“Hướng tới không còn trẻ nhiễm HIV từ mẹ” là chủ đề của Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong tháng 6 năm 2014.
Ước tính nước ta mỗi năm có 2 triệu phụ nữ mang thai, trong đó có gần 5 nghìn phụ nữ mang thai nhiễm HIV và có khoảng 2 nghìn trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Còn tại Hà Tĩnh lũy tích đến tháng 4 năm 2014 phát hiện 1.603 trường hợp nhiễm HIV/AIDS ở 12/12 huyện, thị, thành phố, trong đó có 255 phụ nữ, trẻ em dưới 5 tuổi 17 trường hợp, từ 5 đến 19 tuổi 59 trường hợp.
Theo Bác sỹ Phùng Bình Văn - Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AID tỉnh, thực tế số trẻ có nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cao nhất nằm ở giai đoạn bà mẹ chuyển dạ, chiếm khoảng 20%, trong khi trẻ nhiễm HIV từ trong bụng mẹ chỉ chiếm từ 5 đến 10%. Với những trường hợp phát hiện muộn lúc chuyển dạ thì các cơ sở y tế khó áp dụng phác đồ điều trị bằng thuốc ARV. Mặt khác, dù áp dụng điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở những trường hợp này thì hiệu quả cũng không cao.
Nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV không tham gia vào gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV sang cho thai nhi từ 25 đến 40%, nếu tham gia thực hiện gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ này có thể giảm xuống còn khoảng 5%. Nội dung của gói dịch vụ dự phòng lây truyền mẹ con là: Phụ nữ được tư vấn xét nghiệm HIV; cung cấp điều trị ARV, theo dõi, hướng dẫn tư vấn các biện pháp an toàn cho trẻ trước trong và sau sinh.
Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng chống HIV lây truyền từ mẹ sang con vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do lực lượng cán bộ y tế tham gia dự phòng lây truyền mẹ con còn mỏng nên việc quản lý số phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở cơ sở chưa chặt chẽ và thiếu tính thống nhất. Nhận thức của một số phụ nữ đặc biệt phụ nữ mang thai về dự phòng lây truyền HIV mẹ con còn thấp nên hầu hết phụ nữ nhiễm HIV đều phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai và khi chuyển dạ nên rất khó khăn trong việc tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, quản lý các bà mẹ nhiễm và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, hiện nay chưa có chế độ, chính sách cho các bà mẹ mang thai nhiễm HIV và trẻ em bị nhiễm HIV, trẻ em không bị nhiễm HIV nhưng bị ảnh hưởng bởi HIV, trong khi đó xã hội vẫn còn sự kỳ thị phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS. Đó là những rào cản làm cho đa số phụ nữ nhiễm HIV còn dấu giếm không dám công khai, do đó nguy cơ lây nhiễm HIV cho những người xung quanh là rất cao.
Để hạn chế sự lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, thời gian qua, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã có nhiều biện pháp nhằm làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con. Từ năm 2009 đến nay Trung tâm đã xét nghiệm cho hàng ngàn phụ nữ mang thai, trong đó có 19 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV được chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và đã có 15 trẻ được sinh ra an toàn không bị nhiễm HIV từ mẹ, còn 4 phụ nữ đang mang thai đang được chăm sóc điều trị dự phòng. Chị A, Thị xã Hồng Lĩnh tâm sự: “Hai vợ chồng phát hiện bị nhiễm HIV từ năm 2005, sau đó chúng tôi đã tham gia điều trị thuốc ARV tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, được một thời gian thì sức khỏe hồi phục lại. Chúng tôi đang còn trẻ mà lại chưa có con nên mong muốn được sinh con nhưng rất sợ bị con bị nhiễm HIV. Sau khi tìm hiểu gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chúng tôi quyết định sinh con và áp dụng đầy đủ các biện pháp dự phòng theo lời của bác sĩ khuyên. Đến nay, chúng tôi đã sinh được hai cháu, cháu đầu được 3 tuổi, cháu thứ hai được gần 1 tuổi. Cả hai cháu đều không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Chúng tôi rất mừng và hạnh phúc lắm, bây giờ hai đứa con là niềm an ủi rất lớn của vợ chồng và cũng là động lực để chúng tôi vươn lên trong cuộc sống chị ạ!”.
Đây là một chương trình có ý nghĩa, nhằm giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai, giảm số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ và làm giảm bớt nỗi đau cho những người nhiễm HIV. Trong tháng cao điểm này nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo tăng cường cung cấp dịch vụ dự phòng, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, huy động sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng vào các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, làm giảm đến mức thấp nhất tỉ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang.
Thanh Loan