Lớp học mang tên online
Đã gần 6 tháng trôi qua, chưa bao giờ học sinh TP.HCM lại có một kì nghỉ hè dài đến như vậy. Tháng 5, các em kết thúc năm học, thầy trò vội vã chia tay trước khi đợt dịch COVID-19 bùng phát dữ dội. Đến giờ, tháng 11, học sinh vẫn chưa thể đến trường, lớp học của các em bây giờ là máy tính, điện thoại để học online; bạn bè, thầy cô là những phòng học zoom trên màn hình, giờ học quẩn quanh trong bốn bức tường im lìm lặng lẽ.
"Em thấy học online là an toàn nhất trong lúc dịch bệnh phức tạp như thế này. Nhưng mà em vẫn muốn đến trường, gặp gỡ thầy cô, bạn bè hơn, cảm thấy tinh thần phấn chấn, thoải mái hơn. Ở nhà nhiều quá, lắm lúc em thấy mình mụ mị hết cả người" - Huy, học sinh lớp 10, ngụ Gò Vấp chia sẻ.
Đó cũng là nỗi lo chung của các bậc phụ huynh khi con em mình phải ở nhà học online trong một thời gian dài. Không ra đường, không giao tiếp, vận động, các em thụ động với chính cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, một bộ phận lớn học sinh sau thời gian dài giãn cách xã hội, các em lại sinh ra tâm lý ngại dậy sớm đến trường vì đã quen với việc học online ở nhà.
"Mình lo lắm. Bố mẹ vẫn phải đi làm, con cái thì đang tuổi dậy thì, cần giao tiếp bạn bè, xã hội, vậy mà phải ở nhà. Nhiều hôm đi làm về chẳng thấy con nói gì, hỏi thì bảo con quen cả ngày ngồi máy tính, không nói chuyện với ai rồi. Cứ thế này bọn trẻ trầm cảm mất thôi", chị Hồng (mẹ Huy) lo lắng.
Học sinh lớp lớn thì tự giác học được rồi. Còn với các bé chập chững bước vào lớp 1 thì còn dở khóc dở cười hơn. "Mình mất cả tháng giời ngồi canh con học đây. Tuần đầu ngồi im tưởng học tập trung lắm, ai dè cô hỏi chẳng biết gì. Tuần thứ hai bắt đầu chống đối, kêu học lâu chán lắm, sau rồi phá bàn, phá ghế, vứt bút. Mắng thì ngoạc mồm khóc, tắt cam, gập máy tính, nhất quyết không học", chị Hằng (ngụ quận 12) than thở.
Học online, con mệt mà bố mẹ cũng mệt. Không phải phụ huynh nào cũng có thời gian ngồi cạnh con học. Mạng thì quá tải, thoát ra liên tục, bố mẹ loay hoay chỉnh sửa xong thì cũng hết buổi học của con, con thì mếu máo vì hôm nay không được cô gọi phát biểu. Thêm vào đó, việc ngồi máy tính lâu cũng khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng. Ánh sáng xanh nguy hại từ màn hình điện thoại nói riêng và các thiết bị kỹ thuật số nói chung có thể làm suy giảm thị lực.
Ôi! Thương quá cô trò thời học online!
Rình rập hiểm nguy...
Chưa bao giờ phụ huynh lại lo sợ đến vậy khi con "ở nhà tránh dịch". Câu chuyện một nam sinh lớp 5 ở Nghệ An khi học online ở nhà thì điện thoại phát nổ khiến em tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu khiến mọi người không khỏi bàng hoàng. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, việc học online còn kéo dài, làm thế nào để hạn chế những câu chuyện đau lòng này luôn là một câu hỏi lớn.
"Trong quá trình các em học trực tuyến, để đảm bảo an toàn, cha mẹ, thầy cô nên nhắc nhở con em mình tuyệt đối không vừa cắm sạc pin vừa sử dụng. Sau mỗi tiết học nên tắt máy để máy bớt nóng", anh Tuấn (chuyên viên IT, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ.
Với các bé mầm non, dù không phải học online nhưng phụ huynh vẫn phải để mắt tới bé liên tục. Đang tuổi tò mò và hiếu động, mọi ngóc ngách, đồ đạc trong nhà đều có thể tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho bé.
"Bé nhà mình 5 tuổi. Không biết chơi thế nào mà bé nuốt cả chiếc bấm móng tay khoảng 5cm vào bụng. Đúng vào những ngày dịch căng thẳng nhất, mình vẫn phải cho bé vào viện kiểm tra, chụp X-quang. Cũng may hôm sau bé đại tiện và tự đào thải ra ngoài được. Cả nhà mình được một phen hú hồn", chị Nga (ngụ quận 3) tâm sự.
Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, vì vậy, bên cạnh việc quan tâm đến sức khỏe của trẻ, phòng chống các tác nhân gây bệnh bên ngoài, phụ huynh cũng cần lưu ý đến việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ trong chính ngôi nhà của mình. Để không ai còn thấp thỏm lo âu khi con ở nhà mùa dịch.