Hà Nội

Trẻ sinh non lớn lên như thế nào?

04-07-2019 06:22 | Đời sống
google news

SKĐS - Trẻ ra đời dưới 37 tuần tuổi được xem là trẻ sinh non. Trẻ sinh non thường chưa phát triển hoàn thiện cả thể chất lẫn tinh thần so với những trẻ sinh đủ tháng khác, vì thế trẻ thường đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật như bệnh vàng da, suy hô hấp, nhiễm trùng, xơ hóa võng mạc...

Phải đối diện với muôn vàn vấn đề, thực tế cho thấy các bà mẹ có con sinh non cũng không nên quá lo lắng bởi nếu việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sinh non được lên kế hoạch và chuẩn bị chu đáo, kịp thời ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, chính là giải pháp hữu hiệu giúp trẻ sinh non chiến thắng “tử thần” và hồi phục nhanh chóng, trở thành những em bé phát triển khỏe mạnh, bình thường.

Phao cứu sinh mang tên “phác đồ giờ vàng”

Trường hợp sau đây chỉ là một trong số rất nhiều ca sinh non đã được nuôi sống thành công nhờ phác đồ giờ vàng.

Sản phụ Lại Thị H, nhập viện khi thai chỉ mới 23 tuần tuổi trong tình trạng vô ối được theo dõi đến tuần thứ 26 và mổ bắt bé. Bé chỉ nặng 800g, tuy nhiên nhờ được chăm sóc bằng phác đồ “Giờ Vàng” thực hiện ngay tại phòng sinh, sức khỏe bé được kiểm soát tốt, ổn định. Sau gần 50 ngày chăm sóc tại khoa Hồi sức Sơ sinh, hiện nay, bé đạt cân nặng 2.235g.

Phác đồ giờ vàng là thuật ngữ mượn từ cấp cứu đột quỵ ở người lớn, ngụ ý các xử trí chuẩn được thực hiện sớm trong giờ đầu sau sinh giúp đạt hiệu quả tốt, bao gồm:

- Giúp trẻ không bị hạ thân nhiệt bằng cách cho trẻ vào túi nhựa giữ ấm ngay tại phòng sinh. Do nữ hộ sinh phòng sinh thực hiện.

- Hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục tại phòng sinh, do Bác sĩ nhi thực hiện.

- Bơm surfactant điều trị suy hô hấp khi có chỉ định, do bác sĩ và ĐD khoa Hồi sức sơ sinh thực hiện.

- Đặt đường truyền và truyền dung dịch đường, đảm bảo trẻ không bị hạ đường huyết, do bác sĩ và điều dưỡng khoa Hồi sức sơ sinh thực hiện.

Các bước này được thực hiện trong vòng một giờ đầu sau sinh, giúp bé sinh non ổn định sớm, góp phần cải thiện dự hậu lâu dài, giảm thiểu các biến chứng về thần kinh và hô hấp.

Trẻ sinh non lớn lên như thế nào?

Nghị lực phi thường của những em bé non tháng

Bé Hoàng Chí Việt, chào đời vào tuần thứ 26 với cân nặng chỉ 950g, sau 66 ngày điều trị thành công tại khoa NICU đạt cân nặng 2.540g và bây giờ là một cậu bé bụ bẫm gần 9kg. Bé Chí Việt là trường hợp sinh non cực nhẹ cân nhưng trong quá trình nuôi dưỡng bé không sử dụng bất kỳ loại kháng sinh nào, bé cũng không gặp biến chứng thường có ở trẻ sinh non.

Trường hợp kế đến là bé Ngọc Trinh, 11 tháng tuổi, cân nặng 8kg, một cô bé lanh lợi và tinh nghịch. Ít ai biết rằng cô bé chính là trái ngọt hạnh phúc của vợ chồng chị Oanh - anh Hào ngụ tại Bình Dương. Ở tuổi 38, chị Oanh mới được lần đầu trải qua cảm giác thiêng liêng khi nhìn ngắm con lớn lên từng ngày. Người mẹ không ngăn được cảm xúc khi nhớ về hành trình quá đỗi gian nan suốt 9 năm ròng.

Cưới nhau vào năm 2009, sau ba lần mang thai bất thành vì nhiều lý do, đến lần mang thai thứ 4, chị Oanh được bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Bác sĩ phát hiện chị Oanh bị hở eo tử cung, là một trong những nguyên nhân có thể gây sinh sớm. Đến tuần thai thứ 16, chị được khâu eo tử cung để dự phòng sanh non.Tuần thứ 25, chị Oanh được bác sĩ cho nhập viện theo dõi, điều trị bổ sung nội tiết. Sau đó, thai kỳ của chị được duy trì đến hơn 30 tuần và một bé gái chào đời cân nặng hơn 1,4kg. Bây giờ, đứa trẻ đó đã trở thành một cô bé hết sức đáng yêu, là niềm vui vô bờ của gia đình chị.

