Cơn khóc dai dẳng thường gặp ở 1/3 số trẻ sơ sinh
Triệu chứng này thường gặp ở trẻ từ 2 tuần đến 16 tuần tuổi, cơn khóc thường kéo dài khoảng 3 giờ hoặc hơn và hay xảy ra vào chiều tối.
Ngoài một số bệnh lý thực thể ở trẻ nhỏ cần được loại trừ, thì Colic là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Colic xảy ra ở 1/3 số trẻ, nó gây nên những cơn đau thắt, sau đó vài tuần triệu chứng tự khỏi mà không cần phải điều trị gì.
Biểu hiện gợi ý trẻ có thể bị Colic:
Colic thường bắt đầu xuất hiện ở tuần thứ 2 - 4 sau sinh và tăng dần đến 6 - 8 tuần tuổi. Trước khi vào cơn khóc, trẻ vẫn bú và chơi bình thường.
Sau đây là một số đặc điểm gợi ý trẻ có thể bị Colic:
- Trẻ khóc đỏ mặt, vẻ mặt nhăn nhó khó chịu.
- Trẻ khóc to dai dẳng.
- Cơn đau không giảm và tự hết sau 3 giờ hoặc lâu hơn không rõ nguyên nhân.
- Tiếng khóc to, âm vang dữ dội và rất khác so với tiếng khóc thường.
- Ợ thường xuyên hoặc xì hơi.
- Bụng căng.
- Co chân lên trước bụng và nắm chặt tay mỗi khi khóc.
Nguyên nhân cơn khóc dai dẳng ở trẻ sơ sinh
Mặc dù có nhiều nghiên cứu về vấn đề này nhưng nguyên nhân thật sự vẫn chưa được làm sáng tỏ. Một số giả thuyết đưa ra để giải thích nguyên nhân bao gồm:
- Chế độ ăn của mẹ: Một số thức ăn mẹ ăn vào có thể gây dị ứng cho trẻ bú mẹ, thường gặp ở các loại thực phẩm như bắp cải, súp lơ, sô cô la, hành, sữa bò...
- Một số chất như nicotin, cafein... mà mẹ sử dụng cũng có thể gây Colic cho trẻ bú mẹ.
- Trẻ bị đầy hơi, chướng bụng.
- Trẻ chưa quen với môi trường sống bên ngoài bụng mẹ trong những tháng đầu đời.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh khóc dai dẳng?
Cha mẹ không nên tự chẩn đoán khi trẻ quấy khóc, mà nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để được thăm khám để kiểm tra các bệnh lý gây đau bụng hoặc khó chịu ở trẻ nhỏ. Chẩn đoán Colic chỉ nghĩ đến khi đã loại trừ các nguyên nhân khác.
Cha mẹ không nên quá lo lắng, vì hội chứng này không kéo dài lâu ở trẻ, mà sẽ biến mất khi trẻ ở tháng thứ 3 và thứ 4. Tất cả những gì bố mẹ cần để đối phó với "thử thách" này là thời gian và sự kiên nhẫn. Tuy nhiên, vẫn có một số giải pháp hữu ích giúp bố mẹ chủ động hơn trong việc xoa dịu cơn quấy khóc của trẻ:
- Kiểm tra xem trẻ đã được ăn đầy đủ hay chưa.
- Bế trẻ đối diện ngực của bố mẹ hoặc cho trẻ ngồi nếu trẻ đang nằm, để giúp trẻ đỡ căng thẳng.
- Trò chuyện và hát cho trẻ.
- Nhẹ nhàng đu đưa trẻ.
- Bế trẻ đi dạo.
- Cho trẻ tắm bằng nước ấm.
- Âu yếm và massage nhẹ nhàng cho trẻ.
- Sử dụng núm vú giả.
- Tạo ra những âm thanh êm dịu để kích thích và làm dịu sự cau có của trẻ.
Khi nào cần cho trẻ đi khám?
Nếu cha mẹ quá lo lắng về vấn đề khóc dai dẳng hoặc trẻ có biểu hiện bất thường thì nên cho trẻ đi thăm khám, để được các bác sĩ khám và tư vấn cụ thể.
Ngoài ra, trẻ có các biểu hiện như: Ấm sốt, bú kém hay bỏ bú, khóc quấy kèm theo nôn ói, tiêu chảy… cũng cần đưa tới cơ sở y tế để được thăm khám cụ thể.
Với những trường hợp trẻ khóc liên tục, không có khoảng nghỉ hoặc sau khi khóc trẻ lừ đừ, không đáp ứng với tương tác từ cha mẹ… cũng cần phải đi khám ngay.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-