Trẻ táo bón, dùng thuốc gì?

20-02-2016 08:40 | Dược
google news

SKĐS - Con tôi năm nay 4 tuổi, từ nhỏ cháu đã hay bị táo bón, vài ngày mới đi ngoài một lần. Tôi đã cho cháu uống bổ sung men vi sinh

Con tôi năm nay 4 tuổi, từ nhỏ cháu đã hay bị táo bón, vài ngày mới đi ngoài một lần. Tôi đã cho cháu uống bổ sung men vi sinh, ăn sữa chua hàng ngày, uống thực phẩm chức năng có thành phần là chất xơ mà tình trạng táo bón của cháu không được cải thiện. Xin quý báo tư vấn giúp có thể dùng thuốc gì để chữa táo bón cho con. Xin chân thành cảm ơn quý báo!

Đặng Thị Thắm (Bình Phước)

Táo bón không phải là một bệnh mà là triệu chứng thường gặp trong thực hành nhi khoa. Ở trẻ em, 90% nguyên nhân gây táo bón là do những rối loạn chức năng có thể điều chỉnh được, không có tổn thương đại tràng. Chỉ có 10% có nguyên nhân tổn thương đại tràng như bệnh phình to đại tràng.

Táo bón là khi đi đại tiện ít hơn 3 lần/tuần, phân cứng khô, trẻ phải rặn khó khăn để tống phân ra, đôi khi có trẻ kêu đau và khóc.

Theo chị cho biết từ nhỏ cháu đã hay bị táo bón, vài ngày mới đi ngoài một lần. Chị đã bổ sung men vi sinh, chất xơ... mà tình trạng táo bón không cải thiện mấy. Vì thế, để biết chính xác nguyên nhân gây táo bón của con, chị cần đưa cháu đến chuyên khoa tiêu hóa nhi để làm các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết. Nhóm bệnh nhân có rối loạn chức năng, không có tổn thương đại tràng thường gặp các nguyên nhân sau:

Chế độ ăn uống: hàng ngày trẻ ăn ít chất xơ trong rau củ, ít uống nước.

Thói quen đi ngoài: trẻ mải chơi quên đi ngoài hoặc nhịn đi ngoài do trẻ đến lớp sợ cô giáo, hoặc trẻ sợ bẩn do nhà vệ sinh công cộng chưa đảm bảo vệ sinh sạch sẽ...

Lối sống: trẻ ít hoạt động như chạy nhảy, chơi đùa thường ngồi một chỗ.

Vậy nên xử trí thế nào?

Chế độ dinh dưỡng:

Cho trẻ ăn đủ chất xơ hàng ngày bằng các loại rau như rau khoai lang, mồng tơi, rau dền... và các loại quả như đu đủ chín, chuối tiêu chín...; Cho trẻ uống đủ lượng nước trong ngày. Con chị 4 tuổi phải cung cấp 1.700ml nước một ngày (trong đó nước uống là 1.200ml).

Thói quen đi ngoài:

Khuyến khích trẻ đi ngoài hàng ngày vào khoảng thời gian nhất định; Không hối thúc trẻ. Nhớ cho chân trẻ chạm lên một mặt phẳng khi ngồi đi ngoài; Có thể kết hợp xoa bụng ở trẻ nhỏ từ phải sang trái. Ngoài ra cần cho trẻ tăng cường vận động, chạy nhảy chơi đùa... giúp nhu động ruột hoạt động tốt.

Tốt nhất chị nên đưa cháu đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nhi khám và tư vấn cụ thể, trong trường hợp chưa tới được cơ sở y tế mà tình trạng táo bón của cháu cần giải quyết ngay chị có thể dùng thuốc thụt cho bé, bơm vào hậu môn bé theo hướng dẫn của sản phẩm. Tuy nhiên chị không nên dùng nhiều thuốc này vì dễ gây chảy máu trực tràng cho trẻ.

BS. Nguyễn Thục Anh


Ý kiến của bạn