan rộng và lan đến cả các cơ quan khác trên đường đi của viên đạn và hầu hết các chấn thương thận do đạn bắn có tỉ lệ cắt thận rất cao (25-33%).

Theo Ths. Bs Phan Lê Minh Tiến_Khoa Niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2, với sự tiến bộ trong hình ảnh học và phân độ chấn thương thận, việc điều trị đã có nhiều tiến bộ, giảm can thiệp phẫu thuật không cần thiết và gia tăng điều trị bảo tồn.

Để phòng ngừa chấn thương thận nên tham gia giao thông an toàn, thận trọng trong lao động, sinh hoạt và hoạt động thể dục thể thao, tránh bạo lực. Khi nghi ngờ có chấn thương thận cần được khám chuyên khoa và điều trị kịp thời. BS Tiến khuyến cáo.


BS Nguyễn Hiền
Ý kiến của bạn