Trẻ nguy kịch vì ngộ độc chì do uống thuốc cam

23-11-2011 10:36 | Tin nóng y tế
google news

Cháu Lê Thị Y. (2 tháng tuổi, ngụ Phú Thọ) được đưa vào khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương trong trạng thái thiếu máu trầm trọng, da xanh và lên cơn co giật. Chị Nguyễn Thị M., mẹ cháu Y., cho biết sau khi bôi thuốc cam của một thầy lang gần nhà, bé liên tục nôn và lên cơn co giật, gia đình vội vã đưa đi cấp cứu.

Bé A. bị tưa lưỡi nên được bố mẹ mua thuốc cam về cho uống. Hậu quả bé bị co giật, nôn nhiều, da xanh xao.
 
 Bệnh nhi ngộ độc chì tại BV Nhi TƯ. Ảnh nhỏ: một mẫu thuốc cam.
Ảnh: Kim Anh.
2 tuần, 5 trẻ nhập viện

Cháu Lê Thị Y. (2 tháng tuổi, ngụ Phú Thọ) được đưa vào khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương trong trạng thái thiếu máu trầm trọng, da xanh và lên cơn co giật. Chị Nguyễn Thị M., mẹ cháu Y., cho biết trước đây một tuần, thấy con bị nhiệt miệng, chị mua thuốc cam của một thầy lang gần nhà về bôi vào các nốt lở. Sau khi bôi được 5 ngày thì bé liên tục nôn và lên cơn co giật, gia đình vội vã đưa đi cấp cứu.

Cùng chung tình trạng với bé Y. là bé Đỗ Phương A. (5 tháng tuổi, ở Hòa Bình). Thấy con bị tưa lưỡi, bố mẹ liền mua thuốc cam về cho bé uống. Hậu quả bé bị co giật, nôn nhiều, da xanh xao. Lúc ấy, gia đình mới tá hỏa và đưa bé đi khám. Bác sĩ Phạm Thị Vân Anh, khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết trong vòng 2 tuần gần đây, khoa tiếp nhận 5 cháu từ 2 tháng rưỡi đến 8 tháng có biểu hiện co giật, thiếu máu nặng. Đặc biệt, một bệnh nhi bị suy hô hấp nặng, phải thở máy.

Ban đầu với những dấu hiệu này, các bác sĩ thường nghĩ đến khả năng xuất huyết não. Nhưng tuổi các bệnh nhi đều hơn lứa tuổi xuất huyết não (độ tuổi xuất huyết não là 45 ngày trong khi các cháu này đều 2 - 8 tháng tuổi). Chỉ đến khi kết quả định lượng một số chất đặc biệt có thể gây ra hiện tượng ngộ độc của bệnh nhi đầu tiên cho kết quả chì lên tới 106 microgam/100 ml máu (bình thường nồng độ chì dưới 10 microgam/100 ml máu), các bác sĩ mới kết luận rằng các cháu đã bị ngộ độc chì. 

Khai thác tiền sử của các bệnh nhi, mới hay trẻ được uống thuốc cam 3 lần một ngày trong vòng một tuần. Các gói thuốc cam ở dạng bột, có 2 loại, màu cam và màu xanh. Tất cả đều được gói thành các gói nhỏ trong giấy báo và không có bất kỳ thông tin gì về thành phần cũng như xuất xứ. Đưa các mẫu thuốc cam mà các trẻ ngộ độc đi phân tích tại phòng Hóa phân tích, Viện Hóa học, kết quả cho thấy hàm lượng chì trong các mẫu này rất cao, chiếm 10% - 20% trong thành phần thuốc.

Không tùy tiện dùng thuốc

Theo tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, ngộ độc chì rất nguy hiểm. Chì vào cơ thể sẽ lắng đọng trong các tổ chức, cơ quan, lưu hành tự do trong máu, gây nhiễm độc hệ thần kinh khiến trẻ bị co giật, rối loạn hành vi, ảnh hưởng tới hệ tạo máu gây thiếu máu, còn khi xâm nhập vào xương, nó khiến trẻ không phát triển chiều cao. Khi bị nhiễm độc chì, trừ trường hợp với nồng độ thấp, thời gian ngắn thì có thể hồi phục, còn nếu nhiễm nồng độ cao dù có điều trị đào thải hết cũng để lại di chứng, ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và trí tuệ của trẻ.

Các bác sĩ cho biết tình trạng các ông bố bà mẹ tự mua thuốc cho trẻ uống gây ngộ độc rất đáng báo động. Trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây, Bệnh viện Nhi tiếp nhận rất nhiều trường hợp như vậy. Các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ em có các dấu hiệu không ổn về mặt sức khỏe, nên đến cơ sở y tế khám, không nên sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần, không có sự kiểm định về dược.
Lan Hương
Theo Báo Đất Việt

 


Ý kiến của bạn