Tin từ Khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ cho biết, quá trình thăm khám nhận thấy sản phụ T. có dấu hiệu chuyển dạ sinh non song thai, các bác sĩ Khoa Phụ sản - Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy đã hội chẩn và nhanh chóng thực hiện phẫu thuật lấy thai cho chị T.
Ca phẫu thuật thành công lấy ra 2 bé trai, mỗi bé nặng 1,4kg. Sau sinh trẻ khóc to nhưng sau khoảng 10 phút 2 trẻ khóc yếu dần, tím quanh môi gốc mũi. Ngay lập tức, hai trẻ được chuyển xuống khoa Nhi cấp cứu.
Nhận được thông báo của Khoa Phụ sản – Chăm sóc sinh sản, bác sĩ Khoa Nhi đã nhanh chóng chuẩn bị các thiết bị: dụng cụ hỗ trợ hô hấp, giường sưởi, lồng ấp, máy thở CPAP… để sẵn sàng cấp cứu hai bé.
Tại thời điểm tiếp nhận: Hai bé tự thở yếu, tím tái quanh môi, gốc mũi, SPO2 không đảm bảo, có tình trạng rút lõm lồng ngực, phổi thông khí kém, phản xạ sơ sinh yếu. Hai bé được chăm sóc theo quy trình đặc biệt trong lồng ấp, hỗ trợ thở CPAP, oxy, dinh dưỡng tĩnh mạch…
Quá trình chăm sóc, đánh giá nhận thấy 02 trẻ có nguy cơ nhiễm trùng cao, đã được chỉ định kháng sinh sớm.
Sang ngày thứ 03, trẻ có biểu hiện nhiễm trùng tăng: hạ thân nhiệt, nhịp tim 90-95 lần/phút, ăn không tiêu, chướng bụng, dịch dạ dày nâu đen.
Xác định trẻ có tình trạng viêm ruột kèm theo, các bác sĩ tiếp tục chỉ định bổ sung thêm kháng sinh, đảm bảo dinh dưỡng bằng sữa mẹ, nuôi dưỡng tĩnh mạch, nằm lồng ấp, chăm sóc 24/24 giờ.
Với sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nhi, sau 13 ngày điều trị tích cực, hai bé đã được ra ngoài lồng ấp, không cần thở oxy, ăn tiêu tốt, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Để giảm thiểu nguy cơ sinh non và những rủi ro do sinh non, theo bác sĩ Phạm Công Việt - Trưởng Khoa Nhi, Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, các bà mẹ cần được chăm sóc thai kỳ cẩn thận, xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để kịp thời phát hiện, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, huyết áp và các bệnh lý khác, tránh để ảnh hưởng tới thai nhi.