Các yếu tố nguy cơ khiến trẻ sinh non

Dọa đẻ non và đẻ non được quy định tại Hướng dẫn Quốc gia về các Dịch vụ Chăm sóc Sức khỏe sinh sản do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2016 như sau:

Đẻ non là khi trẻ sơ sinh được sinh ra còn sống từ khi đủ 22 tuần đến trước khi đủ 37 tuần thai kỳ. Dựa vào tuổi thai, đẻ non được chia nhóm như sau: Cực non với tuổi thai dưới 28 tuần; rất non có tuổi thai từ 28 - 32 tuần và non trung bình có tuổi thai từ 32 đến dưới 37 tuần.

- Từ mẹ: Hở eo tử cung, cổ tử cung ngắn, tiền sử có khoét chóp cổ tử cung; viêm nhiễm âm đạo, viêm đường tiết niệu không triệu chứng, viêm nha chu; những bất thường tử cung như u xơ tử cung, dị dạng tử cung bẩm sinh. Những người có tiền sử sinh non. Yếu tố di truyền (bản thân mẹ trước đây đã bị sinh non…)

- Từ con và phần phụ:  Đa thai; thai sau thụ tinh trong ống nghiệm; nhiễm khuẩn ối, ối vỡ non; thai chậm tăng trưởng, thai có khuyết tật. Rau tiền đạo, rau bong non và đa ối cũng là yếu tố nguy cơ..

Đối với trẻ sinh non, sau thời gian được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện trở về nhà, phụ huynh cũng cần lưu ý giữ ấm cho bé, nên tiếp tục áp dụng phương pháp da kề da. Người chăm sóc trẻ cũng cần phải giữ cho môi trường bé sạch sẽ, người chăm sóc phải rửa tay thường xuyên, không cho những người đang bị cảm, ho, sốt đến gần bé.

Trẻ sinh non cũng cần tránh gió lùa, giữ nhiệt độ phòng 27 - 280C.Hạn chế người thân hôn bé vì điều này có thể làm lây nhiễm mầm bệnh qua bé; không nên tắm bé hàng ngày, chỉ nên cách ngày hoặc khi bị bẩn.

Cần theo dõi những dấu hiệu bất thường của bé như nếu bé bú giảm 50% so với bình thường, hoặc ọc nhiều, chướng bụng, theo dõi kỹ nhịp thở, vì trẻ sinh non thường hay bị ngưng thở… nếu phát hiện bất thường, phải đưa đến cơ sở y tế khám ngay.

-Những dấu hiệu của chuyển dạ sinh non bao gồm: Cơn co thắt ở bụng ≥ 1 cơn/10 phút; thay đổi màu sắc dịch tiết âm đạo hoặc chảy máu âm đạo; cảm giác như thai nhi bị đẩy xuống hay gọi là tình trạng gia tăng áp lực vùng chậu; đau lưng âm ỉ, liên tục; đau bụng cảm giác như khi hành kinh hoặc đau bụng có thể kèm tiêu chảy.
-Nên gọi ngay bác sĩ để tư vấn cho sản phụ, đến ngay phòng khám hoặc bệnh viện, dừng các công việc đang làm, và nghỉ ngơi ít nhất 1 giờ. Uống hai đến ba ly nước, hoặc nước trái cây (không uống cafe hay nước ngọt có gas).Nếu có những dấu hiệu xấu hơn, hoặc tiếp diễn thì gọi cho bác sĩ, hoặc đưa sản phụ đến bệnh viện.Nếu những dấu hiệu trên ngừng lại, hãy giúp sản phụ nghỉ ngơi thư giãn mỗi ngày.
-Dù rằng có nhiều nguyên nhân khiến thai phụ không thể phòng ngừa sinh non, thế nhưng bỏ thuốc lá, bỏ bia rượu, uống thuốc theo đơn; kiểm soát cân nặng trong thai kỳ; ăn thức ăn đảm bảo sức khỏe và vận động nhẹ nhàng mỗi ngày; điều trị bệnh hiện mắc như đái tháo đường, tăng huyết áp; phòng ngừa nhiễm trùng, đảm bảo chủng ngừa các bệnh nhiễm trùng như cúm… vẫn là những điều cần phải làm.
PHƯƠNG NGHI


TS.BS. CAM THỊ NGỌC PHƯỢNG
Ý kiến của bạn