1. Những loại thuốc nên chuẩn bị sẵn
Để chủ động phòng ngừa và xử trí các tình huống phát sinh trong chuyến đi, phụ huynh nên chuẩn bị sẵn một số loại thuốc và vật dụng y tế cơ bản.
Dưới đây là danh sách những loại thuốc cần thiết nên mang theo khi đưa trẻ đi chơi xa:
1.1 Thuốc hạ sốt, giảm đau
Cha mẹ nên chuẩn bị paracetamol hoặc ibuprofen dưới dạng siro hoặc viên đặt hậu môn (trường hợp trẻ nôn, không uống được). Đây là nhóm thuốc cơ bản giúp hạ sốt, giảm đau nhẹ, viêm họng, đau đầu…
Lưu ý: Cần sử dụng đúng liều theo cân nặng và không phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cùng lúc.

Những chuyến đi chơi xa luôn mang đến cho trẻ nhỏ nhiều điều thú vị.
1.2 Thuốc hỗ trợ tiêu hóa
Một số thuốc có thể mang theo gồm:
- Men vi sinh (probiotic): Hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
- Diosmectite (smecta) là thuốc dùng để điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ trên 2 tuổi và người lớn, tuy nhiên không sử dụng cho trẻ em bị tắc ruột hoặc mắc các bệnh lý gây giảm nhu động ruột.
Lưu ý: Không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy mạnh như loperamid cho trẻ nhỏ nếu không có chỉ định của bác sĩ.
1.3 Thuốc chống dị ứng
Các thuốc kháng histamin thế hệ mới như loratadin, cetirizin (dạng siro) có thể giúp làm giảm các triệu chứng dị ứng nhẹ như mẩn ngứa, chảy mũi, hắt hơi. Bên cạnh đó, nên mang theo kem bôi ngoài da chứa hoạt chất chống ngứa nhẹ như hydrocortison nồng độ thấp, đề phòng trường hợp trẻ bị côn trùng cắn, nổi mề đay.
1.4 Thuốc chống say tàu xe
Với trẻ từ 2 tuổi trở lên, có thể dùng dimenhydrinat, uống trước khi di chuyển khoảng 30 phút. Ngoài ra, một số phụ huynh chọn giải pháp thay thế như gừng, dầu gió trẻ em để xoa ngoài da.
Lưu ý: Không sử dụng thuốc chống say có thành phần gây buồn ngủ cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ dưới 2 tuổi nếu không có chỉ định của bác sĩ.
1.5 Các loại thuốc và kem bôi ngoài da
- Kem chống muỗi, chống côn trùng phù hợp với trẻ nhỏ (hàm lượng DEET dưới 10%).
- Kem trị rôm sảy, mẩn ngứa, có thành phần như oxit kẽm, vitamin E.
- Dung dịch sát trùng nhẹ như povidon iod, nước muối sinh lý để rửa vết thương nhỏ.
- Kem chống nắng dành riêng cho trẻ em nếu đi biển hoặc hoạt động ngoài trời.
1.6 Vật dụng sơ cứu cơ bản
Cha mẹ cũng nên mang theo một số vật dụng như:
- Băng cá nhân, gạc vô trùng, băng dính y tế.
- Nhiệt kế điện tử.
- Tăm bông, nước rửa tay sát khuẩn.

Việc mang theo những loại thuốc thiết yếu sẽ giúp xử lý nhanh các tình huống bất ngờ, đặc biệt trong điều kiện xa nhà, khó tiếp cận cơ sở y tế hoặc hiệu thuốc.
2. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc cho trẻ khi đi chơi xa
- Luôn sử dụng thuốc theo đúng liều lượng khuyến cáo, tính theo cân nặng và độ tuổi của trẻ.
- Nếu trẻ có tiền sử dị ứng thuốc, cần ghi chú rõ ràng và tuyệt đối tránh dùng các thuốc gây phản ứng.
- Không tự ý sử dụng kháng sinh hoặc thuốc có chứa corticoid đường uống nếu không có chỉ định.
- Bảo quản thuốc trong hộp kín, tránh nơi có nhiệt độ cao, đặc biệt nếu đi biển, leo núi hoặc khu vực nắng nóng.
- Nếu trẻ đang điều trị bệnh mạn tính, cần mang theo đầy đủ đơn thuốc, thuốc điều trị và sổ khám bệnh (nếu có).
Chuẩn bị một túi thuốc nhỏ gọn và phù hợp trước mỗi chuyến đi không chỉ giúp cha mẹ yên tâm hơn, mà còn là cách chủ động bảo vệ sức khỏe cho con. Việc mang theo những loại thuốc thiết yếu sẽ giúp xử lý nhanh các tình huống bất ngờ, đặc biệt trong điều kiện xa nhà, khó tiếp cận cơ sở y tế hoặc hiệu thuốc.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Điều trị nôn, Tiêu chảy cấp ở trẻ em - Những sai lầm cần tránh I SKDS