Lo ngại bệnh nhi mắc các bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng nếu đồng nhiễm virus Adeno sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng
Từ cuối tháng 8 đến nay, số ca bệnh mắc virus Adeno tăng cao. Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận hơn 1.400 ca bệnh Adenovirus.
Trong 2 tuần từ 12/9 đến 21/9/2022, tỷ lệ các ca được phát hiện mắc Adenovirus chiếm 10% tổng các ca đến khám tại bệnh viện. Trong số ca nhiễm có 80% là bệnh nhi tại các quận huyện của Hà Nội. Đã có 7 trường hợp tử vong là các bệnh nhân mắc các bệnh lý nền, đồng nhiễm Adenovirus.
Riêng ngày 22/9, tại Bệnh viện Nhi TW qua thăm khám các trẻ đến khám đã phát hiện 150 ca, trong đó một nửa số bệnh nhân này cần nhập viện.
Tại Bệnh viện Bạch Mai và số bệnh viện của Hà Nội, đã ghi nhận gần 100 ca được phát hiện mắc virus Adeno.
Những thông tin trên được đại diện các bệnh viện đưa ra tại cuộc họp về công tác thu dung, điều trị bệnh nhi mắc virus Adeno diễn ra chiều muộn ngày 23/9, tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.Tham dự cuộc họp có đại diện Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Hà Nội và một số bệnh viện có khoa Nhi thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Theo báo cáo sơ bộ tại cuộc họp, Bệnh viện Nhi Trung ương có số bệnh nhân viêm đường hô hấp đến khám được phát hiện mắc virus Adeno chiếm nhiều nhất trong các cơ sở khám, chữa bệnh tại Hà Nội.
Tại cuộc họp, đại diện các bệnh viện cũng cho biết, do tháng 9 là thời điểm nhập học và thời tiết giao mùa nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp chiếm 60%-70% số bệnh nhi đến khám. Do đó, dẫn tới tình trạng quá tải cục bộ tại một số thời điểm trong ngày, trong tuần.
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đã đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm Adeno nhập viện theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng.
Điều các chuyên gia lo ngại là các bệnh nhi mắc các bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng nếu đồng nhiễm Adenovirus sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng.
Đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện chưa ghi nhận các ổ dịch Adenovirus trong cộng đồng.
Sau khi nghe các ý kiến từ đại diện bệnh viện, TS Nguyễn Trọng Khoa nhận định việc nhiều trẻ mắc virus Adeno là vấn đề y tế công cộng cần quan tâm. Đây là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, tuy nhiên nếu bệnh nhi đã mắc các bệnh lý nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật mắc thêm virus Adeno có nguy cơ tử vong cao.
Trước mắt, các bệnh viện cần bố trí buồng riêng cho bệnh nhân hô hấp không nằm chung bệnh khác, tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như đeo khẩu trang, khử khuẩn…. không để lây lan dịch bệnh. Tăng cường công tác truyền thông không gây hoang mang trong cộng đồng.
Bộ Y tế sẽ cập nhật và ban hành hướng dẫn điều trị bệnh Adeno trong đó sẽ xây dựng tiêu chuẩn nhập viện đối với các ca mắc virus Adeno làm căn cứ cho các bác sĩ khi khám, chẩn đoán.
Đề nghị Sở Y tế Hà Nội lên kế hoạch và có phương án nếu bệnh nhân gia tăng thì có giải pháp để phân tuyến, thu dung, điều trị phù hợp, cần chủ động, theo dõi chặt diễn biến, theo dõi báo cáo hằng ngày và báo cáo Bộ, có phương án chuẩn bị các khu hồi sức cho bệnh nhân nặng.
4 cách phòng, chống bệnh do virus Adeno
Liên quan đến bệnh do virus Adeno gia tăng, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế trước đó đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.
Các địa phương chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo.
Hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân về nguy cơ nhiễm bệnh và các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh; không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh do virus Adeno trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó tập trung vào các nội dung khuyến cáo phòng chống lây nhiễm như:
- Thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường;
- Vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch;
- Che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi;
- Không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh...
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương rà soát, điều tra, phân tích dịch tễ học các trường hợp mắc, tử vong do virus Adeno tại Bệnh viện Nhi Trung ương, kịp thời báo cáo và đề xuất các giải pháp phòng chống.
Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Cục Y tế dự phòng đề nghị tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh của các địa phương khu vực phụ trách để phân tích, đánh giá nguy cơ, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu cho Bộ Y tế các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả với từng địa phương trong khu vực phụ trách;
Tổ chức phổ biến, tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh, kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch.