Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ khi mắc bệnh về đường hô hấp hay các bệnh truyền nhiễm như: sởi, tay chân miệng, thủy đậu, cúm, quai bị,...Khi trẻ bị sốt, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần biết cách xử trí đúng, nhận biết được các dấu hiệu nguy hiểm để điều trị kịp thời, nhất là trong thời điểm nắng nóng làm gia tăng trẻ mắc bệnh như hiện nay.
Nhận biết dấu hiệu trẻ bị sốt
Khi thấy trẻ mặt má đỏ bừng hoặc hơi tái, mắt mất vẻ tinh nhanh, trẻ quấy khóc hay mệt mỏi, ngủ nhiều. Dùng bàn tay sờ trán, bàn tay, chân tay trẻ thấy nóng hoặc lấy má người lớn áp lên trán của trẻ thấy nóng hơn là trẻ bị sốt. Cách phát hiện chính xác nhất là dùng nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ.
Đánh giá mức độ sốt
Nhiệt độ trung bình của cơ thể là 370C (có một số trường hợp đặc biệt có thân nhiệt dưới hoặc trên 370C, nếu trên hoặc dưới cũng tính theo công thức của nhiệt độ trung bình, ví dụ nhiệt độ bình thường là 36,50C thì 370C là sốt nhẹ). Dùng nhiệt kế thủy ngân đo nhiệt độ ở nách trẻ:
- Nếu nhiệt độ ở trên 37,50C là trẻ bị sốt.
- Nhiệt độ từ 37,50C - 38,50C là sốt nhẹ.
- Khi nhiệt độ từ 390C - 400C là sốt cao.
- Khi nhiệt độ > 400C là sốt rất cao.
Cho trẻ uống nhiều nước khi trẻ sốt.
Cách xử trí
Khi trẻ sốt nhiệt độ từ 37,50C-38,50C thì chưa cần dùng thuốc hạ sốt mà chỉ cần cởi bớt quần áo, cho trẻ uống nhiều nước, nếu trẻ đang bú mẹ cho bú nhiều hơn. Tránh để trẻ ở nơi có gió lùa, tiếp tục theo dõi nhiệt độ của trẻ.
Khi trẻ sốt trên 38,50C cần cởi bớt quần áo, cho mặc quần áo lót mỏng, mềm, thoáng, rộng, giảm nhiệt độ trong phòng, mở cửa, bật quạt nhẹ (tránh gió lùa), cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất dạng gói hay sirô... vì đây là thuốc hạ sốt dễ sử dụng, hiệu quả hạ sốt nhanh, thường sẽ có tác dụng hạ sốt 30 phút sau khi sử dụng và kéo dài từ 4 - 6 giờ, ít tác dụng phụ. Cần cho trẻ uống đúng liều lượng/cân nặng theo chỉ định. Đối với trẻ không uống được, có thể dùng dạng viên đặt hậu môn, tuy nhiên nếu trẻ đang bị tiêu chảy thì không nên dùng viên đặt.
Trẻ có hệ thần kinh rất nhạy cảm nên nếu bị sốt cao 39-40 độ C liên tục mà không được xử trí kịp thời có thể làm trẻ bị co giật, gây thiếu ôxy não, Do đó, phải thường xuyên theo dõi thân nhiệt của trẻ để có biện pháp xử trí kịp thời, phòng ngừa trẻ sốt cao xảy ra co giật. Không ủ ấm, mặc thêm quần áo cho trẻ mặc dù trong cơn sốt cao trẻ có thể bị rét run mà phải tìm cách hạ nhiệt nhanh chóng bằng cách làm mát cơ thể và môi trường xung quanh. Đó là biện pháp tốt nhất và an toàn nhất để phòng chống và cắt cơn co giật cho trẻ.
Song song với dùng thuốc, dùng thêm khăn bông mềm thấm nước ấm lau trán, 2 hõm nách, 2 bẹn của trẻ hoặc lau người cũng góp phần làm hạ nhiệt độ của trẻ.Cách làm: Đặt trẻ nằm ngửa trên giường, cởi bỏ quần áo trẻ. Dùng 5 chiếc khăn nhỏ nhúng vào nước ấm (pha giống như nước tắm em bé). Nhúng 5 khăn vào thau nước và vắt hơi ráo.Đặt 2 khăn ở hõm nách, 2 khăn ở bẹn và 1 khăn lau khắp người.Nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu làm trẻ mát.Khoảng 2 phút thay khăn một lần. Ngừng lau mát khi nhiệt độ hạ xuống dưới 38,5 độ C. Lau khô và mặc quần áo mỏng cho trẻ.
Cho trẻ uống nhiều nước đặc biệt là nước hoa quả tươi hoặc oresol pha theo hướng dẫn để phòng ngừa trẻ mệt mỏi do mất nước, rối loạn điện giải. Sau đó cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để khám xác định nguyên nhân và điều trị. Trong khi đưa trẻ đến cơ sở y tế vẫn cần mang theo nhiệt kế và thuốc hạ sốt để theo dõi nhiệt độ và uống thuốc khi cần.
Không nên nặn chanh vào miệng và mắt trẻ.Không nên dùng nước đá lạnh để lau mát hạ sốt cho trẻ.Không giật tóc, vỗ vào người trẻ khi trẻ đang bị co giật, càng khiến trẻ bị kích thích, co giật nhiều hơn.
Bác sĩ Nguyễn Văn An
Lời khuyên của thầy thuốc
Sốt còn có thể là triệu chứng của các bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, viêm phổi, viêm não màng não,… do đó khi trẻ sốt, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám xác định nguyên gây sốt để có biện pháp điều trị thích hợp và được hướng dẫn chăm sóc trẻ đúng cách.
Trẻ bị sốt vẫn cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, ngoài việc cho trẻ uống nhiều nước cần cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và chia làm nhiều bữa trong ngày.
Cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có một trong các biểu hiện nguy hiểm sau:
- Sốt cao, đặc biệt là trên 390C. Dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả.
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt trên 380C.
- Trẻ bỏ bú, không ăn uống, li bì, nôn,…
- Xuất hiện co giật, nôn mửa…
- Trẻ sốt kèm theo các dấu hiệu: ho, khò khè hoặc khó thở,…
- Trẻ có dấu hiệu xuất huyết; nổi chấm đỏ trên da, chảy máu cam,..
- Trẻ có biểu hiện lừ đừ, tím tái, tay chân nhớp lạnh.