Hương Lê (Hh198885@gmail.com )
Bệnh viêm mũi dị ứng là biểu hiện tại chỗ ở mũi của bệnh dị ứng toàn thân do niêm mạc mũi trở nên quá nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh. Bệnh có liên quan với những nhân tố sau: cơ địa nhạy cảm, gia đình có bố hoặc mẹ bị dị ứng hoặc trong phả hệ có người bị dị ứng; tiếp xúc với dị nguyên như hít phải bụi nhà, lông chó mèo, phấn hoa, kể cả nước hoa, phấn rôm, mùi thơm của nước giặt, xả quần áo...; yếu tố nhiễm khuẩn; yếu tố môi trường khí hậu do thay đổi thời tiết đột ngột (độ ấm, độ ẩm), môi trường ô nhiễm kích thích niêm mạc hốc mũi, tạo điều kiện để viêm mũi dị ứng xuất hiện. Ngoài ra, yếu tố dị hình về cấu trúc và giải phẫu hốc mũi. Về điều trị, cần phát hiện căn nguyên để loại bỏ, tuy nhiên cũng không phải dễ. Con chị mới được hơn 3 tháng, trong thời gian bú mẹ và bế ẵm này trẻ ít bị bệnh vì có kháng thể của mẹ truyền cho. Tuy nhiên, nếu lơ là để bé bị lạnh có thể bị viêm mũi họng, thậm chí viêm phế quản phổi. Trường hợp con chị nếu hay bị hắt hơi sổ mũi mà không tìm được nguyên nhân để loại bỏ, có thể cần đưa bé đi khám chuyên khoa tai-mũi-họng xem có phải do dị hình về giải phẫu mũi, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị cụ thể. Để phòng bệnh cho bé cần tránh các yếu tố nguy cơ như bụi nhà, lông chó, mèo, hít khói thuốc bị động (người lớn không nên hút thuốc trong nhà); cẩn thận khi thay đổi thời tiết, phòng ngừa viêm đường hô hấp, chú ý giữ vệ sinh mũi. Khi bé bị chảy dịch mũi cần hút sạch và thường xuyên dùng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ.