1. Vì sao trẻ nhỏ dễ bị hăm tã trong thời tiết nồm ẩm?
Trời nồm ẩm là hiện tượng thời tiết đặc trưng của phía Bắc Bộ sau Tết, xảy ra khi độ ẩm không khí lên cao đến 90% khiến hơi nước trong không khí bị ngưng tụ và đọng lại trên bề mặt của đồ vật.
Vào những ngày này, nền nhà có hiện tượng "đổ mồ hôi", quần áo, chăn nệm có thể bốc mùi hôi gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Hăm tã là một tình trạng viêm da rất dễ gặp ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, trong thời tiết nồm ẩm này. Việc mang tã thường xuyên trong thời tiết nồm ẩm có thể khiến cho làn da non yếu của trẻ bị ảnh hưởng, mẫn cảm hơn làm xuất hiện các vết sưng đỏ vô cùng khó chịu.
2. Nguyên nhân gây hăm tã
Hăm tã là một nguyên nhân phổ biến khiến trẻ khó chịu, quấy khóc. Trung bình cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ bị hăm tã ít nhất 1 lần. Hăm tã là trình trạng viêm da thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt trong khoảng thời gian trẻ từ 9-12 tháng tuổi.
Thuật ngữ y khoa của hăm tã là viêm da do tã thuộc nhóm viêm da kích ứng do tiếp xúc. Dấu hiệu sớm nhất của hăm tã thường là đỏ da hoặc các chấm nhỏ đỏ, vùng bụng dưới, hai mông, ngấn đùi, bẹn - vùng da trực tiếp tiếp xúc với bỉm ướt bẩn. Hăm tã thường nhẹ, hiếm khi nặng nề và thường khỏi sau 3 - 4 ngày chăm sóc đúng cách.
Có hai nguyên nhân chính gây hăm tã:
- Để bỉm ướt quá lâu không thay: Ẩm ướt làm cho da dễ tổn thương hơn, đặc biệt là trong những ngày nồm ẩm. Để bỉm ướt càng lâu, nước tiểu ngấm trong bỉm, cùng vi khuẩn sản sinh ra các chất hoá học (như urease) làm tăng pH tại vùng da đó.
- Để bỉm dính phân quá lâu không thay: Các chất men tiêu hoá (như protease, lipase) tồn dư trong phân và sản sinh thêm nhờ vi khuẩn tấn công lớp da non nớt, khiến da mong manh dễ vỡ hơn. Vi khuẩn trong phân cũng làm suy giảm hệ khuẩn chí (vi khuẩn có lợi) trên da, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại bùng lên.
Ngoài ra, một vài tình trạng bệnh cũng làm trẻ dễ hăm hơn như tiêu chảy xì xoẹt kéo dài, ăn sữa công thức (bú mẹ ít bị hơn), vừa phải điều trị kháng sinh "nặng" (dễ tiêu chảy, dễ nhiễm nấm).
Một số nguyên nhân khác như:
- Da trẻ còn quá nhạy cảm.
- Da trẻ bị dị ứng với chất liệu làm tã, hoặc với giấy ướt để lau, làm vệ sinh cho trẻ.
- Tã thô ráp chà xát lên vùng da nhạy cảm của trẻ.
- Hóa chất trong bột giặt và nước xả vải cũng có thể ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của trẻ.
Tuy nhiên, dù bắt đầu do cơ chế nào thì một khi bề mặt da đã tổn thương, da sẽ càng trở nên mong manh trước các lần tiếp xúc tiếp theo với nước tiểu, phân và lại càng nhiễm thêm nấm, vi khuẩn bội nhiễm.
3. Triệu chứng thường gặp
Để trị hăm cho bé đúng cách, bố mẹ cần phải nhận biết chính xác tình trạng hiện tại của con.
Một số dấu hiệu để nhận biết hăm tã ở trẻ như:
- Trẻ thể hiện sự khó chịu và giấc ngủ cũng không còn được sâu và lâu như trước.
- Phần da non nớt của trẻ khi tiếp xúc với tã (không tính bộ phận sinh dục) bị ửng đỏ, nổi các vết mụn nhỏ.
- Phần da bị dị ứng ở trẻ có thể khô hoặc ướt.
- Một số trường hợp có thể bị sưng, nổi mụn gây nên tình trạng lở loét ở trên vùng da.
- Những vùng da bị tổn thương vì hăm tã sẽ rất đau, khiến trẻ khó chịu và quấy khóc. Đặc biệt khi những khu vực này tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu.
- Trẻ thường xuyên giật mình và đôi lúc sẽ khóc thét lên vì cảm thấy đau.
Các mức độ hăm tã:
- Hăm tã nhẹ: Lác đác ban đỏ ở vị trí như mô tả, trẻ không có biểu hiện khó chịu hay đau đớn.
- Hăm tã mức độ trung bình: Khi dát đỏ diện rộng ở vị trí như mô tả, kèm đau, kèm khó chịu.
