Trẻ sinh ra đã có đuôi dị tật bẩm sinh hiếm gặp, cha mẹ cần làm gì để ngăn ngừa dị tật sơ sinh?

13-12-2023 19:55 | Y tế
google news

SKĐS - Các bác sĩ cho biết, bệnh nhi bị thoát vị màng não tủy là một dị tật bẩm sinh của hệ thần kinh. Bệnh lý này thường có nhiều dị chứng nặng nề về sau. Nếu được phẫu thuật và điều trị bài bản bệnh nhi sẽ giảm thiểu nhiều di chứng.

Ngày 13/12, thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật cắt bỏ thành công đuôi dị tật dài 14cm cho một bệnh nhi là bé trai N.V.P, (4 tháng tuổi, ở huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa).

Các bác sĩ Khoa Ngoại Chấn thương – chỉnh hình bệnh viện nhi Thanh Hóa tiếp nhận bệnh nhân P. với biểu hiện có đuôi bất thường (dài 14cm) vùng cùng cụt. 

Trẻ sinh ra đã có đuôi dị tật bẩm sinh hiếm gặp, cha mẹ cần làm gì để ngăn ngừa dị tật sơ sinh?- Ảnh 1.

Bé 4 tháng có đuôi bất thường (dài 14cm) vùng cùng cụt. Ảnh: BVCC

Theo lời gia đình, từ lúc sinh ra bé đã có đuôi và đuôi này dài theo thời gian. Trẻ được làm các xét nghiệm cơ bản, chụp cộng hưởng từ sọ não, cột sống. Trên phim chụp cộng hưởng từ thể hiện hình ảnh thoát vị mỡ - tủy vùng cùng cụt (lipomyelocele). Hình ảnh chụp cộng hưởng từ cột sống thể hiện khối u mỡ tủy kích thước: 2x4cm, kèm theo rỗng tủy, tủy bám thấp, hở cung sau đốt sống cùng cụt.

Sau khi hội chẩn các bác sĩ thống nhất kế hoạch mổ cắt đuôi thừa cho bệnh nhi. Ê kíp phẫu thuật đã mở bao thoát vị lấy khối u mỡ dính vào tủy sống, tạo hình và đóng kín màng tủy cứng, tạo hình đóng kín lỗ thoát vị. Sau 2 giờ, ca phẫu thuật đã hoàn thành, sau mổ 10 ngày trẻ được xuất viện mà không có di chứng nào.

Trẻ sinh ra đã có đuôi dị tật bẩm sinh hiếm gặp, cha mẹ cần làm gì để ngăn ngừa dị tật sơ sinh?- Ảnh 2.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ đuôi di tật cho trẻ. Ảnh: BVCC

Chia sẻ về trường hợp bệnh nhi này ThS.BS Dư Văn Nam – Trưởng kíp phẫu thuật cho biết: “Thoát vị màng não tủy là một dị tật bẩm sinh của hệ thần kinh, có rất nhiều thể bệnh, với nhiều hình thái bên ngoài khác nhau. Bệnh lý này thường có nhiều dị chứng nặng nề về sau. Nếu được phẫu thuật và điều trị bài bản bệnh nhân sẽ giảm thiểu nhiều di chứng".

Các bác sĩ cho biết, đây là 1 trong những dị tật hiếm gặp. Hiện trên thế giới chỉ có khoảng 35-40 trường hợp dị tật còn đuôi bẩm sinh. 

Trước đó, vào tháng 3/2022, tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đức Giang, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ của Bệnh viện cũng đã phẫu thuật thành công cắt bỏ dị tật đuôi bẩm sinh ở bệnh nhi 5 tháng tuổi.

Bé gái D.G.H ( Gia Lâm, Hà Nội) được phát hiện còn đuôi bẩm sinh từ khi sinh ra, được khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ BVĐK Đức Giang hội chẩn, theo dõi, hẹn tái khám định kì chờ đủ điều kiện phẫu thuật.

Trẻ sinh ra và lớn lên khỏe mạnh, không phát hiện bất thường gì khác. Qua khai thác tiền sử 2 bên gia đình nội, ngoại, không phát hiện bệnh gì đặc biệt, không có ai còn đuôi bẩm sinh.

Quá trình theo dõi thấy bệnh nhi còn đuôi vùng cùng cụt, kích thước đuôi bình thường 5cm, kéo dài là 9,5cm, đường kính vùng lớn nhất 4cm. Đuôi ấn mềm, không đau, đuôi không vận động được. Đuôi lớn dần theo tuổi của bé, các cơ quan bộ phận khác chưa phát hiện gì đặc biệt. Hình ảnh chụp X-quang không thấy hình ảnh xương vùng đuôi. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có dị tật còn đuôi bẩm sinh và có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn vùng đuôi.

Mẹ cần làm gì khi con được chẩn đoán dị tật mọc đuôi?

Dị tật trẻ sơ sinh mọc đuôi hay còn đuôi là một dị tật bẩm sinh rất hiếm gặp. Nguyên nhân dẫn tới trẻ có dị tật này chưa được làm rõ. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, khoảng thời gian từ tuần thứ 4 tới tuần 8, bào thai sẽ tồn tại đuôi và rụng đi. Nếu trong thời gian này thai nhi chịu tác động hóa học, sinh học chưa xác định từ môi trường thông qua cơ thể mẹ, khả năng còn đuôi sau sinh là có thể xảy ra.

Điều cần nhớ khi phát hiện con có dị tật còn đuôi là mẹ cần bình tĩnh lắng nghe lời khuyên của bác sĩ. Đây là dị tật hiếm nhưng không nguy hiểm. Một khi được làm MRI và loại trừ dị tật ống thần kinh, em bé sinh ra có cơ hội rất lớn được phát triển như một đứa trẻ bình thường sau khi phẫu thuật cắt đuôi.

Trên thực tế, có những em bé sinh ra với dị tật thai nhi mọc đuôi đã được phẫu thuật sớm để trở lại cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

4 lưu ý giúp mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh, tránh dị tật thai nhi mọc đuôi

Trẻ sinh ra đã có đuôi dị tật bẩm sinh hiếm gặp, cha mẹ cần làm gì để ngăn ngừa dị tật sơ sinh?- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Chế độ ăn uống khoa học: Bổ sung acid folic trước khi mang thai 1 tháng và sau khi có thai liên tục. Nếu có tiền sử con mắc dị tật ống thần kinh, hàm lượng acid folic được khuyến cáo là từ 4 - 5mg/ngày.

Không sử dụng chất kích thích: Những mối liên quan của rượu, bia, thuốc lá tới tỷ lệ sinh con mang dị tật bẩm sinh tuy chưa rõ ràng nhưng phòng tránh là điều mọi nhân viên y tế đều khuyến cáo.

Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ: Các thuốc đang sử dụng bất kể thuốc kê đơn nào (Có chữ R trên bao bì) đều cần được thông qua ý kiến của bác sĩ sản khoa của mẹ. Nguy cơ dị tật luôn tiềm ẩn khiến tờ hướng dẫn sử dụng của mọi loại thuốc đều có yêu cầu thận trọng khi dùng trên phụ nữ có thai.

Khám thai định kỳ: Theo chỉ định của bác sĩ hoặc 4 tuần/lần nhằm theo dõi sát những thay đổi của thai nhi để kịp thời điều chỉnh về các giới hạn bình thường, giúp em bé phát triển đúng hướng và khỏe mạnh nhất. 


M.H (th)
Ý kiến của bạn