Trẻ ở chùa Bồ Đề có tên giống nhau đến kỳ lạ, vì sao?

06-08-2014 20:51 | Thời sự
google news

Họ tên các trẻ ở chùa Bồ Đề (Hà Nội) thường khá giống nhau. Thậm chí nhiều đứa được nhà chùa đặt họ tên trùng nhau hoàn toàn, chỉ khác mỗi năm sinh.

Xung quanh vụ lùm xùm tại chùa Bồ Đề (Hà Nội), mới đây, một nhóm thiện nguyện đã gửi đơn đến Công an TP. Hà Nội đề nghị điều tra về sự “biến mất” của nhiều trẻ em ở đây từ năm 2007 đến nay.

Nhóm thiện nguyện có khoảng 10 thành viên, đã có nhiều năm làm từ thiện tại chùa Bồ Đề. Họ đã rất nhiều lần tiếp xúc với trẻ ở đây. Nhóm này khẳng định, rất nhiều cháu bé mà họ từng gặp và bồng bế tại chùa Bồ Đề đã biến mất một cách khó hiểu.

Biến mất lại được thay thế?

Những người thiện nguyện cũng thu thập và cung cấp cho cơ quan công an danh sách trẻ em qua các năm tại chùa Bồ Đề. Đối chiếu danh sách cho thấy, số lượng trẻ em thay đổi liên tục và nhiều cái tên bị xóa rất khó hiểu, thay vào là những tên khác. Tuy nhiên, nếu nhìn qua danh sách, sẽ rất khó nhận ra những thay đổi này bởi trẻ em ở chùa được đặt họ tên giống nhau hoặc trùng lặp kỳ lạ.

 - 1

Danh sách trẻ em được đính kèm trong một hồ sơ xin hỗ trợ từ thiện mà sư trụ trì Thích Đàm Lan ký xác nhận năm 2013 (trái) và Danh sách trẻ em của chùa Bồ Đề năm 2014 mà nhóm thiện nguyện thu thập được (cách đặt tên giống nhau)

Phần lớn các trẻ trong danh sách mang họ Cù và họ Kiều. Tên xuất hiện nhiều nhất là "Anh". Theo đó, trẻ em mang họ tên na ná nhau như: Cù Phan Anh, Cù Phấn Anh, Cù Phúc Anh, Cù Quang Anh, Cù Quảng Anh, Kiều Nga Anh, Kiều Ngọc Anh, Kiều Ngân Anh,...

Thậm chí, rất nhiều cháu có họ tên trùng nhau hoàn toàn, chỉ khác mỗi năm sinh. Ví dụ: Có 2 cháu mang họ tên Cù Tuấn Anh nhưng một cháu sinh năm 2008, cháu kia sinh 2013.

Trả lời chúng tôi, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (một thành viên trong nhóm) cho biết, sau khi một cháu bé có tên Cù Tùng Anh hay Cù Việt Anh biến mất, một thời gian sau, một trẻ nào đó mới vào sẽ lại được mang tên cũ.

Theo nhóm, với cách đặt tên đó, nếu ai không sang chùa thường xuyên hoặc không gặp các trẻ từ thời gian đầu (khoảng những năm 2007, 2008) đến nay, không thể phát hiện ra được sự biến mất mờ ám đó.

Chị Ngọc cho biết, riêng chị, chị biết ít nhất 11 đứa trẻ từng ở chùa và biến mất.

 - 2

Nhóm thiện nguyện đã gõ họ tên các cháu lên máy tính và dùng phường pháp lọc, sắp xếp những tên giống nhau lại gần nhau

Khi những người thiện nguyện phát hiện các trẻ em họ từng chăm sóc không còn trong chùa nữa, họ liền thắc mắc với những người ở đây. Tuy nhiên, sư trụ trì Thích Đàm Lan và những người trông coi ở chùa trả lời không giống nhau.

Chị Bích Ngọc khẳng định, họ có đầy đủ chứng cứ hình ảnh cũng như nhân chứng để chứng minh sự tồn tại của nhiều cháu bé tại chùa Bồ Đề nhưng nay đã không còn.

Đơn cử là bé Kiều Hương Anh. Năm 2013, cháu có trong bản danh sách ở chùa được chính sư Đàm Lan ký xác nhận. Nhưng bây giờ, nhóm thiện nguyện hỏi thì vị trụ trì khăng khăng, chùa không có cháu Kiều Hương Anh.

Trẻ đã đi đâu?