- Hăm tã nặng: Khi dát đỏ diện rộng kèm phỏng nước, chợt loét trên da. Trẻ mệt mỏi, kích thích hoặc có biểu hiện nhiễm trùng nặng (li bì, sốt...)
Hăm tã nhẹ - trung bình thường đỡ và khỏi trong hai đến ba ngày chăm sóc đúng cách. Kéo dài quá ba ngày tức là có vấn đề khác. Nếu quá 3 ngày (đã chăm sóc đúng cách) mà vẫn chưa khỏi, khả năng cao là đã nhiễm thêm nấm Candida hoặc vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu da). Lúc này cần phải đưa trẻ đi khám chuyên khoa ngay vì có thể cần được uống thêm kháng sinh và một số thuốc đặc trị khác.
Tuy vậy, không nên lạm dụng những loại thuốc này. Chỉ cho trẻ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và sau khi đã hỏi ý kiến của bác sĩ.
4. Xử trí hăm tã thế nào?
4.1. Các biện pháp không dùng thuốc
- Chăm sóc da thích hợp: Đây là biện pháp hữu hiệu để điều trị và phòng ngừa hăm tã.
- Chọn tã có kích thước phù hợp với độ tuổi của trẻ, tránh quấn tã quá chặt vì sẽ làm trẻ không thoải mái và cản trở sự thoát hơi. Để da trẻ luôn thông thoáng, cần cố gắng hạn chế cho trẻ mặc tã, chỉ sử dụng tã khi thật sự cần thiết (khi bé ngủ vào ban đêm, đưa bé ra ngoài hay đi chơi xa…)
- Nếu tình trạng hăm tã xuất hiện khi sử dụng một loại tã mới hay dùng xà bông và bột giặt mới để tắm và giặt tã cho trẻ, bạn cần phải lựa chọn tã, xà bông và bột giặt khác.
- Dùng nước trà xanh để tắm cho bé, chú ý lau người trẻ thật khô sau khi tắm rồi mới quấn tã.
- Không nên bôi, rắc phấn rôm cho trẻ dễ làm bít tắc lỗ chân lông gây khó khăn cho việc thoát ẩm của da.
- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ chú ý phải rửa vùng bẹn và sinh dục ngoài ngay sau khi bé đi vệ sinh xong bằng nước ấm, sạch, rồi thấm khô bằng khăn bông và thay tã mới.
- Khi rửa cần nhẹ nhàng, tránh để bé đau và xây xước da thêm.
- Dùng khăn ướt có thể làm khô da bé, bạn cần cẩn thận chọn loại không cồn và không mùi. Nếu có thể, bạn nên để da bé tiếp xúc với không khí trong khoảng thời gian ngắn sau khi thay bỉm. Việc này sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn và các vết hăm cũng sẽ mau lành hơn.
- Kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện khi tã lót của bé ướt.
4.2. Các thuốc có thể dùng khi trẻ hăm tã
Có một số loại kem có tác dụng như là hàng rào che chở cho bờ mông trước bỉm. Ví dụ như thuốc mỡ thì tốt hơn kem và lotion, do kem và lotion có thể có chất tạo mùi và phụ gia. Các loại kem chứa kẽm oxid, petrolatum, lanolin, silicone oil có thể tìm mua tại các quầy dược mỹ phẩm.
Nên bôi mỗi lần thay tã (sau khi rửa sạch thấm khô). Sau khi đắp thì phủ thêm một lớp vaseline để chống dính vào bỉm. Tuỳ mức độ nặng, các bác sĩ sẽ kê thêm kem bôi hydrocortisone hoặc chống nấm hoặc kem kháng sinh.
Lưu ý:
- Không dùng bột talc (phấn rôm) vì không có tác dụng hàng rào bảo vệ và có nguy cơ hít vào phổi và nguy cơ bệnh lý phụ khoa ở trẻ gái cũng như rắc phấn rôm cho trẻ dễ làm bít tắc lỗ chân lông gây khó khăn cho việc thoát ẩm của da.
- Các sản phẩm có chứa thành phần sau cũng không dùng: Neomycin, phenol, benzocain, camphor, salicylate. Đây là các chất rất hay gặp ở các thần dược chữa hăm. Không dùng vì nguy cơ ngộ độc, tan máu.
5. Phòng ngừa hăm tã ở trẻ khi trời nồm ẩm
Đối với thời tiết nồm ẩm như miền Bắc hiện nay, có thể áp dụng một số cách sau để giữ cho không gian nhà ở khô thoáng, đồng thời cũng giảm nguy cơ hăm tã cho trẻ.
- Luôn đóng kín cửa.
- Sử dụng điều hòa chế độ khô.
- Sử dụng máy hút ẩm.
- Chăm chỉ lau chùi nhà cửa bằng giẻ khô.
- Sấy khô quần áo.
- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ: Thay tã thường xuyên.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đồ ăn nhanh ảnh hưởng tới thận như thế nào?