Theo thống kê tại khoa Nhi, BV. Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM chỉ trong một tháng đầu năm 2009, số trẻ em đến khám lao tại khoa đã tăng 10–20% so với cùng kỳ năm ngoái, với bình quân mỗi ngày khoảng 18 trường hợp. Trong đó lao màng não và lao phổi chiếm đến 80%. Đáng chú ý là trong số này đã có nhiều trường hợp là trẻ sơ sinh, vốn được xem là những trường hợp “xưa nay hiếm” trong điều trị lao.
Nguồn lây từ mẹ
BS. Trần Ngọc Đường - Trưởng khoa Nhi, BV. Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Chỉ tính riêng trong tháng 2/2009, tại khoa đã có đến 4 trường hợp trẻ sơ sinh mắc lao, trong khi trước đây, tìm một ca sơ sinh mắc lao rất hiếm. Đây là vấn đề rất cần lưu tâm”. Cũng theo BS. Đường: nguồn lây của trẻ sơ sinh cũng nhiều nhưng chủ yếu là từ mẹ sang con. Nhiều thai phụ mắc bệnh khi đang mang thai hoặc có thể đã mắc bệnh trước đó nhưng không được phát hiện ra nên không điều trị ngay và trở thành nguồn lây cho con. Theo hồ sơ bệnh án lưu tại khoa Nhi BV. Phạm Ngọc Thạch, mới đây, khoa đã tiếp nhận trường hợp trẻ sơ sinh mới được 1 tuần tuổi đã mắc thể lao nặng là lao kê do lây từ mẹ. Mẹ của bé là sản phụ T.L không biết mình mắc bệnh lao phổi và lao màng não trong thời kỳ mang thai nên ngay khi vừa lọt lòng, bé đã có biểu hiện của triệu chứng nhiễm lao như: ho dai dẳng, sốt cao. Sau khi nhập viện, cả 2 mẹ con đã được điều trị kịp thời và hiện đã xuất viện.
Điều đáng ngại là trẻ sơ sinh mắc lao có biểu hiện bệnh không rõ ràng, thường hay quấy khóc nên dễ lầm tưởng là nhiễm trùng sơ sinh, ho nhiều, sốt cao, viêm đường hô hấp… Không chỉ thế, với những trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh lại không biết khạc đàm, chưa biết trả lời bác sĩ nên việc xác định vi trùng lao khó khăn. Tuy nhiên, trẻ em không phải là nguồn lây lao, vì thường tự nuốt đàm, không có thói quen khạc nhổ, thậm chí ngay cả đàm ở trẻ bị lao phổi cũng ít khi tìm thấy vi trùng lao.
Điều trị ngay lúc mang thai
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, trong lúc mang thai nếu phát hiện mắc lao, thai phụ phải đến ngay bác sĩ chuyên khoa để điều trị tốt nhất. Tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị, vì rất nguy hiểm cho thai nhi và cả thai phụ nếu không điều trị đúng cách. Chỉ có các bác sĩ chuyên khoa sẽ biết dùng loại thuốc nào không ảnh hưởng đến thai nhi và thai phụ. Theo BS. Đường, có một số trường hợp do thai phụ không hiểu biết đầy đủ đã tự ý mua thuốc uống hoặc không chịu đến bác sĩ điều trị, vì sợ ảnh hưởng thai nhi mà không biết đây chính là nguyên nhân làm trẻ mắc lao bẩm sinh khi vừa sinh ra, hoặc có thể dẫn đến những nguy cơ khác nguy hiểm cho thai nhi. Với trẻ mắc lao bẩm sinh, nếu được phát hiện kịp thời, việc điều trị dứt hẳn lao cho em bé chỉ mất thời gian trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, phụ huynh phải tuân thủ điều trị cho trẻ đúng theo sự chỉ định của thầy thuốc.
Với những trẻ bình thường, sau khi sinh được 3 ngày, các cơ sở y tế sẽ tiêm vắc xin BCG ngừa lao. Loại vắc xin này sẽ giảm khả năng nhiễm lao và ngừa được phần lớn các dạng lao cấp tính nặng cho trẻ. Sau khoảng 1 tháng tiêm vắc xin, nếu không thấy sẹo xuất hiện ở cơ delta (trên bắp tay), nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thử lại phản ứng lao tố. Nếu kết quả âm tính, chứng tỏ chưa có kháng thể ngừa lao, buộc phải chích lại vắc xin BCG cho trẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào bắp tay trẻ không có sẹo cũng cho rằng chưa có kháng thể ngừa lao.
Với trường hợp sinh bị vỡ ối sớm, cơ sở y tế thường không chích vắc xin BCG ngay cho bé vì cơ thể bé yếu, dễ nhiễm trùng, nên vắc xin khó đem lại hiệu quả tốt.
Ngoài ra, để tăng sức đề kháng cho trẻ em trước nguồn lây lao, cha mẹ tránh để trẻ suy dinh dưỡng. Phải cách ly trẻ khỏi nguồn lây nếu gia đình, cộng đồng, trường học… có người bị lao. Quan trọng nhất là người lớn bị lao, không được khạc nhổ bừa bãi, tránh nguồn lây cho trẻ.
Trẻ nghi nhiễm lao thường có những triệu chứng như: ho, sốt kéo dài, sút cân hoặc không lên cân, ra mồ hôi trộm... Khi trẻ có những triệu chứng này cần đưa ngay đến cơ sở y tế khám và điều trị.
Phước Đạt