Đơn của nhóm thiện nguyện cũng dẫn chứng nhiều vụ trẻ ở chùa Bồ Đề biến mất khó hiểu từng được báo chí phản ánh, mổ xẻ suốt thời gian dài.

Một trong nhiều trường hợp biến mất được nhóm thiện nguyện nêu trong đơn là bé Tùng Anh (gọi là Khoai). Tùng Anh được chùa Bồ Đề nhận vào cuối tháng 8/2007 khi chưa rụng rốn. Đến tháng 1/2008, nhóm thiện nguyện không thấy Tùng Anh ở chùa nữa. Khi họ hỏi thì sư cô nói rằng, cháu được mẹ ruột đón về.

Nhóm thiện nguyện xin cung cấp các chứng cứ, giấy xét nghiệm ADN, địa chỉ mẹ ruột, nhưng nhà chùa đã không đáp ứng.

Đơn còn viện dẫn lời của sư trụ trì Thích Đàm Lan trả lời một tờ báo vào tháng 2/2008 rằng, mới chỉ trả duy nhất 1 trường hợp về mẹ đẻ (bé được trả về 8 tuổi, còn Tùng Anh dưới 1 tuổi).

 - 3
Ảnh năm 2007 chứng minh sự tồn tại của Tùng Anh và Việt Anh tại Chùa Bồ Đề, được nuôi dưỡng (trong ảnh là sư Cô)

Một trường hợp điển hình là cháu bé tên Việt Anh vào chùa tháng 10/2007. Tháng 5/2009, Việt Anh biến mất. Khi nhóm thiện nguyện tìm hiểu, cũng không có được câu trả lời thỏa đáng.

Nhóm thiện nguyện gặp bé Minh Anh vào năm 2007. Đến năm 2012, bé Minh Anh không còn ở chùa. Khi hỏi thì họ nhận được câu trả lời, Minh Anh được cô Cúc (một cô chăm sóc trẻ ở chùa) đưa về quê nuôi.

Mới đây, nhóm thiện nguyện đến đây hỏi lại chuyện cũ, sư bà lại nói rằng, mẹ đẻ cháu đến đón đưa về tận Kiên Giang.

Bé Cù Hoàng Anh vào chùa năm 2010. Đầu năm 2012, bé bỗng biến mất. Khi được hỏi, bà Thoan là người chăm sóc cháu ở chùa nói rằng mẹ đẻ cháu đón về rồi. Nhưng khi nhóm thiện nguyện hỏi bà Hải và bà Thoa thì lại nhận được câu trả lời là nhà chùa cho làm con nuôi.

 - 4
Ảnh chứng minh bé Việt Anh được sư Đàm Lan và sư cô nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại chùa Bồ Đề

Nhóm thiện nguyện còn nêu tên và hình ảnh của rất nhiều cháu bé biến mất mà nhà chùa không hề có câu trả lời rõ ràng.

Trong đơn, nhóm thiện nguyện đề nghị cơ quan công an làm rõ những nghi vấn trên. Sư trụ trì chùa Bồ Đề cần giải thích tại sao số lượng trẻ vào chùa hằng năm nhưng danh sách trẻ lại không tăng, mặt khác lại trồi sụt thất thường? Các cháu vào chùa có được đăng ký khai sinh đầy đủ với chính quyền địa phương không?

Phóng viên đã liên hệ với sư trụ trì chùa Bồ Đề xin giải thích về vấn đề này nhưng sư Đàm Lan từ chối gặp.

Trả lời chúng tôi, trung tá Nguyễn Cao Khải (Đội phó Đội 12 - PC45) xác nhận cơ quan này đã nhận được đơn của nhóm thiện nguyện. Cơ quan điều tra đã mời các nhân chứng cũng như sư trụ trì Thích Đàm Lan đến làm việc.

Hiện cơ quan này vẫn đang điều tra và thu thập chứng cứ.

Phòng Cảnh sát hình sự (PC45 - Công an TP. Hà Nội) vừa bắt Nguyễn Thị Thanh Trang (36 tuổi, quản lý trẻ em ở chùa Bồ Đề) và Phạm Thị Nguyệt (35 tuổi, quê huyện Yên Khánh, Ninh Bình). Hai người này bị tình nghi mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Thanh Trang là quản lý chùa và đã cấu kết với một số đối tượng cho nhận trẻ em vì mục đích thương mại. Nguyệt chính là người đã mua cháu bé Cù Nguyên Công với giá 35 triệu đồng.

Theo Khám phá


Ý kiến của bạn