“Bà không xứng đáng làm mẹ tôi”
Câu nói trên của đứa con gái học lớp 4 khiến chị N. T. M. L ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) choáng váng. Chị không tin vào tai mình, một đứa trẻ 11 tuổi lại có thể nói ra câu nói đó với mình, chỉ vì trước đó con lười học và bị mẹ nhắc nhở. Theo lời kể của chị L, đã rất nhiều lần chị mắng, thậm chí đánh con, thậm chí có lần hứa với con nhưng chị đã không thực hiện được. Cho nên, con chị càng ngày càng bướng bỉnh, bất cần, thậm chí hỗn láo.
Cũng như chị L, chị L. T. Hà ở quận Hà Đông (Hà Nội) còn hốt hoảng hơn khi con gái học lớp 5 đe dọa sẽ “tự tử”. Chị T nói, cũng chỉ muốn tốt cho con nên luôn nhắc nhở con học bài. Tuy nhiên, cháu bé bỏ ngoài tai lời bố mẹ, nhiều lúc còn thách thức, nhiều lần không kìm chế được cảm xúc chị Hà đã đánh con. Kể từ những lần bị mẹ đánh mẹ mắng, đứa con gái của chị tỏ ra bất cần. Mỗi khi cháu làm sai việc gì đều rất lạnh lùng và tỏ thái độ thách thức bố mẹ. Có lần, cháu quên sách vở, không làm bài tập và nói dối bố mẹ chị Hà đã đánh con thật đau và dùng những lời lẽ rất khó chịu để nói con. Ngược với kỳ vọng của bố mẹ là đứa trẻ sẽ sợ và xin lỗi, thì con gái chị đã thét lên: “Con muốn tự tử, cuộc sống này thật vô nghĩa, chẳng có niềm vui, chẳng ai yêu thương. Mẹ đừng tỏ ra là quan tâm đến con nữa đi, giả dối lắm”. Điều đáng nói là con chị Hà đã nhiều lần nói đến việc tự tử và có thái độ lầm lì, thường hay tự véo vào tay và làm đau bản thân…
Cần dành thời gian lắng nghe, thấu hiểu trẻNhững suy nghĩ tự sát hay hành động tự làm đau, đi kèm với các rối loạn tâm lý, bệnh tâm thần, thường gặp nhất trong rối loạn trầm cảm, các vấn đề cảm xúc. Đó là một phần hệ lụy của việc sử dụng công nghệ thông tin, Internet rất phổ biến hiện nay.
Theo ThS tâm lý học Nguyễn Thúy Hà, BV Nhi Trung ương, tại phòng khám các cô gặp nhiều đứa trẻ được bố mẹ đưa đến có tính cách và lối ứng xử như con chị Hà. Khi các cô tâm sự thì trẻ chia sẻ, bố mẹ không giữ lời hứa và thường nhiều khi mắng mỏ vô cớ, hoặc kỳ vọng ở trẻ quá cao, ngoài khả năng của trẻ; nên trẻ cảm thấy bất lực, thậm chí buồn bực mỗi khi bị quát tháo, mắng mỏ việc “luận tội của bố mẹ”. Mọi hành động của trẻ như các biểu hiện trên là do cha mẹ chưa hiểu trẻ, chưa lắng nghe trẻ, mà thường có xu hướng áp đặt. Trẻ em thời nay có mức phát triển tâm sinh lý nhanh, phức tạp hơn nhiều so với các thế hệ trước. Vì vậy, để không phải khó xử với các tình huống trên, thì gốc rễ vấn đề vẫn là ở cha mẹ.
Còn ThS.BS Nguyễn Mai Hương, Khoa Tâm Bệnh, BV Nhi Trung Ương cho rằng, trường hợp trẻ tự cắn vào tay mình, tự làm đau một số bộ phận cơ thể ở bản thân là khi trẻ không thoải mái, có cảm xúc tiêu cực, trống rỗng, chán nản. Khi thực hiện những hành vi tự làm đau vào cơ thể, đó là cách để trẻ được giải thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực của bản thân.
BS Hương cũng cho biết thêm, bác sĩ cũng đã từng gặp những trường hợp trẻ có suy nghĩ tự tử, muốn nhảy từ tầng 2 xuống đất để… chết. Hành vi này thường gặp ở trẻ vị thành niên nhưng cũng có những trường hợp ở trẻ nhỏ tuổi. Những suy nghĩ tự sát hay hành động tự làm đau thường đi kèm với các rối loạn tâm lý, bệnh tâm thần. Thường gặp nhất trong rối loạn trầm cảm, các vấn đề cảm xúc. Tư duy của những rối loạn này thúc đẩy sự xuất hiện hành vi tự sát hoặc tự làm đau mình. Đây chính là một phần hệ lụy của việc sử dụng công nghệ thông tin, internet rất phổ biến hiện nay. Khi cho trẻ sử dụng mạng xã hội, hoặc internet, cha mẹ cần có sự kiểm soát. Riêng với những trẻ vị thành niên, cần hướng dẫn sử dụng mạng đúng, lành mạnh.
Khi nói về vấn đề sự ảnh hưởng của các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính bảng… đến sự phát triển tâm lý, tính cách của trẻ đặc biệt là trẻ nhỏ. ThS.BS Đinh Thạc, trưởng khoa tâm lý, BV Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết: Các thiết bị điện tử nếu được sử dụng đúng cách và hợp lý có giá trị không nhỏ đến sự phát triển trí tuệ, học tập cũng như hoạt động giải trí của trẻ. Tuy nhiên, trẻ em thường chưa có kiến thức, sự hiểu biết để chọn lọc nội dung phù hợp và tự bảo vệ mình trước những nội dung xấu độc hại như bạo lực, không phù hợp văn hóa… Do đó, phụ huynh cần quản lý việc sử dụng thiết bị điện tử của con về thời gian, nội dung mà trẻ tiếp xúc trên môi trường điện tử như quy định thời gian sử dụng của trẻ, kiểm soát các nội dung trẻ có thể xem trên môi trường mạng. Luôn theo sát và theo dõi quá trình sử dụng thiết bị của con để kịp thời xử lý, ngăn chặn khi xuất hiện các nội dung không phù hợp. Việc tiếp xúc với thiết bị điện tử quá sớm không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, nhân cách của trẻ mà còn ảnh hưởng đến não bộ, thị lực cũng như sự phát triển thể chất của trẻ (trẻ thụ động, thích xem điện thoại hơn vui chơi, giảm vận động…). Trẻ tiếp xúc nhiều với các nội dung bạo lực, lớn lên thường có xu hướng bạo lực và có thể tiềm ẩn nguy cơ phạm tội cao hơn những trẻ bình thường khác.
Khi trẻ có dấu hiệu trầm cảm cần phải đưa trẻ đi khám ngay
Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có ý tưởng tự sát cần phải đưa trẻ đi khám ngay. Nếu thấy trẻ có bất cứ biểu hiện tâm sinh lý nào khác thường, trong đó có cả hành vi tự làm đau bản thân, thì cha mẹ cần bình tĩnh, cảm thông, tôn trọng, hỗ trợ, đồng hành. Nhiều cha mẹ chỉ trích trẻ sẽ gây ra những hậu quả xấu. Cần giữ thái độ tôn trọng, quan tâm tới trẻ. Nếu chú ý quá mức hoặc không chú ý quan tâm đều là cách ứng xử không phù hợp với những trẻ.