Sau khi bị ngã từ trên giường xuống nền nhà, bé H.L.Đ ở Thái Nguyên có biểu hiện nôn nhiều, chậm chạp. Gia đình bé cho biết cú ngã của bé khôngmạnh, tuy nhiên lại có biểu hiện như trên làm gia đình lo lắng và đưa tới bệnh viện A, Thái Nguyên để kiểm tra. Tại đây, sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bé được phát hiện khối máu tụ lớn ngoài màng cứng vùng trán phải, đè ép màng cứng và nhu mô não thuỳ trán phải. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy khổi máu tụ. Hiện sức khoẻ bé đã bình phục.
BS CK2 Nguyễn Anh Trọng - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương, BV A Thái Nguyên cho biết, khi bị chấn thương đầu, có thể xảy ra tổn thương, trong đó thường gặp nhất là tổn thương cấp tính.
Dấu hiệu xảy ra ngay sau khi bị chấn thương: Có trường hợp vài ngày sau chấn thương mới xuất hiện triệu chứng; Có trường hợp xảy ra muộn sau vài tuần mới có biểu hiện.
Nhiều bệnh nhân bị máu tụ dưới màng cứng, khi vào viện vẫn khẳng định không bị chấn thương, không bị té ngã. Có nhiều trường hợp trẻ bị ngã, va chạm nhưng không chảy máu nên cha mẹ cũng chủ quan nghĩ không sao.
Nhiều người cho rằng, phải té ngã đập đầu mạnh thì mới có thể gây tổn thương não. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy những va chạm tưởng nhẹ như: Va đầu vào tường, đứng dậy đầu đội trúng cửa sổ, tủ, vòi nước… đều có thể gây nguy cơ tụ máu dưới màng cứng.
Giải thích về vấn đề này, các bác sĩ cho rằng va chạm đó có thể làm đứt một tĩnh mạch bắc cầu, khiến máu chảy rỉ rả và đến một lúc nào đó, khi lượng máu tích tụ đủ để chèn ép lên não, sẽ gây ra các triệu chứng đau đầu, nôn ói, mắt mờ, tay chân yếu, rối loạn tri giác rồi hôn mê.
Do vậy, có nhiều trường hợp hai ba tháng sau chấn thương mới xuất hiện các triệu chứng trên, khi đó được xem là tụ máu dưới màng cứng mãn tính.
BS. Trọng cũng lưu ý dù dạng nào cũng nguy hiểm và cần được xử lý kịp thời, nếu không phát hiện sớm có thể dẫn đến tình trạng bệnh nhân có thể sống thực vật hoặc tử vong. Còn nếu được xử lý kịp thời, mổ giải áp não sớm, dẫn lưu máu tụ ra ngoài thì hầu hết phục hồi hoàn toàn ngay sau khi lấy hết máu tụ.
Do đó, mọi người không nên chủ quan xem nhẹ chấn thương đầu, ngay cả khi va chạm, đụng đầu không thấy vết thương cũng phải cẩn trọng, theo dõi sức khỏe chặt chẽ.
Khi có những dấu hiệu nhức đầu dữ dội, tay chân yếu và giật tay chân; nôn ói liên tục, lúc tỉnh lúc mê, ngủ mê kêu không thức dậy, kinh phong, sưng lớn nơi da đầu, lỗ tai hoặc lỗ mũi chảy nước trong… Ở trẻ em, dấu hiệu giúp dễ nhận ra là trẻ bỏ thói quen sinh hoạt hàng ngày, chỉ thích nằm, không muốn ăn, than đau đầu… thì phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được xử lý và điều trị kịp thời.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội